Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đang khiến cho một loạt các chính phủ phải vay nợ kỷ lục, vẫn tiếp tục vay sau khi đã chặn được đà suy thoái và phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nhà nước.
Trong số các nền kinh tế phát triển, Khu vực đồng euro (Eurozone), với tiềm lực tài chính bị suy yếu nghiêm trọng do suy thoái và gánh nặng nợ nần, có nguy cơ vỡ nợ cao nhất. Tại Eurozone, vay nợ trong khu vực tư nhân cũng tăng mạnh trong thời kỳ tiền khủng hoảng và rất nhiều khoản tín dụng đã trở thành nợ xấu sau khi khủng hoảng xảy ra. Các cuộc cứu trợ quy mô lớn càng làm nặng thêm gánh nợ của khu vực nhà nước. Trong đó, tình hình Hy Lạp là nghiêm trọng nhất; tình hình ở Bồ Đào Nha và Ireland đang xấu đi; Tây Ban Nha và Italia cũng nằm trong diện cần theo dõi. Bị bó buộc bởi chính sách tiền tệ và tỷ giá chung của khu vực, các nước này không có sự lựa chọn là “xả bớt gánh nặng nợ công thông qua lạm phát”.
Tình trạng vỡ nợ xảy ra ở Eurozone sẽ cản trở quá trình nhất thể hóa chính trị và đe dọa lan sang các khu vực khác. Để ngăn chặn nguy cơ này, hồi tháng 5/2010 các nước Eurozone và IMF đã nhất trí cứu nguy cho Hy Lạp với gói cứu trợ lên đến 110 tỷ euro, đồng thời các nhà lãnh đạo Eurozone cũng công bố một quỹ dự phòng khẩn cấp cho các thành viên trị giá 750 tỷ euro. Eurozone và IMF cam kết đưa ra các biện pháp bình ổn khác, trong đó có chính phủ các nước Eurozone bảo lãnh vay vốn, IMF tăng vốn tài trợ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp vào thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, các biện pháp bình ổn trên đây cần khá nhiều thời gian mới có thể ổn định thị trường, trong khi người ta vẫn chưa có gì chắc chắn về việc chúng sẽ được thực thi như thế nào. Đến tháng 7/2010, các thị trường trái phiếu Eurozone mới lặng sóng, nhờ vào những tín hiệu kinh tế cải thiện của các nước thành viên và tiến triển nhanh hơn mong đợi trong nỗ lực ổn định tài khóa ở Hy Lạp. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu ở Bồ Đào Nha và Ireland lại đối mặt với những cơn giông bão mới.
Ngoài ra, ngay cả khi đã giải tỏa được những lo ngại về khả năng thanh khoản ngắn hạn và nguy cơ lây lan khủng hoảng, các biện pháp bình ổn vẫn không thể xóa tan nỗi lo về nguy cơ vỡ nợ ở một số thành viên Eurozone. Không ai dám chắc Hy Lạp và các mắt xích yếu khác trong khối này có thực hiện những cam kết đi kèm các khoản vay hay không. Theo tạp chí Economist, đến năm 2012, gói nợ của Hy Lạp có thể được cơ cấu một phần, nhưng có thể tình trạng vợ nợ sẽ xảy ra sớm hơn. Ireland và Bồ Đào Nha sẽ phải nhờ cậy sự trợ giúp tài chính của Eurozone vào năm 2011, nhưng sẽ không xảy ra tình trạng vỡ nợ do tình hình không nghiêm trọng như ở Hy Lạp.
Trong khi đó, Mỹ và Anh cũng đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách leo cao. Hai nước này có thể giảm bớt gánh nặng nợ thông qua lạm phát và phá giá tiền tệ, nhưng các biện pháp này sẽ hủy hoại thị trường trái phiếu. Lãi suất trái phiếu tăng sẽ ép các chính phủ phải nhanh chóng siết chặt chính sách tài khóa và sẽ giáng một đòn mạnh vào quá trình hồi phục kinh tế.
Mặc dù nguy cơ lớn nhất của kinh tế toàn cầu nằm ở khó khăn tài khóa của các nước phát triển, nguy cơ vỡ nợ quốc gia cũng xuất hiện ở một số nền kinh tế đang nổi. Số này chủ yếu là các nước có chính sách không phù hợp, khó khăn trong tiếp cận thị trường vốn quốc tế và có quan hệ không tốt với bên cho vay, chẳng hạn như trường hợp của Argentina và Ecuador. Tuy nhiên, kể cả các nước vay nợ dễ dàng cũng có thể bị vỡ nợ, bởi số tiền vay được có thể không đủ hoặc không thể thực hiện các điều kiện “thắt lưng buộc bụng” do bị phản đối về chính trị và chương trình cho vay sẽ bị đình lại. Các nước nằm trong nhóm này chủ yếu là ở Đông Âu. Mối quan ngại hiện nay tập trung vào Hungary, nơi chính phủ mới hồi tháng 7 vừa qua đã ngừng đàm phán với IMF và không tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn tài chính. Ở các nước khác, như Latvia, Ukcraine và Rumani, các chương trình bình ổn đang tiến triển tốt, nhưng nguy cơ chính trị vẫn cao
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com