Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lấp khoảng trống thống kê FDI

Việc báo cáo định kỳ về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được đưa vào khuôn khổ.
 
Quản lý 70 doanh nghiệp (DN) FDI, nhưng hàng tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên chỉ nhận được báo cáo của 10-15 DN. Phải thường xuyên báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về FDI, về hoạt động của các DN FDI, nhưng trên thực tế, theo một cán bộ thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, việc Ban có báo cáo được hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của DN.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở tỉnh Bình Định. Đó là nhiều khi, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tới DN để thu thập số liệu, thì thường bị từ chối, thậm chí còn nhận được câu trả lời rằng: “Muốn ghi số liệu thế nào cũng được”. Theo một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, hàng tháng, chỉ có thể có được báo cáo về số liệu dự án được cấp chứng nhận đầu tư gửi tới Bộ.

Nhưng trên thực tế, ngay cả là báo cáo của địa phương, cũng không phải lúc nào cũng đầy đủ. Việc vào năm 2008, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phải hai lần công bố số liệu về vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cũng đã nhiều lần “kêu gọi” thiện chí của các nhà đầu tư, cũng như của các địa phương trong cung cấp thông tin. Thiếu thông tin, có thể sẽ dẫn tới khó quản lý và thậm chí, khó đưa ra được các chính sách quản lý một cách kịp thời và hiệu quả.

Tuy nhiên, tất cả những khoảng trống này, có thể sẽ được lấp đầy, khi Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ về FDI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua và cả khi quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với DN nhà nước, DN và dự án có vốn FDI chính thức có hiệu lực (ngày 15/1/2011). “Các quy định này có hiệu lực, sẽ đảm bảo nguồn thông tin đầu vào về FDI. Thông tin đầy đủ, thường xuyên và kịp thời vừa là điều kiện cần, vừa là điều kiện đủ để đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý, đặc biệt là trong việc hoạch định, đánh giá chính sách”, ông Hoàng nói.

Phân tích rõ hơn về các số liệu thống kê mà các cơ quan quản lý nhà nước về FDI, như các sở kế hoạch và đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như các bộ, ngành, địa phương phải định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, thông tin phải thật cụ thể và rõ ràng. Chẳng hạn, về vốn, phải có đầy đủ về vốn đăng ký, vốn giải ngân, vốn chủ sở hữu, vốn vay trong nước hay nước ngoài là bao nhiêu...

“Chúng tôi cần có các số liệu này để trả lời câu hỏi là nhà đầu tư có thực sự mang vốn vào Việt Nam hay không, hay chỉ là vay trong nước? Cơ quan quản lý nhà nước cần có số liệu đó để có các chính sách quản lý kịp thời”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Tương tự, theo Thứ trưởng Đông, các số liệu thống kê về nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu; hay số thuế đã nộp; tình hình sử dụng đất đai; sử dụng công nghệ... cũng rất cần được cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác, để trên cơ sở đó, cơ quan quản lý có những đánh giá khách quan và chính xác về hoạt động của các DN FDI tại Việt Nam và xây dựng chính sách phù hợp.

Dựa trên các tiêu chí này, Dự thảo Thông tư đã xây dựng hàng loạt biểu mẫu để các cơ quan quản lý nhà nước về FDI theo đó báo cáo số liệu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như quy định cụ thể thời điểm mà hàng tháng, hàng quý, hàng năm, DN, cũng như cơ quan quản lý cần gửi báo cáo về Bộ. Tuy vậy, cũng theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, nếu là thông tin lần đầu, thì cần tuân thủ biểu mẫu, còn nếu là thông tin cập nhật hàng tháng, hàng quý, thì không nên quá nhiều.

“Phải làm sao không tạo gánh nặng cho người báo cáo, không quá phức tạp và có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ để DN dễ sử dụng”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

(Theo Báo đầu tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • 2011 - Cơ hội thu hút FDI
  • 5 biện pháp bình ổn thị trường tiền tệ
  • Nợ công: Vay và trả
  • Điều hành tiền tệ không giật cục
  • Mốc cân bằng tỉ giá
  • Cam kết ổn định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước: Liệu có thành công?
  • Thị trường hàng hóa sẽ biến động mạnh sau động thái tăng lãi suất của Trung Quốc
  • Tiền xu bị “chối bỏ” trong lưu thông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!