Lãi suất ngoại tệ hiện đã đồng loạt giảm về dưới mức trần cho phép 3%/năm. Đồng thời, với lộ trình tăng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với huy động vốn bằng USD cũng như Thông tư 07/2011/TT-NHNN siết cho vay ngoại tệ có hiệu lực kể từ đầu tháng 5 tới, được nhận định là sẽ có tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất VND khi người dân chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đồng nội tệ.
"Với mức trần quy định đối với lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 2% sẽ tác động tích cực lên thanh khoản tiền đồng. Những người có ngoại tệ sẽ cân nhắc giữa việc tiếp tục nắm giữ để gửi tiết kiệm lãi suất dưới 3%/năm hay chuyển sang tiền đồng có lãi suất cao. Thực tế, gửi tiết kiệm bằng VND với mức lãi suất hiện nay có lợi hơn rất nhiều", phó tổng giám đốc một ngân hàng nói.
Thời gian qua, do lãi suất tiền gửi ngoại tệ được các ngân hàng áp dụng mức khá cao 5,5 - 6%/năm, đồng thời với hiệu ứng từ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng thêm 9,3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và trước áp lực lạm phát nên tiết kiệm ngoại tệ gia tăng. Tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ được nhà băng đẩy mạnh, vì không những nguồn vốn huy động USD dồi dào mà ngay cả người cần vốn cũng thích vay ngoại tệ để tránh áp lực lãi suất tiền đồng. Tính đến ngày 16/3/2011, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ước tăng 2,07% so với cuối năm 2010, vốn huy động ước tăng 1,56%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 3,67% (tín dụng VND tăng 1,43%, tín dụng USD tăng 12,06%).
Nhưng với quy định mới về trần lãi suất ngoại tệ, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, không chỉ người dân chuyển từ nắm giữ USD sang gửi tiết kiệm tiền đồng mà ngay cả các DN xuất khẩu cũng sẽ tính đến bài toán trên. Thay vì muốn duy trì ngoại tệ trên tài khoản sau khi có nguồn thu, với quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với tác tổ chức kinh tế cao nhất chỉ có 1%/năm, chắc chắn các DN có nguồn USD cũng tính đến việc bán ngoại tệ chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn.
Nguyên Thống đốc NHNN, ông Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và áp trần đối với tiền gửi bằng USD sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản tiền đồng và góp phần chống tình trạng đôla hóa. Khi đó, lãi suất huy động ngoại tệ khó có thể neo ở mức cao làm cho tỷ trọng tiền gửi bằng USD giảm, thay vì chiếm một tỷ lệ tương đối cao 20 - 30% trong tổng huy động như trong thời gian qua.
Như vậy, không chỉ người gửi tiền mà cả khách hàng cần vốn cũng sẽ quay sang tiền đồng, do đó khiến cho thanh khoản tiền đồng tốt hơn, tạo điều kiện cho lãi suất VND giảm trong thời gian tới khi lạm phát được kiểm soát.
Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, khi tỷ giá trên thị trường chợ đen đang dần được kéo sát với tỷ giá liên ngân hàng, cộng với việc giảm mạnh lãi suất huy động bằng ngoại tệ sẽ tác động tích cực đến việc huy động VND.
"Người nắm giữ ngoại tệ sẽ cảm thấy không còn có lợi như trước đây khi mà lãi suất tiết kiệm ngoại tệ giảm mạnh, trong khi lãi tiền đồng vẫn duy trì trần 14%/năm, nên xu hướngchuyển từ việc gửi ngoại tệ sang tiền đồng sẽ diễn ra trong thời gian tới đây. Đồng thời, cái được trước mắt là góp phần ổn định tỷ giá, giảm bớt tâm lý găm giữ ngoại tệ", ông Dương nói. Tuy nhiên, TS. Lê Thẩm Dương cũng cho rằng, kỳ vọng việc áp dụng trần lãi suất và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng cũng đòi hỏi phải có thời gian. Bởi lãi suất tiền đồng giảm còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố, liên quan tới hiệu quả đầu tư, hạn chế đầu tư công, rồi đến chính sách tài khóa và hiệu quả của sản xuất và cuối cùng là kỳ vọng lạm phát.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com