Bỏ 17.000 tỷ đồng để được 420.000 tỷ đồng
Như chúng tôi đã đưa tin, để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhất là với DN vừa và nhỏ, nỗ lực duy trì sản xuất, đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu, Chính phủ đã ban hành hàng loạt biện pháp cụ thể hỗ trợ về tài chính. Đó là các biện pháp giảm thuế, giãn thuế TNDN, hoàn thuế VAT đối với các đơn hàng xuất khẩu để giảm bớt các khó khăn về tài chính cho DN. Những động thái này được xem là nỗ lực trong các biện pháp liên quan đến tài chính giúp các DN giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Trong đó, các DN sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp trong quý 4 năm 2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, DN cũng được giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời hạn 9 tháng đối với số thuế phải nộp, tức là 70% số thuế còn lại sau khi giảm 30% theo quy định trên. Chính phủ cũng quyết định tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu, trong trường hợp DN chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, và hoàn tiếp 10% khi có đầy đủ chứng từ thanh toán. Điều này giúp DN vừa và nhỏ giảm áp lực về chi phí vốn.
Với các chính sách này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đây cũng là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các DN từ Chính phủ. Đồng thời, ước vào khoảng 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cũng được cho vay, cùng với việc chỉ đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ vay vốn duy trì sản xuất, Chính phủ hy vọng nếu sử dụng tốt sẽ huy động khoảng 400.000 - 420.000 tỷ đồng vốn toàn xã hội, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong buổi làm việc gần đây với Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu các DN phải nhanh chóng thực hiện giải ngân 18.000 tỷ đồng còn tồn đọng từ năm ngoái (do triển khai các dự án đầu tư quá chậm) và số vốn ghi cho kế hoạch năm nay để tăng thêm năng lực sản xuất cho DN và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thay thế hàng nhập khẩu…
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể và thiết thực, nhưng chủ yếu là các DN làm ăn có lãi sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Trong khi đó, các DN đang bị thua lỗ trong thời gian gần đây, do một số lý do khách quan về thị trường dự báo sai, nên dự trữ nguyên liệu quá lớn khi giá nguyên liệu cao… hiện cần được tiếp sức trực tiếp thì lại khó khăn. Vì thế, những chính sách cụ thể từ các ngân hàng, với cơ chế đồng thuận trong vay vốn, sẽ giúp DN và ngân hàng dễ “gặp nhau” và giúp DN tốt hơn.
Hỗ trợ lãi suất vay vốn xuất khẩu
Cho đến nay, các DN đã có thể yên tâm hơn khi hàng loạt DN được công bố các chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là cho vay vốn xuất khẩu. Hiện nay, lãi suất cho vay kéo xuống còn bình quân 12% - 12,75%, và sắp tới còn tiếp tục giảm, so với đỉnh cao nhất của năm ngoái 21% đã giúp các DN thở phào nhẹ nhõm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho các hợp đồng vay vốn trong giai đoạn trần lãi suất cho vay tăng cao (21%) để hỗ trợ DN.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đang triển khai một chương trình hỗ trợ DN xuất khẩu bằng cách giảm lãi suất cho vay, với lãi suất hỗ trợ vay bằng tiền đồng Việt Nam (VND) chỉ còn 4,5%/năm. Theo đó, DN xuất khẩu có thể vay vốn bằng VND và cam kết bán USD theo tỷ giá ngày giải ngân sẽ được vay với lãi suất ưu đãi trên. Thời hạn cho vay tối đa 180 ngày và lãi suất này không thay đổi trong suốt thời gian cho vay.
Eximbank cũng loan báo một số phương án khác cho các DN lựa chọn, như tài trợ DN xuất khẩu vay VND và cam kết bán ngoại tệ theo tỷ giá Eximbank công bố tại thời điểm bán ngoại tệ có lãi suất 0,75%/tháng, tức 9%/năm. Được biết, Eximbank đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 5.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình tài trợ này. Theo cam kết của Eximbank, khi các DN tham gia chương trình tài trợ xuất khẩu sẽ nhận được rất nhiều tiện ích như ngay khi ký hợp đồng hay có L/C xuất khẩu, DN có thể được tài trợ đến 90% giá trị hợp đồng, cũng như tài trợ vốn mua nguyên phụ liệu cho đến khi nhận được tiền thanh toán từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có những biện pháp hỗ trợ và chia sẻ với DN bằng chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay cũ trước đây phải chịu lãi suất cao. Việc giảm sẽ tùy từng trường hợp cụ thể, theo từng phần, như DN vay 21%/năm sẽ giảm còn 18%; vay 18% giảm còn 16%; và vay 16% sẽ giảm xuống còn 13% - 14%.
Đồng thời, ACB cũng đang xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới lãi suất rẻ đối với các DN đang gặp khó khăn do yếu tố tác động từ bên ngoài, trong đó ưu tiên các DN xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Ngân hàng ACB cũng cho biết thêm, trong năm 2009 ACB sẽ xây dựng bộ tiêu chí cho vay thoáng hơn, mở rộng đối tượng và phạm vi tài trợ so với năm 2008, đồng thời có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó, các ngành được ưu tiên có thể kể là gạo, đồ gỗ, dệt may, nông sản…
Theo thông tin chúng tôi nắm được, nhiều ngân hàng khác cũng đã bắt đầu công bố hàng loạt các chính sách cụ thể hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Tùy tình hình cụ thể hoặc mối quan hệ làm ăn lâu dài, các DN cần nắm vững thông tin để lựa chọn ngân hàng và giải pháp có lợi nhất cho mình, nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, thúc đẩy mạnh xuất khẩu theo yêu cầu của Chính phủ.
(Theo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com