Sau đường bộ, cảng biển và đường thủy, đường sắt đô thị (ĐSĐT) bắt đầu mở cửa gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước với Dự án ĐSĐT Hà Nội, tuyến số 5 đoạn Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.
Theo Đề xuất dự án do Liên danh tư vấn Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông - Vận tải (TRICC) và đối tác Hàn Quốc là Dongrim - Hyewonkaci lập, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 5 Nam Hồ Tây- Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc có chiều dài 33,5 km, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,227 tỷ USD được phân kỳ thành 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 11,3 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2013, gồm 10 ga với vốn đầu tư 574 triệu USD; giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2017 sẽ xây dựng 22,2 km đường còn lại gồm 12 ga với số vốn đầu tư là 653 triệu USD. Tiêu chuẩn kỹ thuật là đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Đoàn tàu chạy trên tuyến đường này sẽ đạt tốc độ khoảng 100 km/giờ gồm từ 4 đến 6 toa với sức chở tối đa 1.168 người/tàu. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T), với thời gian vận hành là 50 năm
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức đánh giá, cùng với tuyến ĐSĐT số 1, 2, 3 đã và đang được chuẩn bị xây dựng, tuyến ĐSĐT số 5 là một trong những tuyến hành lang giao thông có tiềm năng lớn, trong điều kiện thực tế ở Hà Nội tốc độ đô thị hóa nhanh, dự án triển khai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực phía Tây Thủ đô, liên kết trung tâm Hồ Tây với các trung tâm kinh tế chính trị mới như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia, Khu hành chính Quốc gia, các khu đô thị mới dọc tuyến, Khu đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Đại diện của đơn vị tư vấn dự báo, tuyến ĐSĐT số 5 có lưu lượng hành khách lớn nhất trong hệ thống ĐSĐT gồm 14 tuyến tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, nhu cầu vận tải đoạn Láng - đường vành đai II sẽ đạt khoảng 49.920 lượt khách/ngày vào năm 2013 và 150.843 lượt khách/ngày vào năm 2023 và 229.282 lượt khách/ngày vào năm 2033.
Về chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư cho dự án nói trên, ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tham gia vào dự án này nhà đầu tư không phải trả tiền thuê đất mà được Nhà nước hỗ trợ miễn phí đất xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt... Riêng các công trình phụ trợ thì tỷ lệ hỗ trợ vốn sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng và các luật khác của Việt Nam.
Hiện tại đã có 5 nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc là Samsung, Daewoo, Ska, Kumho, Keangnam đang tiến hành tiếp cận, nghiên cứu cơ hội bỏ vốn đầu tư. Mặc dầu vậy, tuyến ĐSĐT số 5 cũng tiềm ẩn không ít rủi ro như: tổng mức đầu tư quá lớn; công nghệ tương đối phức tạp; thời gian thu hồi vốn kéo dài; nguy cơ tăng trưởng phương tiện không như dự báo; sự thiếu kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án theo hình thức B.O.T của chủ đầu tư...
Đại diện tư vấn Hàn Quốc cũng khuyến nghị rằng, ngoài những hỗ trợ về tiền thuê đất; vốn giải phóng mặt bằng; cũng cần có cơ chế chia sẻ rủi ro nói trên cho nhà đầu tư.
(Theo báo Đầu Tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com