Lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang được đẩy lên mức 20 – 22%/năm, thậm chí có ngân hàng chào lãi suất đến 26%/năm khiến cho DN và người dân “sợ” giao dịch vay với ngân hàng vì dù có vay được thì cũng không biết kinh doanh gì để sinh lợi trả lãi vay.
Chào lãi suất 26%/năm
Mặc dù theo quy định, mức lãi suất VNĐ được huy động tối đa là 14%/năm, quy định là như thế nhưng hầu hết các ngân hàng đều phải "xé rào" bằng cách đưa ra những mức lãi suất thỏa thuận cao hơn. Việc huy động lãi suất cao, đương nhiên ngân hàng cũng phải nâng lãi suất cho vay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, mức cho vay cao nhất hiện nay là 22%/năm, nhưng có một số ngân hàng cho vay cao hơn cả mức này. Đại diện Cty TNHH sản xuất và thương mại Ice Việt Nam, một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất trên địa bàn quận Long Biên cho biết, hiện nay, các ngân hàng hầu như chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) nhà nước, còn các DN tư nhân phải dựa vào quan hệ riêng của mình để được tiếp cận với nguồn vốn. Dù lãi suất 18%/năm là quá cao, nhưng cũng rất khó tiếp cận.
Theo tính toán của vị đại diện này, nếu vay được mức lãi suất là 18%/năm thì DN buộc phải làm ra lợi nhuận là 25%/năm, có như vậy mới trả nổi lãi cho ngân hàng, phần còn lại là những chi phí phát sinh và rủi ro khác. Trong thời buỗi lạm phát như hiện này, điều này sẽ khiến các DN vấp phải nhiều khó khăn.
Ông Đinh Ngọc Hưng, giám đốc Cty Next Technology cũng cho biết, DN ông là một DN nhỏ, nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Vừa qua DN ông nhận được lời chào vay của một ngân hàng Thương mại với lãi suất lên đến 26%/năm. Theo ông Hưng, với mức lãi suất này, DN phải làm ra lợi nhuận đến 50%/năm mới đủ chi phí có mọi hoạt động như: Trả lương nhân viên, hao mòn máy móc, chi phí nhà xưởng... trong bối cảnh làm ăn khó khăn, mức "siêu lợi nhuận" như vậy là điều không tưởng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một ngân hàng thưong mại tại Hà Nội cho biết, hiện nay mọi thứ đều tăng cao, nếu huy động lãi suất theo quy định là 14%/năm sẽ khó hấp dẫn người gửi. Bởi vậy ngân hàng đành "lách" luật bằng cách đưa ra mức lãi suất thoả thận với khách hàng.
Người dân cũng lắc đầu
Với lãi suất cho vay cao như vậy, không chỉ có nhiều DN từ chối không vay vốn ngân hàng, không mở rộng sản xuất... Ngay cả những người dân có nhu cầu vay tiêu dùng cũng không dám vay. Chỉ làm phép tính đơn giản, một người dân có mức thu nhập cao là 10 triệu đồng/tháng, vay ngân hàng 100 triệu đồng trong vòng 1 năm với mức lãi suất 22%/năm, theo hình thức trả góp hàng tháng, cộng với lãi suất được tính theo số tiền thực tế được trừ dần hàng tháng. Tức là tháng đầu khách hàng sẽ phải trả tiền gốc là 8.300.000 đồng, tiền lãi là 1.830.000 đồng, tổng cộng tiền phải là 10,130.000 đồng. Ngay cả khi tiền gốc được trừ dần thì với một người làm công ăn lương bình thường cũng khó có khả năng để vay ngân hàng.
Một số ngân hàng cho biết, lượng khách hàng tiêu dùng cá nhân gật đầu chấp thuận vay vốn với lãi suất như hiện nay là rất ít. Về phía người dân, họ cho rằng, lạm phát tăng cao, ai cũng phải thắt chặt chi tiêu. Do vậy, trước khi cần một khoản tiền cho việc gì, họ đều tính toán kĩ lưỡng xem có nên vay tiền ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu cá nhân chưa thực sự cần thiết.
Anh Đăng, làm ở Cty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, gia đình nhà anh đang có nhu cầu sửa sang lại nhà cửa, nhưng với mức lãi suất này, nhà anh đành ở nhà cũ, chứ không dám vay. Bởi cả hai vợ chồng làm ra cũng chỉ được có hơn 10 triệu/tháng, nhưng tính ra hằng tháng vừa trả gốc và lãi cũng phải 10 triệu đồng, như vậy, sẽ không có tiền để duy trì cuộc sống gia đình.
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, khi tăng lãi suất, nhà nước cần phải hài hòa lợi ích giữa ngân hàng, DN và người dân. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không nên vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến xã hội (bởi theo quy định lãi suất huy động là 14%/năm, nhưng trên thực tế, ngân hàng huy động lên tới 17%/năm. Còn lãi suất cho vay thực tế lên tới hơn 20%/năm).
(VTC)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com