Để giảm lãi suất cho vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì việc tiết giảm chi phí đầu vào là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, họ chưa thể thực hiện ngay biện pháp này vì người gửi tiền còn mặc cả lãi suất.
Muốn… nhưng chưa thể
Thay vì tiếp tục hạ dần lãi suất tiền gửi và hạn chế khuyến mãi để có thêm điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay thỏa thuận, trong những ngày gần đây, các nhà băng lại có động thái tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm. Đồng thời, không ít ngân hàng tăng khuyến mãi với kỳ vọng hút thêm tiền nhàn rỗi.
Ngày 18/5, Eximbank tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng VND ở kỳ hạn 3 và 6 tháng, cho dù trước đó không lâu, ngân hàng này đã một lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng. Theo đó, Eximbank áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất 11,65%/năm vẫn cho kỳ hạn 12 tháng. Nhưng với kỳ hạn 3, 6 tháng, lãi suất được điều chỉnh lên mức 11,55 - 11,58%/năm, cao hơn so với mức cũ. Đối với kỳ hạn tiền gửi 1 - 2 tháng, lãi suất ở mức 11,25 - 11,35%/năm.
Tương tự tại ACB, trong ngày 13/5 vừa qua đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND cho sản phẩm "Lãi suất tiết kiệm thả nổi" kỳ hạn 36 tháng, với mức cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 11,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Từ ngày 20/5 đến hết 30/6, SCB triển khai chương trình dự thưởng "Gửi tiền ngay - cơ may trúng lớn" được áp dụng cho tất cả khách hàng tham gia mở mới tiền gửi thông thường bằng VND hoặc USD theo tất cả các hình thức lĩnh lãi, với kỳ hạn từ 1 - 13 tháng. Theo đó, ngoài những ưu đãi được hưởng theo quy định của sản phẩm, khách hàng còn được tham gia quay số trúng thưởng, với tổng trị giá giải thưởng hơn 1,4 tỷ đồng…
Kể từ ngày 17/5, Ocean Bank tung ra sản phẩm tiết kiệm gửi góp "An tâm tích lũy - vững bước tương lai". Theo đó, với hình thức gửi góp định kỳ một số tiền nhất định trong thời hạn của sổ tiết kiệm, khách hàng sẽ có cơ hội được tham gia bảo hiểm nhân thọ của Prévoir Việt Nam với quyền lợi bảo hiểm lớn, lên tới 800 triệu đồng.
Các ngân hàng quy mô vốn vừa và nhỏ cho biết, nếu không gia tăng khuyến mãi, họ sẽ khó thu hút được tiền nhàn rỗi, cân đối nguồn và cho vay. Đặc biệt là khi tâm lý khách hàng còn "mặc cả" lãi suất tiền gửi, cho dù so với tốc độ lạm phát 4 tháng đầu năm và mục tiêu kiểm soát của cả năm dưới 10% thì lãi suất tiết kiệm đã thực dương.
Còn các ngân hàng quy mô lớn thì cho rằng, không khuyến mãi sẽ khó giữ được chân nguồn tiền tiết kiệm, khi mặt bằng lãi suất cũng như ưu đãi của nhà băng nhỏ dành cho khách hàng tiền gửi nhiều hơn. Tổng giám đốc Vietcombank, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, nguồn vốn khả dụng trên thực tế đang dưa thừa, nhưng khó có thể giảm được lãi suất huy động vốn xuống mức mong muốn. Do vậy, trước mắt, lãi suất cho vay thấp nhất của Vietcombank chỉ giảm xuống mức 13%/năm.
Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), với mức lãi suất huy động vốn cao nhất xoay quanh ngưỡng 11,5%/năm có thể cho là đã cao trong bối cảnh hiện nay. Đáng chú ý là khi lạm phát 4 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp và mục tiêu cả năm sẽ nằm dưới con số 10%.
Vì thế, bà Hương cho rằng, để có thể tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay thỏa thuận, các ngân hàng phải từng bước hạ dần lãi suất đầu vào. Tuy nhiên, theo bà Hương, trong cuộc họp với các ngân hàng thành viên tại khu vực Hà Nội tháng trước, nhiều nhà băng cho biết, sẽ tiết giảm chi phí đầu vào thông qua việc hạn chế khuyến mãi, tặng thêm tiền mặt, lãi suất… Nhưng các ngân hàng thành viên khu vực TP. HCM không có ý kiến về vấn đề này, vì cho rằng nếu làm thế sẽ khó thu hút được tiền nhàn rỗi do cạnh tranh ngày một gay gắt.
... và cần có lộ trình
Tổng giám đốc Sacombank, ông Trần Xuân Huy cho biết, so với tiền đồng, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ hấp dẫn hơn nên DN đang tranh thủ vay USD. Nhưng theo ông Huy, trong thời gian từ nay đến cuối năm, xu hướng lãi suất VND sẽ giảm thêm, do đó giải ngân vốn bằng tiền đồng sẽ gia tăng. Sacombank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức thấp nhất là 13%/năm dành cho đối tượng khách hàng VIP và khách hàng có sử dụng nhiều dịch vụ của Ngân hàng.
Cũng theo nhận định của ông Huy, khả năng lãi suất tiền đồng sẽ giảm dần, nhưng đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể giảm ngay ở thời điểm trước mắt. Còn trong tương lai gần, chắc chắn lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ phải điều chỉnh nhẹ, vì nếu áp lực lãi vay cao, DN sẽ không tiếp cận vốn dù nhu cầu thực tế là có. Do vậy, dự đoán được đưa ra từ các nhà điều hành ngân hàng là trong tháng 6 tới, về cơ bản, các nhà băng sẽ tiếp tục giảm nhẹ lãi suất (cả huy động và cho vay).
Đại diện một ngân hàng khác cho rằng, dư nợ tín dụng 4 tháng đầu năm nay tăng chậm vì áp lực lãi vay tăng cao. Mặt khác, cũng do 2 quý đầu năm mang tính chất mùa vụ lễ, tết… Nhưng khả năng dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh trong 2 quý còn lại của năm do lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ về mức hợp lý hơn. Đồng thời, đây cũng là thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của DN tăng lên. Vì các DN phải tăng tốc để hoàn thành được mục tiêu lợi nhuận đặt ra, nên cần vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm.
PSG. TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định, dư nợ tín dụng tăng trưởng xấp xỉ 6% trong 4 tháng đầu năm không phải là thấp, nhưng khả năng tốc độ sẽ cao hơn trong 2 quý còn lại của năm, vì nhu cầu vốn của khách hàng tăng.
Song theo ông Ngân, để cải thiện được tín dụng, lãi suất cho vay thỏa thuận cần về mức hợp lý hơn nữa, ở khoảng 12%/năm.
Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, vẫn có thể giải ngân được vốn và nhu cầu của khách hàng là có. Tuy nhiên, theo ông Huy, thời gian tới, lãi suất cho vay thỏa thuận xuống mức 12%/năm là hợp lý nhất. Như vậy, sẽ giúp cho cả nền kinh tế hấp thụ được vốn, song yếu tố đòi hỏi đầu tiên đối với ngân hàng chính là phải cắt giảm được chi phí huy động vốn, nhưng cần có lộ trình.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho rằng, cơ quan này đang trong quá trình kiểm tra ở các ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao cũng như đua khuyến mãi để hút tiết kiệm. Theo nhận định của ông Hạnh, các ngân hàng đều giải thích việc gia tăng khuyến mãi là nhằm giữ chân nguồn tiền tiết kiệm, song thực chất vẫn là cạnh tranh thu hút khách hàng, chiếm giữ thị phần.
Cũng theo đánh giá của ông Hạnh, nếu không giảm chi phí đầu vào để có thêm điều kiện hạ lãi suất đầu ra thì các ngân hàng khó có thể cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận và như vậy, DN tiếp tục e ngại tiếp cận vốn vay.
"Nhu cầu vốn của khách hàng luôn có, nhưng nếu lãi suất còn ở mức quá sức chịu đựng, chắc chắn DN cũng sẽ tính toán kỹ lưỡng trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất - kinh doanh", ông Hạnh nói và cho rằng, phía ngân hàng cũng nên xem xét lại chi phí đầu vào, đầu ra để có thêm điều kiện giảm lãi vay, phát triển tín dụng trong thời gian tới. Vì thực tế hiện nay, một số ngân hàng cho biết đã áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất ở mức 12%/năm, song để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này là không dễ dàng.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com