Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều hành tiền tệ không giật cục

Ngày 25-12, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp về tình hình biến động lãi suất. Giải trình trong phiên họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu khẳng định điều hành không lập cập, trần tình hàng loạt lý do khiến lạm phát, lãi suất tăng. Trong khi đó, nhiều đại biểu cho rằng điều hành lập cập, thiếu thống nhất...

Lạm phát cao không phải lỗi NHNN


Theo ông Giàu, mỗi năm tăng lương đều tác động tăng CPI ít nhất 0,5-0,6%. Ngày 24-12, Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đã kết luận lạm phát tăng cao liên tục mấy tháng qua có yếu tố chủ quan, nhưng chủ yếu là bất khả kháng do thiên tai, biến động giá thế giới... Không có yếu tố do chỉ số tiền tệ tác động vào. “Có lúc tôi bị áp lực mạnh mẽ nên kết luận này động viên tôi rất lớn” - ông Giàu nói.

Giải trình các vấn đề về điều hành tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã trình bày về việc ngân sách vay tiền ngân hàng. Ông Giàu khẳng định: “Nhiều ý kiến nói thống đốc điều hành giật cục, nhưng tôi khẳng định tôi điều hành không giật cục. Quý 3 CPI tăng trở lại, tôi khẳng định cung tiền làm rất đều đặn”. Ông Giàu nói: ngay đầu năm NHNN phải tạm ứng một khoản rất lớn cho ngân sách chi tiêu. Sau đó Chính phủ tiếp tục đề nghị NHNN chuyển cho Bộ Tài chính một khoản rất lớn nữa để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Nhấn mạnh từ “rất lớn”, ông Giàu cho biết luật cho phép việc tạm ứng này nên NHNN thực hiện và ngân sách chỉ vừa mới trả lại đủ cho NHNN.

Bình luận về các chính sách của NHNN, đại biểu Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế - cho rằng chính sách như “đi trên dây”, thấy đến giữa năm CPI vẫn ở mức vừa phải, tính từ đó đến cuối năm mỗi tháng chỉ tăng khoảng 0,5% nên đã có nới chính sách. Khi CPI bùng lên từ tháng 9, tháng 10, NHNN đã chưa triệt để trong việc dùng chính sách tiền tệ kiềm chế lạm phát mà cứ “lùng nhùng”. Theo ông Lịch, chống lạm phát phải tăng lãi suất, thế nhưng hồi giữa năm NHNN kêu gọi giảm lãi suất. “Chống lạm phát kiểu ấy thì các nhà kinh tế nghỉ hết”.

Trả lời về vấn đề này, ông Giàu cho biết bản thân bị đánh giá bảo thủ, nghĩa là đứng về ổn định vĩ mô. Tăng lãi suất để giảm lạm phát, nhưng có nhiều ý kiến rất trái chiều, ngay vừa qua vẫn có người nói phải bơm thêm tiền ra. Ông Giàu công nhận chính sách lãi suất vẫn phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Các lý do khác khiến lãi suất phải tăng, theo ông, ngoài chỉ số CPI cao còn phải kể đến nhu cầu vốn của nền kinh tế cao, kỳ vọng lãi suất của người dân cũng tăng cao. Trong khi đó, các dư luận trái chiều NHNN không thể kiểm soát nên có gây dư luận xã hội, tác động thêm vào tâm lý người dân...

“Một số việc nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi”


Theo ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc NHNN, trong số các nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao, lãi suất biến động mạnh bên cạnh tác động khách quan thì điều hành vừa qua lập cập, có vấn đề, phối hợp giữa các ngành thiếu đồng bộ. “Không hiểu sao người đứng đầu Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia lại đứng ra tuyên bố ổn định tỉ giá đến cuối năm, bơm ngoại tệ... như vậy là ông này tuyên bố, còn ông khác làm”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời bằng việc tự cho rằng năm 2010, NHNN có hai “tai nạn nghề nghiệp”, đó là cuộc họp báo của Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia ngày 4-11 và chương trình huy động lãi suất cao của một số ngân hàng. “Tôi nhận thiếu sót nhưng một số việc nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi”. Cuộc họp báo nói thả nổi lãi suất, cho lãi suất thỏa thuận nên lãi suất tăng mạnh như thế. “Điều hành cực lắm” - ông Giàu nói và tiết lộ chỉ việc Ngân hàng Techcombank đưa lãi suất huy động lên 17%/năm đã khiến NHNN phải bơm thêm vào thị trường 15.000 tỉ đồng để bình ổn thị trường, “trong khi NHNN mỗi ngày bơm 3.000 tỉ  đồng đã có vấn đề”.

Khó xử lý các ngân hàng


Về lợi nhuận của ngân hàng, ông Giàu nêu thêm là trong các năm gần đây hoạt động của các ngân hàng khá đa dạng, nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có huy động và cho vay như hoạt động ngân hàng cổ điển trước đây. Trong khi ông Cao Sỹ Kiêm nhận định việc xử lý Techcombank nâng lãi suất cao đột biến như vừa qua là còn nhẹ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc là “không phải dễ”.

Xoáy vào thừa nhận của thống đốc về việc nhiều ngân hàng thành lập nhưng năng lực yếu, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung hỏi: “Tại sao chúng ta cứ để sinh ra sàn vàng rồi đi theo để chữa, để thành lập các ngân hàng không đủ năng lực, rồi dẫn đến lãi suất cao, cuối cùng cứ chạy theo để chữa?”.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu trả lời: “Hệ thống ngân hàng này do ai sinh ra? Thực tế đã qua nhiều đời. Tôi đã từng làm phó thống đốc năm năm rưỡi, tôi từng đề xuất hạn chế cấp giấy phép mới. Khi ngâm 23 hồ sơ, tôi bị áp lực rất lớn. Tôi phải vì sự nghiệp chung mà cắn răng giữ”...

Giải pháp căn cơ giúp các ngân hàng nhỏ do thiếu vốn phải tăng lãi suất để thu hút tiền, đẩy lãi suất lên cao, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ đề xuất Thủ tướng cho phép có biện pháp ưu tiên ngân hàng nhỏ. Như tỉ lệ dự trữ bắt buộc hiện 3%, ông có thể cho ngân hàng nhỏ chỉ phải dự trữ 2% để họ giảm giá thành. “Nhưng làm việc này cũng khó, vì ưu tiên ông nhỏ thì ông lớn phản ứng” - ông Giàu nói.

Phát biểu kết thúc phiên giải trình, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng cần có chính sách rõ ràng và minh bạch hơn, tăng cường tính chủ động của NHNN, sự phối hợp giữa các ngành trong việc đưa ra các chủ trương nhất quán để tạo niềm tin cho thị trường. Tăng cường kiểm tra giám sát hơn nữa đối với các tổ chức tín dụng, khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh như vừa qua, hình thành văn hóa trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Giải pháp giảm lãi suất năm 2011, báo cáo của NHNN cho rằng cần kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm, vì “lạm phát cả năm không quá 7% là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường.

(Tuổi trẻ)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!