Ước tính GDP năm 2010 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,78%, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với mục tiêu đề ra và đối với nền kinh tế sau khủng hoảng. Bên cạnh mức tăng trưởng cao năm 2010 Việt Nam phải đối mặt với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI so với đầu năm vượt ngưỡng hai con số.
Thông thường, Việt Nam thường lấy chỉ số CPI so với đầu năm để đo mức độ lạm phát.
Trên thực tế, một lượng tiền khá lớn được tung ra lưu thông mà cách tính các rổ hàng của CPI không đo lường được, chẳng hạn lượng tiền đi vào kinh doanh bất động sản và đầu tư chứng khoán, do đó có thể thấy việc lấy chỉ tiêu CPI để đo lường mức độ lạm phát không hoàn toàn phản ảnh đúng thực chất của lạm phát.
Nếu GDP tăng trưởng khoảng 6,78%, có thể thấy chỉ số giá GDP của năm 2010 so với 2009 vào khoảng 11,7-11,8%(*). Về chuẩn mực, việc quy đổi GDP của năm hiện hành về giá năm gốc (thường gọi là giá so sánh và tốc độ tăng trưởng được tính trên giá so sánh) thường được tính toán dựa trên quyền số của bảng Nguồn và sử dụng (Supply and Use tables) hoặc bảng Vào-ra (input - output table). Như vậy chỉ số giá GDP phụ thuộc vào sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào nếu tính cho tổng cung và chỉ số giá GDP là bình quân có trọng số giữa giá tiêu dùng, giá sản xuất và chỉ số giá xuất nhập khẩu.
Hiện nay cơ quan thống kê Việt Nam thường áp trực tiếp chỉ số giá cho giá trị tăng thêm của từng ngành. Với nhóm ngành sản xuất sản phẩm vật chất (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nhóm ngành công nghiệp chế biến, khai thác, điện nước), giá trị gia tăng được chuyển về giá so sánh thông qua chỉ số giá sản xuất (PPI) tương ứng.
Với nhóm ngành dịch vụ, giá trị gia tăng được chuyển về giá so sánh thông qua chỉ số giá CPI tương ứng. Vì cơ quan thống kê cho rằng chỉ số giá sản xuất là số liệu mật nên không công bố, nhưng thực ra thông qua chỉ số giá GDP có thể ước tính một cách tương đối chỉ số giá sản xuất bình quân năm 2010 so với 2009 vào khoảng trên 12%.
Và nếu chỉ số CPI của tháng 12-2010 so tháng 12-2009 là 11,75% thì chỉ số CPI bình quân 2010 so với 2009 vào khoảng 9,19%. Như vậy, nếu không lấy thước đo chỉ số CPI so với đầu năm mà lấy chỉ số CPI bình quân của năm sau so với năm trước thì tốc độ tăng giá vẫn là cao nhưng cũng vẫn là dưới hai chữ số.
Nhưng có một điều lạ, đây là năm đầu tiên sau nhiều năm chỉ số giá GDP và chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Điều này có thể xảy ra trong thời gian ngắn, một hoặc hai quí, nhưng năm nay tình hình này diễn ra cả năm. Điều này có thể lý giải như sau:
- Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế tăng giá thông qua các quỹ, chương trình bình ổn giá, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội.- Quyết định của Chính phủ về bù giá xăng dầu thông qua quỹ bình ổn giá. Đây là yếu tố quan trọng, có thể lý giải phần nào tình trạng chỉ số giá sản xuất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng. Vì giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá sản xuất, do Việt Nam có mỏ dầu và giá trị xuất khẩu tăng, nhưng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm hàng hóa này không tăng nhiều do quyết định của Chính phủ dùng quỹ bình ổn giá để bù lỗ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
- Chính phủ quyết định không tăng giá điện cho đến hết Tết Nguyên đán.Tình trạng chỉ số giá sản xuất cao hơn chỉ số giá tiêu dùng cũng có thể dẫn đến một số lo ngại cho năm 2011, cụ thể là:
- So sánh tiền và hàng thông qua lượng cung tiền (M2) với GDP cho thấy từ năm 2001-2005 tỷ lệ này luôn nhỏ hơn 1, điều này là hợp lý vì trong GDP có nhiều loại sản phẩm không qua thị trường như sản phẩm của nông nghiệp mang tính chất tự sản tự tiêu và một khoản không nhỏ là “nhà ở tự có tự ở” của dân cư được tính vào GDP. Như vậy, về nguyên tắc tỷ lệ cung tiền trên GDP thường phải nhỏ hơn 1. Nhưng từ năm 2007 đến nay tỷ lệ này luôn lớn hơn 1. Năm 2010 tỷ lệ M2 so với GDP cũng vào khoảng từ 1,6-1,8. Do đó ảnh hưởng của nó đến tăng giá tiêu dùng gần như sẽ kéo dài trong năm 2011.
- Ngoài ra, tình trạng tung tiền ra bình ổn giá không thể kéo dài mãi nên cần lường trước năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng cao, nhất là trong hoàn cảnh giá điện, nước, xăng dầu sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.
______________________
(*) Chỉ số giá GDP = Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của năm 2010/Chỉ số giảm phát GDP 2009.Chỉ số giảm phát GDP là sự thay đổi giá của GDP năm hiện hành so với năm gốc.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com