Nhiều dự án quy mô lớn Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có những dự án lên tới hàng tỷ USD có tác động mạnh tới hàng loạt địa phương, hoặc ngành, lĩnh vực sản xuất. Có thể lấy ví dụ như dự án Công ty TNHH Thép Vinashin Lion của nhà đầu tư Malaysia với tổng vốn đăng ký đầu tư 9,7 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD... Dòng vốn đăng ký vào lĩnh vực dịch vụ cũng gia tăng đột biến với sự xuất hiện của nhiều dự án lớn, như các dự án Công ty TNHH NewCity Việt Nam, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD; Công ty TNHH Hồ Tràm, tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD; Công ty TNHH Tập đoàn Bãi Biển Rồng, tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD lần lượt của các nhà đầu tư Brunei, Canada,
Hoa Kỳ. Nếu như năm 2000, ĐTNN vào lĩnh vực dịch vụ chỉ chiếm 7% tổng vốn đăng ký, thì đến cuối năm 2009, tỷ lệ này đã là 77%. Thực tế này rất đáng ghi nhận, bởi nó tạo ra sự dịch chuyển trong thu hút đầu tư theo cơ cấu ngành/lĩnh vực kinh tế theo hướng hiện đại là dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông nghiệp. Mặt khác, các địa phương có dự án ĐTNN có điều kiện tăng tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới nguồn thu ngân sách và giá trị kinh tế cao hơn với từng sản phẩm.
Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư mới, nhiều dự án sau khi hoạt động có hiệu quả đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thêm vốn đầu tư. Từ năm 2001 đến hết năm 2009 đã có 3.767 lượt dự án mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư với tổng vốn hơn 22,87 tỷ USD, tăng gấp 3,64 lần so với giai đoạn trước. Theo kết quả khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, có hơn 70% DN ĐTNN có kế hoạch tăng vốn, mở rộng sản xuất trong thời gian tới, thể hiện sự tin tưởng và an tâm của nhà ĐTNN vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cũng trong thời gian trên, khoảng 65% dự án triển khai với mức thực hiện đạt hơn 47,9 tỷ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đăng ký, trong đó vốn của bên nước ngoài đưa vào (gồm vốn góp và vốn vay) khoảng 39 tỷ USD, chiếm 81,5% tổng vốn thực hiện. Giai đoạn 2001-2005, vốn thực hiện đạt 14,3 tỷ USD, đến giai đoạn 2006-2009 vốn thực hiện đạt 33,6 tỷ USD, cao gấp 2,35 lần so với 5 năm trước. Năm 2007 vốn FDI thực hiện đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 96% so với năm 2006. Năm 2008 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2007. Năm 2009, trong bối cảnh suy thoái, vốn giải ngân đạt 10 tỷ USD, bằng 87% so với cùng kỳ năm trước...
Đóng góp có hiệu quả vào ngân sách
Vốn ĐTNN đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Đóng góp của khu vực ĐTNN vào GDP tăng dần qua các năm. Năm 2000 đạt 12,7%, giai đoạn 2001-2005 tăng cao hơn, đạt mức bình quân khoảng 14,5%/năm. Tỷ trọng này tiếp tục tăng trong các năm 2006-2009 với các con số là 16,98%-18,33%. Giá trị xuất khẩu (XK) của khu vực ĐTNN cũng gia tăng nhanh chóng, giai đoạn 2001-2005 đạt hơn 34,6 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước; năm 2006 đạt 14,6 tỷ USD, đóng góp 37% tổng giá trị XK của cả nước. Giá trị XK của khu vực có vốn ĐTNN trong giai đoạn 2007-2009 cũng gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 40% (không kể dầu thô) tổng XK cả nước, nếu tính cả giá trị XK dầu thô thì tỷ trọng này đạt khoảng 55%.
Khu vực có vốn ĐTNN cũng đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, thể hiện qua việc thu nộp ngân sách tăng dần qua các năm và bắt đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD từ năm 2005. Giai đoạn 2001-2005, nộp ngân sách 3,6 tỷ USD, tăng gấp 2 lần 5 năm trước. Năm 2006 con số trên đạt 1,3 tỷ USD, bằng cả 5 năm 1996-2000, năm 2007 nộp ngân sách 1,57 tỷ USD, năm 2008 là 1,98 tỷ USD và năm 2009 là 2,47 tỷ USD. Ngoài ra, vốn ĐTNN còn góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào nước ta, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng như viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa chất, cơ khí chế tạo điện tử, tin học, ô tô, xe máy... Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ trong các dự án ĐTNN, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã nâng cao rõ rệt.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do bình đẳng trong kinh doanh và phát triển, nhiều DN trong nước dần quen với việc phải cạnh tranh với các sản phẩm của DN ĐTNN, nên đã chủ động đổi mới công nghệ bằng việc nhập khẩu các thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt. Từ đó, DN trong nước ngày càng tăng cường năng lực về công nghệ và nâng cấp về trình độ quản lý, nhất là đào tạo nguồn nhân lực.
Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN cũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư. Tính đến nay, khối DN có vốn ĐTNN đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1,7 triệu lao động trực tiếp, chưa kể hàng chục vạn lao động gián tiếp khác. Thông qua công việc cụ thể, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ, nhà quản lý Việt Nam cũng được bổ sung, tiếp thu kiến thức tiên tiến, cập nhật thông tin và nâng cao năng lực, trình độ.