Đã qua 1 tháng, kể từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp sẽ hạ lãi suất cho vay xuống mức 17 – 19%, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng. Như vậy, diễn biến về mặt bằng lãi suất trong thời gian qua đã minh chứng cho những gì các chuyên gia tài chính – ngân hàng dự đoán: Lãi suất chưa thể hạ nhiệt ngay mà phải cần một thời gian nữa.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó "gần” nguồn vốn
Đây là một thực tế mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) phản ảnh. Ông Nguyễn Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hà, chuyên kinh doanh thiết bị điện tử tại Hà Nội cho biết: Ngay khi nghe tin NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hạ mức cho vay xuống 17-19%, đầu tháng 9, ông đã liên hệ với một số ngân hàng để vay vốn. Song, ông thực sự thất vọng vì hầu hết đều nhận được câu trả lời: sẽ cho vay với lãi suất 21%/năm. Trừ trường hợp ông là khách hàng thân thiết mới được vay 18 – 19%/năm. Ông Tú cho biết thêm, những bạn bè của ông nếu vay lần đầu, thì mức lãi suất mà các ngân hàng đưa ra vẫn ở 22 -23%, không thể thấp hơn.
Khảo sát một số DN chuyên về lĩnh vực sản xuất thực phẩm cho thấy, 3 tháng cuối năm là 3 tháng "chạy nước rút”. Song, với tình hình tiếp cận nguồn vốn như hiện nay, họ chỉ dám hoạt động cầm chừng. Theo tính toán của một DN sản xuất thực phẩm, lợi nhuận của nhóm hàng này sau khi trừ đi các chi phí sản xuất và bán hàng, còn được khoảng 8%, nhưng với mức lãi suất hiện tại (21 – 22%), cộng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, nếu cân đối không khéo, hàng bị tồn kho thì cầm chắc phần lỗ.
Tuy nhiên, với trường hợp của ông Bùi Văn Phi, Giám đốc Trung tâm xúc tiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thì suôn sẻ hơn. "Trong tháng 9, chúng tôi đã vay của Eximbank với mức lãi suất 17%, và để tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng này, chúng tôi phải chứng minh được năng lực tài chính cũng như các đơn hàng, hợp đồng mua bán”. Song trường hợp của giám đốc Bùi Văn Phi không nhiều. Hoặc nếu có thì cũng chỉ được vay trong ngắn hạn.
Chính sách cũng phải ... cho thêm thời gian
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, tình trạng DN không tiếp cận được vốn rẻ trong thời gian gần đây do hầu hết DN không có vốn tự có, điều kiện đảm bảo không có, không chứng minh được năng lực tài chính... nên các ngân hàng không dám mạo hiểm cho vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh và nguồn vốn rẻ chưa phủ khắp các lĩnh vực sản xuất kinh doanh do một lượng vốn huy động đầu vào lãi xuất vẫn cao.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực, không thể trách các ngân hàng khi họ chưa thể hạ lãi suất cho vay ngay như kỳ vọng của Thống đốc NHNN, bởi trong một thời kỳ dài, được thả nổi lãi suất, các ngân hàng đã huy động với mức lãi suất cao nên vẫn còn phải tiếp tục thực hiện nốt các hợp đồng với khách hàng của mình. Còn chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, là bởi hiện nay, theo định hướng của NHNN ưu tiên cho vay các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; hạn chế đối với các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực phi sản xuất, tiêu dùng... Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, thiếu tiềm năng và không chứng mình được doanh thu bán hàng... thì đương nhiên không đủ độ tin cậy để các ngân hàng có thể mạo hiểm cho vay với mức lãi suất thấp.
Ông Lực cũng cho biết thêm, không thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống đối với tất cả các doanh nghiệp khi mà chi phí cho huy động vốn chưa thể hạ ngay. Do vậy, để mặt bằng lãi suất cho vay giảm thực sự theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là tất cả các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận được nguồn vốn vay một cách dễ dàng, theo tôi, cần phải cho chính sách có "độ trễ” thêm ít nhất là 1 đến 2 tháng nữa, nếu không cũng phải tới đầu năm 2012, khi đó các chỉ số về lạm phát đã hạ nhiệt, nguồn vốn vào ngân hàng đã dồi dào hơn, mặt lãi suất huy động đã trở về đúng với "giá trị thực” của nó, lúc đó, mặt bằng lãi suất cho vay mới thực sự đi vào "khuôn khổ” như kỳ vọng của NHNN.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com