Tuy nhiên, năm 2010, tình thế đã có nhiều thay đổi. Với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.160 USD, Việt Nam vững vàng trong vị trí mới, là một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Điều này thay đổi quan hệ giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, thay đổi những điều khoản của các nguồn tài chính mà Việt Nam có thể tiếp cận. Việt Nam không thuộc nhóm nước chỉ nhận tài trợ, mà có thể tiếp cận các nguồn lực thương mại khác từ Ngân hàng Tái thiết Phát triển (IBRD) với những điều kiện ưu đãi hơn nguồn vốn thương mại thông thường. Như vậy, mặc dù mọi sự thay đổi cần có một tiến trình với khoảng thời gian nhất định, song vốn ODA cam kết cho Việt Nam có thể sẽ không theo định dạng quen thuộc.
Vào Hội nghị CG năm 2009, vị trí mới của Việt Nam cũng đã được các nhà tài trợ nhắc tới với nhiều khuyến nghị dành cho một nước có thu nhập trung bình thấp. Việc tiếp cận nguồn vốn IBRD được cho sẽ là cơ hội của Việt Nam khi Việt Nam đang cần rất nhiều nguồn lực cho nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, các nhà tài trợ cũng nhấn mạnh tới đặc điểm của nguồn vốn này, đó là dù không bị hạn chế như vốn tín dụng từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA), song chi phí vay của IBRD cao hơn, lãi suất cao hơn, nên đòi hỏi người sử dụng vốn phải thận trọng và đặt cao tính hiệu quả.
Vị trí của một quốc gia có thu nhập nhập trung bình không chỉ thay đổi vị thế của Việt Nam, mà đòi hỏi sự thay đổi thái độ của Việt Nam với các nguồn vốn tài trợ. Sự kỳ vọng có thể quá lớn vào vốn ODA, đặc biệt là trong các kế hoạch đầu tư phát triển của các địa phương buộc phải thay đổi. Tình trạng giải ngân chậm, vốn thường thấy trong các báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á về tình hình các dự án sử dụng vốn ODA của các ngân hàng này tại Việt Nam, chắc chắn phải có cách nhìn quyết liệt hơn khi Việt Nam tăng nguồn vốn vay IBRD. Rủi ro được cảnh báo không phải là vay nhiều hay ít mà là việc sử dụng đồng vốn vay không đúng mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế, không mang lại năng suất, hiệu quả…
Hiện tại, Việt Nam đang được các quốc gia khác nhìn nhận như là một đối tác phát triển tiềm năng trong tương lai, thay vì là một quốc gia nhận chỉ đủ điều kiện nhận tài trợ thuần túy. Tất nhiên, trong cuộc chơi mới, với vị trí mới giữa các đối tác sòng phẳng, các điều kiện, yêu cầu sẽ rất khác. Uy tín và sức cạnh tranh của Việt Nam với các đối tác, các nhà tài trợ có thể nói phụ thuộc rất lớn vào các kế hoạch ứng xử với các nguồn vốn vay.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com