Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hạ lãi suất và bài toán giảm sốc

Tăng cường tín dụng trong 4 tháng đầu năm ở mức thấp, chỉ đạt 5,58%

Nghị quyết Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 yêu cầu NHNN có biện pháp để hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay 12%. Để thực hiện yêu cầu này, các NHTM cho rằng, cần phải có lộ trình.

Giảm thì có giảm nhưng còn xa mục tiêu

Sau buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại NHNN hôm 20/4 vừa qua, các NHTM, chủ yếu là khối ngân hàng quốc doanh, đã điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 1%/năm. Hiện lãi suất cho vay thấp nhất (cho những đối tượng được ưu tiên như nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu) ở mức 12,5 - 14%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ở mức 14 - 15%/năm. Còn lãi suất cho vay theo hình thức thỏa thuận đang ở khoảng 16 - 17%/năm. Như vậy, còn khá xa so với mức 12%/năm theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất hiện vẫn chỉ là mong muốn chủ quan. Muốn hạ lãi suất cho vay thì lãi suất huy động cũng phải hạ, thậm chí là hạ trước. Thế nhưng, thị trường đã diễn ra ngược lại khiến cho các ngân hàng gặp khó.

Một số NHTM, tất nhiên là khối nhà nước - những ngân hàng được cho là đầu tàu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ, đã phải giảm lãi suất cho vay trước khi giảm lãi suất huy động. Đường đi của tiền, thông thường theo vòng quay: người gửi - ngân hàng - người vay. Nhưng trên quãng đường đó, không phải ngày một ngày hai là tiền đến được ngay người vay, và sinh lợi ngay. Ngân hàng - hơn ai hết muốn đẩy nhanh vòng quay đó, nhất là trong bối cảnh biên độ chênh lệch đầu vào - ra quá hẹp như hiện nay. “Kẹt” tiền ngày nào trên tài khoản là thêm áp lực trả lãi, thêm chi phí ngày đó. Hiện lãi suất huy động đang phổ biến ở mức 11 - 11,9%. Tuy Hiệp hội ngân hàng (VNBA) đã yêu cầu các NHTM thành viên không áp dụng các hình thức khuyến mại trực tiếp cho người gửi tiền, trừ hình thức quay số trúng thưởng, nhưng thực tế không ít NHTM cổ phần vẫn áp dụng các hình thức cào trúng thưởng, tặng quà bằng hiện vật... Đối với những khách hàng có số dư tiền gửi lớn thì không loại trừ việc ngân hàng phải thỏa thuận lãi suất tiền gửi.

Trong cuộc họp đầu tháng 5/2010, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), khẳng định thanh khoản của các NHTM khá tốt. Vậy lý do gì khiến giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tuần đầu tháng 5/2010 tăng ở tất cả các kỳ hạn? Và kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng tăng nhiều? Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh nhất, từ 10,49% lên 12% (tăng 1,51%); tiếp đến là kỳ hạn 12 tháng tăng từ 9,9% lên 11,27% (tăng 1,37%).

Điều này chỉ có thể giải thích bằng việc các NHTM vẫn chưa thoát khỏi “bệnh” lấy ngắn nuôi dài do tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn vẫn quá thấp. Vì tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn trong cho vay trung và dài hạn đã bị khống chế nên các NHTM, nhất là những ngân hàng lớn, do tạm dư vốn nên đẩy ra thị trường liên ngân hàng, dù chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào gần như không có. Nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay họ vẫn chấp nhận vì như thế vẫn lợi hơn “ôm” để phải trả lãi cho người gửi.

Động thái của NHNN

Các NHTM đều thừa nhận việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ thuận lợi hơn cho cả ngân hàng và khách hàng. Song bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA cho rằng, mức chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào 2% như yếu cầu của Chính phủ là khá thấp, cần lộ trình để “giảm sốc” cho các NHTM. Ý kiến này nhận được rất nhiều sự đồng tình của các NHTM trong cuộc họp giữa NHNN Thành phố Hà Nội với các NHTM trên địa bàn hôm 12/5 vừa qua. Thậm chí, lãnh đạo một NHTM cổ phần nhỏ còn cho rằng, nếu “ép” quá sẽ lại nảy sinh những “chiêu” lách luật: tăng các khoản thu phí, giải ngân vốn cho vay kèm điều kiện phải sử dụng thêm dịch vụ ngân hàng (với mức phí không hề nhỏ) theo kiểu “bán bia kèm lạc”!

Theo số liệu từ NHNN, tổng số dư tiền gửi trong 4 tháng đầu năm tăng 5,93% so với cuối năm 2009; tín dụng đối với nền kinh tế cũng tăng mức tương ứng là 5,58%. Đây là yếu tố khiến Chính phủ lo lắng sẽ khó đạt được mức tăng trưởng kinh tế như mong muốn là 6,5% trong năm nay. NHNN nhiều lần khẳng định không nới lỏng, cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ, mà điều hành theo hướng linh hoạt, thận trọng. Còn Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến thì cho rằng mức tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong 4 tháng đầu năm như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hiện nay có duy trì lâu dài hay không còn phụ thuộc vào cung - cầu nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng trưởng kinh tế; và điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% được giữ nguyên, nhưng Chính phủ mới đây đã ra Nghị quyết phấn đấu giữ lạm phát ở mức 8% trong năm nay (tăng 1% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra). Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến tâm lý người dân. NHNN đang đứng trước sức ép vừa kiềm chế lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một khi mục tiêu sau được chú trọng, sẽ rất khó giữ được tăng trưởng tín dụng ở mức 25% và tổng phương tiện thanh toán 20% như kế hoạch đặt ra ban đầu.

Mức chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào 2% như yêu cầu của Chính phủ là khá thấp, cần lộ trình để “giảm sốc” cho các ngân hàng thương mại.

Hiện NHNN đã yêu cầu các NHTM nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng; áp dụng biện pháp yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ 100% khi mở L/C trả chậm và kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu; kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân...

Nếu tăng trưởng tín dụng cao mà không đảm bảo chất lượng thì nguy cơ đổ vỡ sẽ rất lớn. Do đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, cùng với việc sử dụng linh hoạt các công cụ về lãi suất, tỷ giá để đưa tiền ra, thu tiền về một cách hợp lý, NHNN sẽ thực hiện một số biện pháp mạnh hơn như nâng tỷ lệ an toàn của các NHTM (tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tài sản có rủi ro). Một chốt an toàn khác là quy định tỷ lệ sử dụng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay trung, dài hạn... Thực tế, chính các NHTM cổ phần nhỏ do phải chịu nhiều sức ép nên hay có những chiêu “lách luật”. Thị phần của những ngân hàng này rất nhỏ, nhưng những chiêu “lách luật, chơi trội” của họ có ảnh hưởng không tốt đến thị trường chung. Vì thế, có thể NHNN sẽ có biện pháp xử lý từ gốc vấn đề này.

Sáp nhập các NHTM cổ phần nhỏ là xu hướng đã được nhiều người dự báo từ nhiều tháng nay là sẽ trở thành hiện thực trong năm nay. Dự báo này dường như được củng cố thêm sức nặng khi mới đây NHNN đã yêu cầu chậm nhất ngày 30/6/2010 các tổ chức tín dụng phải trình hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn (đảm bảo mức vốn pháp định tại Nghị định 141 là 3.000 tỷ đồng). Sau thời điểm này, TCTD nào không trình NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, NHNN tạm thời không xem xét đề nghị mở rộng mạng lưới hoặc bổ sung nội dung hoạt động của TCTD. Còn đối với các TCTD không trình NHNN hoặc không được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ để đảm bảo mức vốn pháp định tại Nghị định 141 thì chậm nhất ngày 30/9/2010 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của TCTD theo luật định, bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…

(Theo Báo Doanh nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chọn lọc, thẩm định thông tin
  • Không thể 'ép' hạ lãi suất bằng mệnh lệnh
  • Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm 2010
  • Kinh doanh bảo hiểm: Thanh tra đụng đâu sai đấy
  • Lách tìm vốn dài hạn
  • Tăng vốn đúng lộ trình: Ngân hàng nhỏ hụt hơi
  • Giới đầu tư Nhật Bản: Việt Nam có lợi thế kinh doanh cao
  • Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tinh lọc và định hướng đầu tư
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!