Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh đến Việt Nam, nhưng nếu chúng ta có chính sách đúng, giải pháp ứng phó tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể đứng vững được trong cơn bão tài chính thế giới và khỏe mạnh hơn sau đó. PGS TSKH Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đã nhận định như vậy tại Tọa đàm "Môi trường kinh doanh năm 2009: Phân tích và dự báo" do Báo DĐDN và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức vừa qua.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra ở Mỹ - đầu tàu kinh tế thế giới và xem như đã lan rộng ra toàn cầu. Những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới lần lượt lâm nguy, phá sản hoặc nguy ngập đến mức Chính phủ phải cứu trợ. Có một lưu ý là cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ những khoản vay bất động sản, gắn với tài chính, chứng khoán và sẽ là cuộc khủng hoảng có hệ quả kéo dài. Trong khi đó, tất cả các cơ quan dự báo nổi tiếng nhất thế giới đều đã dự báo không đúng và không chính xác.
Không thể coi nhẹ
Nếu xem xét các giải pháp mà các Chính phủ đã đưa ra, có thể nói đó là những giải pháp chưa từng có trong lịch sử kinh tế thế giới. Về mặt tiền cứu trợ, nước Mỹ bỏ ra 700 tỷ USD, các nước Châu Âu bỏ ra số tiền lên tới khoảng hơn 2.000 tỷ USD, Trung Quốc là 585 tỷ USD (khoảng 20% GDP), Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bỏ ra hàng trăm tỷ USD... để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà kinh tế, số tiền đó mới chỉ như “muối bỏ biển” vì riêng tổng số nợ xấu và liên quan mà nước Mỹ có đã lên đến khoảng trên 60 ngàn tỷ USD.
Những nhóm giải pháp khác như hạ lãi suất, giảm thuế, bảo lãnh tín dụng với mức độ cao hơn cho người gửi tiền, kích cầu đầu tư và tiêu dùng cũng được các chính phủ này áp dụng. Nhưng nếu xem xét những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng thì những gói giải pháp này chưa đụng đến gốc rễ vấn đề. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu sa là ở hai điểm. Lý do cơ bản thứ nhất là dường như hiện không có thể chế phù hợp để quản lý hệ thống tiền tệ và tài chính toàn cầu, các định chế IMF, WB đã bất cập. Lý do thứ hai là lý do về kết cấu kinh tế. Kết cấu kinh tế của phương Tây hiện nay cơ bản vẫn dựa trên nền tảng công nghiệp với kỹ thuật lạc hậu. Tại các nước phát triển, tuy rằng đã xuất hiện công nghệ cao nhưng lĩnh vực này mới chỉ chiếm khoảng 5 - 7% GDP. Như vậy, nếu đầu tư vào công nghiệp thì gặp vấn đề là năng suất, hiệu quả ngày càng thấp, đầu tư vào công nghệ cao thì nhân loại chưa có đủ trí tuệ trong khi ngay cả ở các nước tiên tiến, công nghệ cao cũng chiếm phần nhỏ. Vậy tiền vốn đầu tư phải đổ vào bất động sản, và đến một mức độ nào đó bong bóng bất động sản bùng nổ, dẫn đến khủng hoảng. Cho nên, một khi cơ cấu kinh tế chưa thay đổi để có thể tạo ra hướng đầu tư có hiệu quả cao, thì lối thoát cho cuộc khủng hoảng này chưa rõ.
Những tác động nhãn tiền
Chắc chắn cuộc khủng hoảng này sẽ có những tác động nghiêm trọng, mà điều dễ nhận thấy nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm. Dự báo lạc quan nhất là của IMF cũng cho thấy, năm 2009, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 2%, kinh tế ở tất cả các nước phát triển sẽ âm, các nước đang phát triển sẽ dừng ở mức 3-4%. Như vậy, bức tranh tương đối sáng sủa mà IMF vạch ra cũng là cả một vấn đề đối với thế giới. Nhưng nếu với kịch bản tồi tệ hơn, tức cuộc khủng hoảng này tương ứng như cuộc khủng hoảng 1929-1933 thì vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều, tức là hầu hết các nước đều sẽ tăng trưởng âm.
Một điều có thể khẳng định là cuộc khủng hoảng này sẽ tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực. Trước tiên, nó sẽ làm sản xuất suy giảm, dẫn tới giá các nguyên vật liệu giảm, thế giới chuyển từ tình trạng lo ngại về lạm phát sang lo ngại về thiểu phát. Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau, với hàng nghìn tỷ USD được các Chính phủ đổ ra cứu các nền kinh tế, số tiền này sẽ gây ra lạm phát tái diễn.
Bên cạnh đó, nếu nhu cầu tiêu dùng giảm, xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm theo với dự đoán rằng xuất nhập khẩu có thể giảm gấp đôi so với mức giảm của sản xuất. Đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp, tính trên phạm vi toàn thế giới chắc chắn cũng giảm. Lý do là các tổ chức tín dụng không đủ niềm tin để cho vay vì không có các dự án đầu tư hiệu quả. Các DN đứng trước tình hình này cũng không biết mình nên vay để làm gì. Về du lịch, lĩnh vực này cũng đang giảm sút rất mạnh. ở lĩnh vực công nghiệp, trước mắt, công nghiệp ô tô, sắt thép, công nghiệp xây dựng... và tất cả những ngành liên quan đến bất động sản sẽ giảm sút. Sự suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến thất nghiệp gia tăng, gây bất ổn xã hội và chính trị.
Tuy nhiên, ngoài những tác động tiêu cực, cuộc khủng hoảng cũng có tác động tích cực nhất định. Theo tôi, cứ khi bị đẩy vào chân tường, con người sẽ có những phản ứng rất lạ thường. Nhân loại đã từng chứng kiến sau mỗi cuộc khủng hoảng sẽ là một giai đoạn tăng trưởng mới của kinh tế thế giới. Trong giai đoạn đó, những thể chế được đổi mới có thể phù hợp hơn, những công nghệ đã được nghĩ ra nhưng chưa được áp dụng, nay sẽ được đem ra áp dụng mạnh mẽ.
Việt Nam nên ứng phó ra sao?
Hiện nay, có ý kiến cho rằng, Việt Nam là một trong những nước ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Lý do là hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam chưa mở cửa, chưa thông thoáng và liên thông với các nước khác, vay nợ nước ngoài ít, quan hệ tín dụng với bên ngoài chưa nhiều, đồng tiền chưa chuyển đổi, hơn nữa Việt Nam cũng đã cơ bản xử lý được lạm phát... Tất cả những lý do đó, theo tôi đều đúng. Nhưng nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng năm 1997, lúc đó nhiều ý kiến khẳng định nó sẽ không ảnh hưởng gì đến Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng 4-5% năm 1999 – 2000 đã cho thấy điều ngược lại. Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ có thể tác động nhanh hoặc chậm, chứ không thể không tác động gì tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Và mức độ tác động đến đâu còn tuỳ thuộc vào chính sách ứng phó của mỗi quốc gia.
Ảnh hưởng rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới Việt Nam là xuất khẩu. Nhưng chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn vì đứng cạnh một Trung Quốc khổng lồ với lượng hàng tồn kho đang tăng rất mạnh, mà lượng hàng này chỉ có thể bán đại hạ giá vào mấy nước láng giềng đang phát triển như Việt Nam. Trong thời gian tới đây, chắc chắn Việt Nam sẽ chịu tác động của dòng hàng hoá đại hạ giá từ Trung Quốc.
Thứ hai, về các dòng vốn đầu tư. Hiện nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn chưa từng có và đang có ý kiến đánh giá rất khác nhau. Mặc dù vậy, lượng vốn lớn này đã cho thấy những nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá tốt về triển vọng của Việt Nam. Vì vậy, nếu chúng ta có dự án tốt, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đầu tư. Theo tôi, thời gian tới cần ưu tiên cho các dự án đầu tư bất động sản vì đó là hướng đầu tư dài hạn, có triển vọng. Bên cạnh đó, những hướng đầu tư ít rủi ro như xây dựng các nhà máy điện, giao thông, trường học, cơ sở y tế... đang có nhu cầu ngày càng gia tăng cũng cần phải được tính đến.
Thứ ba, trong cuộc khủng hoảng này, giá một số mặt hàng như sắt thép, xi măng, nguyên liệu... sẽ giảm. Do vậy, cần đầu tư mạnh vào những ngành sử dụng nhiều các mặt hàng này để tận dụng cơ hội về giá; Các ngân hàng, các tập đoàn lớn của thế giới gặp khó khăn, đang sa thải hàng loạt chuyên gia kinh tế, kỹ thuật - một nguồn lực hết sức quý hiếm. Nếu chúng ta có chính sách thu hút được nguồn lao động tài năng này thì đó cũng là một cơ hội không dễ gì có được; Hiện nay, lãi suất trong nước đang hạ dần, lãi suất thế giới đang hạ đến mức rất thấp. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng nhằm vay vốn nước ngoài cho các dự án lớn...
Tuy nhiên, để có những giải pháp tốt nhằm vượt qua khủng hoảng, bên cạnh những chính sách vĩ mô và vi mô của nhà nước phù hợp với tình hình, theo tôi, bản thân các DN cũng phải chuyển hướng cùng với Chính phủ. Tôi cho rằng tất cả các DN cần phải điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động của mình, bao gồm cả chiến lược kinh doanh, chính sách cán bộ, đầu vào, đầu ra, thị trường... Đây cũng là thời điểm mà các DN cần liên kết lại, quan trọng nhất là theo nhóm ngành để ứng phó với tình hình và xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Một vấn đề nữa mà DN cần lưu ý là những điều chỉnh về thị trường. Hướng điều chỉnh thứ nhất, DN cần tính đến thị trường trong nước nhiều hơn, thậm chí phải giảm lợi nhuận để mở rộng thị trường này. Hướng thứ hai, nếu thị trường các nước phát triển vướng mắc, thì hiện nay thế giới còn lại 2 khu vực là Trung Đông và Mỹ Latin tương đối khá hơn, DN nên mở hướng thị trường vào 2 khu vực này. Hướng thứ ba, điều chỉnh hướng sản phẩm, dịch vụ, quan tâm hơn tới tầng lớp giàu có đang chiếm tới 80 – 90% tài sản thế giới bởi họ ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, tiêu dùng của họ vẫn sung túc.
(Theo dddn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com