Ngành dệt may vốn được xem là khó khăn trong năm nay, nhưng tới thời điểm này, Công ty cổ phần May Hưng Yên đã có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Ông Phạm Quý Dương, Giám đốc Công ty cho biết, năm nay, 2.400 lao động làm việc chính thức trong Công ty sẽ được thưởng Tết ở mức bình quân 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, lao động trong một số doanh nghiệp có vốn góp của Công ty cũng được hưởng mức thưởng như vậy.
Tổng số lao động đang làm việc cho doanh nghiệp này và những doanh nghiệp có phần vốn của Công ty May Hưng Yên lên tới 8.000 người, đưa tổng số tiền thưởng Tết cho người lao động lên khoảng 16 tỷ đồng. "Với doanh thu năm nay đạt hơn 250 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2007, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, chúng tôi chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ việc suy thoái kinh tế thế giới", ông Dương bộc bạch.
Theo ông Dương, năm 2009 có thể khó khăn hơn với các doanh nghiệp, nhưng những doanh nghiệp có thương hiệu, có mối quan hệ tốt và chiếc lược hợp lý sẽ vẫn phát triển ổn định. Do vậy, lo một cái Tết cho người lao động là việc doanh nghiệp cần làm.
Năm nay, dự kiến người lao động trong Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ (AF) sẽ được thưởng Tết tối thiểu 1 tháng lương. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hà Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty AF cho biết, tới tháng 1, kế hoạch thưởng cụ thể mới được Công ty mẹ tại Hồng Kông duyệt, trên cơ sở xem xét tổng lợi nhuận/doanh thu của cả Tập đoàn.
"Có thể, hoạt động của nhà máy nào đó trong Tập đoàn bị thua lỗ, nhưng lợi nhuận của cả Tập đoàn vẫn ổn thì người lao động vẫn được thưởng", ông Minh cho biết. Năm 2007, mức thưởng là 1 - 3 tháng lương, tuỳ theo vị trí của người lao động trong Tập đoàn.
Tuy nhiên, tại một số khu công nghiệp, tình hình thưởng Tết không được lạc quan như vậy. Theo bà Nguyễn Thị Hoá, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Hà Nội chưa có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
"Việc thưởng Tết cho người lao động những năm trước đã rất khó khăn, năm nay lại càng khó khăn hơn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã xuất hiện tình trạng giãn thợ, do sản xuất bị đình trệ", bà Hoá cho biết.
Tại một số địa phương khác, như tỉnh Bắc Ninh, thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này cho biết, Công ty Canon vừa thông báo cắt giảm khoảng 200 lao động. Một số doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang có các kế hoạch cắt giảm lao động. Theo một nguồn tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo từ tỉnh Bình Dương cho biết, hiện có khoảng 10.000 công nhân đang làm việc trong 43 doanh nghiệp dệt may, da giày của tỉnh này thiếu việc làm do doanh nghiệp không có thêm đơn hàng mới.
Tới thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa nhận được các báo cáo tổng hợp về tình hình thưởng Tết của các doanh nghiệp do các sở gửi về. Mới đây nhất, ngày 16/12, Bộ này đã gửi văn bản tới các sở, chỉ đạo các bộ phận chức năng nắm tình hình tiền lương năm 2008 và tiền thưởng cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch trước ngày 30/12.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình hình lương, thưởng năm nay, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Việc làm - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, chắc chắn, tình hình lương thưởng năm nay sẽ không thể "rôm rả" bằng năm trước. "Năm 2008 khó khăn hơn nhiều so với năm 2007. Thậm chí, đã có hiệp hội doanh nghiệp đề nghị xin lùi thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu mới thì sẽ khó có chuyện thưởng Tết rôm rả cho người lao động", ông Hào bình luận.
( Theo vir )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com