Một cơ chế làm tăng giá trị cho tiền Đồng đang dần dần hình thành, tỷ giá sẽ sớm giảm và NNHH sẽ nhanh chóng mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối. Bài toán tỷ giá, lãi suất và lạm phát đang dần được tháo gỡ.
Tỷ giá sẽ sớm giảm, dự trữ ngoại hối tăng
Trước những diễn biến khá mạnh của thị trường ngoại hối và thị trường vàng trong 3 tuần qua, những chính sách mới ban hành trong Nghị quyết 11 nhằm tạo ra sự ổn định cho các thị trường này và tiến tới mục đích giảm mặt bằng lãi suất cho tiền đồng (VND). Nhìn trên cục diện toàn thị trường, sự ổn định của tỷ giá đang được hỗ trợ mạnh hay nói đúng hơn là một cơ chế làm tăng giá trị cho tiền Đồng đang dần dần hình thành.[1]
Thứ nhất, nguồn cung tiền đồng đang giảm. Ngày 8/3/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định 379 để điều chỉnh tăng hầu hết các mức lãi suất trên thị trường lên mức 12%/năm, trừ mức lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên 9%. Lãi suất tái chiết khấu có mức tăng mạnh nhất, từ 7% lên 12%.
Lãi suất tiền đồng tăng lên khiến cho những doanh nghiệp đang găm giữ ngoại tệ, để tránh vay tiền đồng lãi suất cao (mà có thể lãi suất cao cũng không vay được) sẽ phải bán đô la Mỹ lấy tiền đồng. Nguồn cung ngoại tệ theo đó sẽ dồi dào. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng những ngày sau đó giảm và tác động khiến tỷ giá thị trường tự do rơi xuống khỏi mốc 22.000 VND/USD về gần 21.000.
Như vậy, với tình hình lãi suất tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay thì khả năng tỷ giá VND/USD sẽ sớm giảm về trong biên độ tỷ giá của NHNN. Không chỉ thế, sau khi Bộ Tài chính phát hành thành công gần 10.600 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thì lượng tiền bơm ra qua kênh thị trường mở giảm hẳn.
Thứ hai, với những tín hiệu từ chính sách quản lý vàng, và đặc biệt là NHNN đang hoàn tất Nghị định cấm kinh doanh vàng miếng, nhu cầu vàng sẽ giảm đi. Nhu cầu giảm có thể khiến giá vàng trong nước thấp hơn hẳn so với giá thế giới (điều đã từng xảy ra trong quá khứ), khi đó hoạt động xuất lậu vàng qua biên giới sang các nước khác sẽ xuất hiện và đô la được chuyển vào trong nước làm tăng cung ngoại tệ. Sự biến động của thị trường ngoại hối, vàng có thể rất nhanh. Nhờ đó, NHNN có thể can thiệp mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối (điều mà NHNN đã từng làm vào năm 2007 khi luồng vốn USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng đột biến).
Điều này cũng sẽ có tác dụng bình ổn tỷ giá, ngược với khuynh hướng vài tháng trước đây (bắt đầu từ năm 2009) là giá vàng trong nước cao hơn bên ngoài đã làm xuất hiện thu mua ngoại tệ trên thị trường tự do để buôn lậu vàng, và đã làm VND mất giá liên tiếp.
Cơ chế chính sách thì đã có nhưng điều quan trọng còn lại là làm sao để cơ chế ấy thành công, đó chính là sự kết nối giữa nói và làm, giữa cam kết và thực thi.
Việc thị trường ngoại tệ tự do bị đóng băng như hiện nay đã ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu mua ngoại tệ của người dân cho các mục đích chính đáng, bởi các NHTM hầu như vẫn hạn chế bán ngoại tệ cho người dân. Mặc dù rằng ngày 12/3/2011, NHNN đã ban hành văn bản 2033/NHNN-QLNH về tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế và các Tổ chức tín dụng (TCTD) được phép bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hợp pháp của cá nhân theo quy định của pháp luật, nhưng liệu các ngân hàng thương mại (NHTM) có sẵn sàng bán ngoại tệ cho người dân hay không khi mà sẽ có nhiều chi phí phát sinh.
Nếu như NHNN không sớm đưa ra những biện pháp tích cực để đảm bảo cho những nhu cầu này thì trong thời gian tới, một điều chắc chắn rằng các hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường chợ đen sẽ xuất hiện trở lại với các hình thức kín đáo, tinh vi hơn, khi đó sẽ nảy sinh nhiều khó khăn hơn nữa.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng sẽ có thể giảm về mức nằm trong biên độ của NHNN, đặc biệt nếu tin tức về việc thực hiện kết hối các tập đoàn và tổng công ty được đưa ra. Nếu điều này xảy ra, và nếu NHNN sử dụng một cách linh hoạt hơn nữa mức tỷ giá mua vào và tham gia mua bán trên thị trường ngoại hối như một nhà tạo lập thị trường, thì không những tỷ giá sẽ ổn định được trong biên độ mà NHNN còn có thể tăng được dự trữ ngoại hối lên.
Chu trình chặn lạm phát và giảm mặt bằng lãi suất
Để giảm mặt bằng lãi suất, lãi suất huy động bằng tiền VND khó có thể giảm xuống do tác động của việc tăng tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền gửi USD, do tác động của các hành vi và lực đẩy đưa đến ngang bằng lãi suất giữa lãi suất cho VND và lãi suất cho USD (interest rate parity) trong nền kinh tế Việt Nam đang bị đô la hóa trầm trọng (đây là công thức thường được áp dụng cho 2 nước với 2 đồng tiền khác nhau):
Lãi suất VND = lãi suất USD + độ điều chỉnh kỳ vọng (%) của tỷ giá VND/USD
Lấy thí dụ của việc điều chỉnh tỷ giá 9,3% của NHNN (thay đổi tỷ giá liên ngân hàng từ 18.932 đồng đổi một đô la lên 20.693 đồng) hôm 11/2 vừa qua, ta có thể thấy công thức trên dự đoán khá chính xác mức thay đổi của tỷ giá từ vài tháng qua:
Lãi suất huy động VND (14%) = lãi suất USD (4%-5%) + điều chỉnh tỷ giá đã xảy ra (9,3%)
Một cách gián tiếp, ta cũng có thể hiểu rằng lãi suất VND phụ thuộc lãi suất USD và kỳ vọng về mức lạm phát vì khi lạm phát cao hơn có nghĩa là VND sẽ phải mất giá và USD lên giá; lạm phát gần 12% ở Việt Nam năm 2010 đã cao hơn lạm phát ở Mỹ khoảng 10% và điều chỉnh tỷ giá 9,3% là suýt soát mức khác nhau về lạm phát.
Chu trình giảm lãi suất sẽ gồm 2 giai đoạn: (i) trong ngắn hạn (6 tháng) mong muốn giảm lãi suất huy động tiền đồng và ổn định tỷ giá VND/USD phải bắt đầu từ việc giảm lãi suất huy động tiền USD và giảm kỳ vọng lạm phát và (2) còn cần một chương trình trung hạn như sẽ thảo luận chi tiết dưới đây nhằm tái lập các cân đối vĩ mô cần thiết sau độ 3 năm.
Do tín dụng ngoại tệ đã tăng quá nhanh (thí dụ trên 41% trong TP.HCM năm qua), chính sách thắt chặt tín dụng áp dụng cho năm 2011 nên tiếp theo bằng việc tăng dự trữ bắt buộc trên tiền gửi ngoại tệ từ 3% lên hẳn 8%-10%. Việc tăng dự trữ bắt buộc cho tiền nội tệ có thể thấp hơn hay chưa cần ngay bây giờ trong tình trạng thiếu thanh khoản của các ngân hàng (theo lời Thống đốc NHNN mới đây), để duy trì một khoảng cách "hấp dẫn" hơn cho việc huy động và cho vay tiền đồng Việt Nam.
Trong dài hạn, việc giảm lãi suất huy động tiền USD và tăng dự trữ bắt buộc trên các tài khoản ngân hàng tiền USD còn nhằm giảm tình trạng đô la hóa của nền kinh tế Việt Nam, và song hành với việc giảm tín dụng ngân hàng cho vay bằng USD để nhắm tới mục đích xa là cấm hẳn huy động và cho vay bằng tiền USD trong lộ trình chọn lựa, thí dụ là sau 3 năm.
Làm sao để giảm lạm phát dự báo 2011 từ tháng 4?
Số lạm phát vừa công bố là 2,09% cho tháng 2/11 và dự đoán trên 2% cho tháng 3 do kết quả của việc tăng giá điện và dầu xăng mới đây lại gây xôn xao cho thị trường tài chính và giới truyền thông, vì sẽ khó kiểm soát được ở mức 7% cho cả năm nếu đà tăng giá này tiếp tục.
So với 12 tháng trước, CPI có thể còn tiếp tục tăng ở mức 2 con số trong suốt năm 2011, nếu kể đến tác động mạnh mẽ của việc tăng cung tiền và tín dụng trong nửa năm sau của 2010 và độ trễ từ 6-8 tháng lên chỉ số CPI, cũng như ảnh hưởng của mức tăng giá điện và xăng dầu vào cuối tháng 2 và của giá hàng hóa nhập khẩu dự báo, nhất là lương thực-thực phẩm trong 6 tháng đầu năm, sẽ gây áp lực mới đáng kể trong năm nay. Do đó trong các bảng 1 và 2, mức dự báo lạm phát cuối tháng 12/2011 dự báo có thể lên tới 11% (so với cùng kỳ năm trước).
Theo phân tích định lượng của người viết, trong năm 2011 còn phải giảm mức tăng M2 xuống còn 15% và mức tăng tín dụng xuống còn 17%-18%, đồng thời với các cắt giảm lớn trong chi tiêu công để đem tỷ lệ bội chi ngân sách xuống còn khoảng 4,5% GDP (so với 5,9% năm 2010), nếu muốn kiểm soát lạm phát hữu hiệu trong suốt năm và đem nó về mức 9% vào cuối năm 2011, dựa vào mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% (thay vì 7% dự kiến) và cân bằng cán cân thanh toán quốc tế cho năm 2011 (tức là chặn hẳn sự thâm hụt vào quỹ dự trữ ngoại hối như trong 2 năm qua).
Vấn đề giảm chi trong chính sách tài khóa, và nhất là đầu tư công, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong chương trình giảm lạm phát tương lai. Vì mặc dù mức lạm phát đã cao tới 11,75% trong năm 2010, mức giá chung đã được kềm giữ phần nào nhờ các chi tiêu thường xuyên của ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu và nhất là giá điện dưới mức thị trường chung trong vùng. Trong tương lai để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP, bắt buộc phải giảm mạnh mức tổng chi-cả chi tiêu thường xuyên lẫn đầu tư công trong vài năm tới, như trong các định hướng chính sách trung hạn đề xuất dưới đây.
Lập Ủy ban liên bộ phối hợp triển khai các chính sách vĩ mô
Khung 1 dưới đây tóm tắt một số đề xuất quan trọng về chính sách vĩ mô trung hạn mà Chính phủ cần xây dựng chi tiết, do một Ủy ban Liên bộ, và thông báo rộng rãi ra dân chúng và cộng đồng giới đầu tư nước ngoài để nói lên quyết tâm xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán nhằm vào ổn định vĩ mô, tái cấu trúc kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội như đã thông báo.
Các chính sách hàng năm sẽ được triển khai chi tiết theo các định hướng trung hạn cũng như các diễn tiến kinh tế tài chính năm trước. Các định hướng đề xuất sẽ là:
- Năm 2011, ưu tiên hàng đầu sẽ là ổn định vĩ mô bắt đầu bằng việc kiềm chế lạm phát thay vì ưu tiên tăng trưởng như vài năm gần đây; mục tiêu tăng trưởng có thể tạm thời đem xuống 6% cho năm nay, sau đó sẽ tăng dần lên 8% cho 2015.
- Do những biện pháp điều chỉnh tỷ giá, giá điện và xăng dầu ồ ạt vào 2 tháng đầu năm, lạm phát có thể ở mức 2 con số trong suốt năm, cần dùng những biện pháp vĩ mô thắt chặt để đem mức tăng CPI xuống thấp trong 9 tháng cuối của năm và mức lạm phát xuống còn 9% cho tháng 12 (so với cùng kỳ năm trước). Cho các năm tới còn cần đem lạm phát trung hạn xuống còn 5% mỗi năm.
- Điều quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ chính sách tài khóa để đem bội chi ngân sách xuống còn 4,5% của GDP cho năm 2011 và giảm dần tỷ lệ này xuống 2,5% cho 2015, bằng cách giảm mạnh đầu tư công để đem tỷ lệ đầu tư toàn xã hội/GDP xuống còn 39% năm 2011 và giảm dần trung hạn xuống 35% năm 2015.
- Về phía chính sách tiền tệ, sẽ giảm mức tăng tín dụng hàng năm xuống còn 16%-17% và cung tiền M2 còn 15% trong trung hạn.
- Nhờ vào các chính sách trên, có thể giảm thâm hụt của cán cân vãng lai xuống còn 9% của GDP năm 2011 và xuống hẳn 5% năm 2015 bằng cách giảm sâu mức nhập siêu trong trung hạn; nhờ đó có thể xây dựng lại và tăng cường nhanh chóng mức dự trữ ngoại hối vào năm 2015 để ổn định tỷ giá cho suốt 5 năm tới.
[1] Hải Lý, Thời báo Kinh tế Sài gòn, số ra ngày 3/3/2011, trang 24.
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com