Năm 2010, trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phần lớn lợi nhuận thấp, các ngân hàng vẫn lãi lớn . Các chuyên gia ngành ngân hàng nói gì về việc này?
PGS-TS Trần Hoàng Ngân- Thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ: Cần giám sát chặt
Hoạt động của hệ thống ngân hàng luôn có sự phân hoá. Top đầu bao giờ cũng thể hiện khả năng quản trị tốt hơn. Đó là chưa kể, trong kinh doanh, nắm bắt cơ hội, đón đầu chính sách luôn là lợi thế. Tuy nhiên, nếu tính lợi nhuận trên vốn điều lệ trong bối cảnh năm nay các ngân hàng tăng vốn rất mạnh thì thực ra số tuyệt đối về lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay còn thấp hơn năm 2009.
Tôi cũng đã xem xét cổ tức của một loạt các ngân hàng, mức bình quân chỉ ở ngưỡng 12-14%/năm, trong khi giá cổ phiếu ngân hàng năm nay giảm mạnh. Nếu so sánh thì rõ ràng hệ thống ngân hàng 2010 hoạt động không hiệu quả bằng. Người gửi tiền tiết kiệm có thể còn có lãi cao hơn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng.
Việc các ngân hàng lãi lớn có phải do ngành này chưa thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp? Điều này chỉ đúng một phần vì ngân hàng chỉ là khâu trung gian giữa doanh nghiệp và người gửi tiền. Nhiệm vụ của họ là phải làm sao huy động với lãi suất hài lòng cả người vay và người gửi.
Câu chuyện chạy đua lãi suất cũng phải kể đến việc nhiều ngân hàng nhỏ, yếu về quản trị cho vay tràn lan, rủi ro. Đến khi yếu thanh khoản họ phải đi vay lại của các ngân hàng lớn trên thị trường liên ngân hàng. Cũng từ câu chuyện này, thấy hệ thống ngân hàng thương mại cần có sự giám sát chặt.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khuyến khích lợi nhuận cao, vì cái chung
Ở đây, xét lãi ngân hàng cần phải nhìn dưới hai góc độ. Với những ngân hàng lớn, có khả năng thanh toán dư dật, huy động vốn thị trường bình thường, có tiền dư dật mua trái phiếu Chính phủ vào hay cho vay trên thị trường liên ngân hàng thì lãi cao.
Còn một số ngân hàng, do đi đúng hướng, phát triển dịch vụ ngoài tín dụng tốt (ví như cho vay bất động sản, chứng khoán, dịch vụ chuyển tiền...) thì họ làm được nhiều lãi đó là điều rất đáng khuyến khích. Như thế có thể nhìn thấy ngân hàng nào nếu đa phần tiền không đầu tư vào sản xuất, không làm cho nền kinh tế tốt lên, chỉ thiên về hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh và thu lợi nhuận thì là đáng phê phán.
Tuy nhiên, nói như vậy, còn rất chung chung. Muốn biết chính xác, chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên, có số liệu cập nhật kịp thời mới biết đâu là làm ăn nghiêm túc, đâu là “té nước theo mưa”. Biện pháp để làm đó là ngân hàng Trung ương phải thể hiện được vai trò kiểm tra, giám sát... Nói chung, muốn tạo yếu tố bền vững, cần minh bạch, công khai thông tin từ cả hai phía (ngân hàng và doanh nghiệp).
Ông Lê Xuân Nghĩa- Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính: Nằm giữa nên không mất phần chăn
Về lợi nhuận của các ngân hàng nếu đã công bố có thể yên tâm, vì ngân hàng đã có kiểm toán cẩn thận chứ không thể làm lung tung. Thậm chí với các ngân hàng lớn, đều do các nhóm, công ty kiểm toán lớn quốc tế thực hiện, còn các ngân hàng nhỏ cũng có kiểm toán trong nước.
Mình cũng không thể nói như thế nào là lãi nhiều, lãi ít bởi ngân hàng nào quản lý yếu, cũng có thể “chết” như chơi. Còn nói tại sao doanh nghiệp kêu khó mà ngân hàng vẫn lãi thì phải hình dung, ngân hàng là người nằm giữa phần chăn, nên nếu có co kéo giữa hai đầu là người có tiền và doanh nghiệp đi vay thế nào thì trường hợp nào ngân hàng cũng có lãi.
Có điều, năm nay cũng có điểm đặc biệt. Theo bản đồ định vị chúng tôi vẽ, nếu lấy trục tung là lãi ròng trên vốn tự có và trục hoành là lãi ròng trên tổng tài sản thì nhảy lên vị trí Top hoạt động hiệu quả nhất lại là mấy ngân hàng thương mại nhà nước; trong khi nhóm các ngân hàng cổ phần lớn như ACB, Techcombank, Sacombank lại tụt xuống dưới.
Hiện tôi chưa nghiên cứu kỹ nhưng theo phỏng đoán cá nhân thì có thể những ngân hàng lớn mua được nhiều trái phiếu Chính phủ (lãi suất 10,5%: trong khi lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Trung ương lại thấp hơn (7,5%) thì như vậy đã vênh ra một khoản, khoản có được đó có thể cho vay trên thị trường liên ngân hàng có lời thêm.
(Báo Tiền Phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com