Nếu như sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, nhiều nhà kinh tế đã phân tích tác hại của tài chính cơ cấu, thì rủi ro từ các giao dịch tài chính phái sinh đang là chủ đề quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề đang nổi lên Ngày 23/4/2010, lãnh đạo các nước G20 đã nhóm họp tại Washington để thảo luận những vấn đề xung quanh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong Hội nghị này, các Bộ trưởng Tài chính cho rằng, kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh hơn kỳ vọng, chủ yếu nhờ lượng tiền mặt khổng lồ đã được các chính phủ rót vào các nền kinh tế. Tuy nhiên, do tốc độ phục hồi cũng như khó khăn của các khu vực khác nhau, nên không thể thống nhất về biện pháp khắc phục sự mất cân đối kinh tế toàn cầu, khi phần lớn các chính phủ ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia hơn là sự ổn định quốc tế bền vững. Các Bộ trưởng cũng thống nhất rằng rủi ro tín dụng là nguyên nhân của các khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và 2007-2008. Vì thế, cải cách khu vực ngân hàng là vấn đề cấp bách. Vấn đề được nhắc lại nhiều lần là các nước phải thực hiện khuôn khổ về vốn qui định tại Basel II trước năm 2011, có biện pháp thích đáng để điều chỉnh giao dịch tài chính phái sinh trên thị trường phi chính thức (OTC) và thực hiện các nguyên tắc của G20 về cắt giảm lợi nhuận cao thu được từ hoạt động này do rủi ro quá mức. Tuy nhiên, việc điều chỉnh các qui định về hoạt động ngân hàng tỏ ra bất lực trước sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, khi mà các ngân hàng liên tục tìm cách lách luật để đưa ra những loại hình dịch vụ mới và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Giao dịch phái sinh ẩn chứa hiểm họa Năm 2004, Hiệp ước quốc tế về vốn của Basel (Basel II) được ban hành, buộc các ngân hàng quốc tế phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: - Phải duy trì một lượng vốn đủ lớn để trang trải cho các hoạt động chịu rủi ro của mình (Cột trụ 1). - Phải đánh giá một cách đúng đắn về những loại rủi ro mà họ đang phải đối mặt và đảm bảo rằng những giám sát viên sẽ có thể đánh giá được tính đầy đủ của những biện pháp đánh giá này (Cột trụ 2). - Phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường (Cột trụ 3). Theo dữ liệu của Ngân hàng Quyết toán quốc tế (The Bank for International Settlements –BIS), sau khi đạt mức đỉnh điểm 10.200 tỷ USD vào cuối tháng 6/2008 và giảm dần, giá trị của các phái sinh cổ phần quá hạn chưa thanh toán được giao dịch bên ngoài TTCK thế giới đã tăng từ 6.200 tỷ USD từ cuối năm 2008 lên 6.600 tỷ USD vào cuối tháng 6/2009. Goldman Sachs đã chỉ trích các nhà làm luật châu Âu và Mỹ là đã sắp xếp nghiệp vụ hoán đổi cho Hy Lạp trong năm 2002, giúp nước này che giấu mức nợ nần ngày càng tăng. Theo dữ liệu của Bloomberg, Tập đoàn tín dụng Thụy Sĩ AG, JPMorgan Chase & Co và Deutsche Bank AG đã kiếm được tổng cộng 2-2,5 tỷ USD trong năm 2009 bằng cách tạo ra phái sinh cổ phần theo yêu cầu tại châu Âu, khoản thu này lớn gấp 10 lần so với lợi nhuận thu được từ các IPO trong năm 2009. Tại Mỹ, thu nhập từ giao dịch đấu giá cổ phần trên các thị trường không chính thức trong năm 2009 đã tạo ra khoảng 28 tỷ USD cho 5 công ty buôn bán, bao gồm JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley. Tình trạng phổ biến là, các ngân hàng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vay vốn theo đúng nhu cầu của khách hàng, điều này có lợi cho ngân hàng và khách hàng, nhưng có thể là hiểm họa cho nền kinh tế. Nên nhớ, các cuộc cá cược phái sinh đã đẩy Tập đoàn quốc tế Mỹ vào tình trạng gần như phá sản, làm tăng rủi ro đối với hệ thống tài chính và buộc các nhà bảo hiểm Mỹ phải tìm đến sự cứu giúp từ chính phủ trong năm 2008. Kiểm soát giao dịch phái sinh: Cần thiết nhưng nan giải Để ngăn ngừa mặt trái của giao dịch tài chính phái sinh, EU có kế hoạch đề nghị trước tháng 6 là đưa các nghiệp vụ phái sinh lên trên TTCK. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét đạo luật đưa các nghiệp vụ hoán đổi tiêu chuẩn giữa các ngân hàng lên giao dịch trên TTCK hay những hệ thống tương tự và sau đó thực hiện tại các ngân hàng hối đoái. Còn Ủy ban Basel đang lên kế hoạch ra qui chế mới về yêu cầu vốn vào cuối năm nay. Việc ép buộc các giao dịch hoán đổi phải thực hiện trên TTCK và thông qua các ngân hàng hối đoái dường như sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng do các nhà buôn không thể kiểm soát được giá cả đưa ra trong hợp đồng và có thể phải sử dụng thế chấp. Những qui định mới này được coi là ý tưởng tốt nếu nó vì mục tiêu giảm rủi ro trong các nền kinh tế và gây áp lực lên lợi nhuận, nhưng có thể gây khó cho các doanh nghiệp tự bảo vệ từ những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của họ, nghĩa là làm tăng rủi ro. Hơn nữa, biện pháp này có thể không tác động đáng kể đến thu nhập ngân hàng, vì các ngân hàng có khả năng thích ứng rất cao và sẽ tăng lệ phí giao dịch, trong khi việc đa dạng hóa dịch vụ không bị rối loạn. Tóm lại, việc đưa ra các biện pháp cải cách hoạt động ngân hàng và kiểm soát giao dịch tài chính phái sinh là cần thiết nhưng là vấn đề nan giải, chủ yếu do bất cập về trình độ quản trị kinh doanh tiền tệ của các doanh nghiệp và khả năng kiểm soát của các NHTW, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa với nhiều biến động khó dự báo, kinh doanh tài chính phái sinh thường có khả năng tự thích ứng và nó sẽ tiếp tục tái thích ứng. (Theo Văn Thanh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com