Nhìn vào những biến động của thị trường hàng hoá, vàng, bất động sản, chứng khoán và ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới hiện nay, nhiều nhà đầu tư cho rằng giữ tiền mặt vẫn là tối ưu. Giới chuyên gia cũng nhận định, sẽ khó đoán định đường đi của dòng vốn.
Trong vòng hơn một tháng, Ngân hàng Nhà nước bốn lần điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản, từ 14% một năm xuống còn 10% một năm, đưa lãi suất cho vay tối đa xuống mức 15% thay vì 21% trước đây.
Lãi suất giảm mạnh, doanh nghiệp đang cân nhắc đến lúc mạnh tay vay tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cho các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, lãi suất giảm nhưng sự thận trọng đang tăng lên, không chỉ từ ngân hàng mà còn cả từ phía doanh nghiệp. Đây là lý do chính khiến tín dụng chưa bao giờ khó giải ngân như hiện nay.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB cho biết, nợ xấu nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) của ACB đến nay là 0,5% (cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 0,3%); nợ xấu nhóm 2 trở lên của ACB cũng leo lên mức 2%, tăng gấp đôi so với năm trước. Nếu số nợ xấu càng lớn thì phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn, số tiền này phải hạch toán vào chi phí hoạt động và đương nhiên ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Đó là lý do ngân hàng thận trọng hơn, nhưng phía doanh nghiệp cũng lo không kém với những diễn biến xấu đi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do đó việc vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất thì vẫn tiếp tục nhưng vay đầu tư dài hạn thì bản thân doanh nghiệp cũng rất cân nhắc.
Không ít doanh nghiệp cho biết, thời điểm giữa quý II khi nhà sản xuất, kinh doanh cần vốn để hoàn thành những hợp đồng dở dang thì khó có thể tiếp cận được ngân hàng. Đến nay, dù được mời chào nhưng doanh nghiệp lại e ngại sử dụng vốn vay vì lo ngại thị phần bị thu hẹp và giá thành xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng, để kích cầu thị trường nội địa khi xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngân hàng phải cho vay tiêu dùng cá nhân, tăng biên độ lãi suất để bù trừ rủi ro, mở rộng đối tượng cho vay, kích thích tiêu dùng. Vì thế, việc lãi suất huy động giảm xuống 10% một năm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều người không còn mạnh tay rót vốn vào chứng khoán như trước do thị trường liên tục đổ dốc và chịu ảnh hưởng từ diễn biến tâm lý trên thị trường thế giới. Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc Vina Capital, mặc dù có không ít thông tin tốt về kinh tế vĩ mô trong nước như về cơ bản kiểm soát được lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng không có khả năng tăng mạnh, giá xăng dầu liên tục giảm, lãi suất cho vay đang hạ nhiệt, nhưng từ hai tháng qua, thị trường chứng khoán VN vẫn trong xu thế giảm điểm.
Tiến sĩ nhận định, đến khi thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh trở lại, thị trường trong nước mới củng cố được xu thế tăng điểm. Với việc dân chúng Mỹ tin tưởng vào chính phủ mới, thị trường tài chính sẽ có câu trả lời rõ ràng với kết quả thắng cử của ông Obama. “Tôi tin là thị trường đã qua một đáy và nhà đầu tư có thể quay lại thị trường, mặc dù cần sự cẩn thận và chọn lựa cổ phiếu kỹ hơn năm 2006 - 2007”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường thế giới cũng lan sắc đỏ khắp các sàn giao dịch.
Trong khi đó, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc lãi suất cơ bản trong xu hướng giảm, mà kết quả sẽ là sự cắt giảm lãi suất cho vay kinh doanh, sẽ góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoán. Nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ hấp thụ được một luồng tiền lớn do lãi suất huy động giảm. Ông Thành nhận định, đối với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, đây rõ ràng là một tin tốt, vì phần chi phí lãi vay trong tổng chi phí sắp tới sẽ nhẹ được một chút. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có đòn bẩy không lớn lắm, thì sức cầu của thị trường trong thời gian tới quan trọng hơn nhiều.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng chậm lại một cách nhanh chóng và các ngân hàng trung ương phải khẩn trương tung tiền ra ứng cứu bằng các gói kích thích kinh tế hoặc cắt giảm lãi suất, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên đầu tư vào vàng vật chất. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, giá vàng có thể giảm thêm trước khi bước vào đợt tăng mới, bởi vì tiền đang mất giá nhanh chóng.
Với những diễn biến thất thường của giá vàng thời gian qua, nhà đầu tư đã nếm trải mọi cung bậc nên càng thận trọng hơn. Trên thị trường vật chất trong nước, giá vênh nhiều so với thế giới, khi cao nhất tới 1,8 triệu đồng mỗi lượng. Các sàn vàng hoạt động theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” gây nhiều thua thiệt cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, khi lạm phát, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn. Nhưng nhiều nền kinh tế trên thế giới đang phải đối đầu với nguy cơ giảm phát, tương lai ngắn vàng sẽ khó có thể tăng cao.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng VN, hiện giá vàng được kỳ vọng sẽ phá ngưỡng 850 USD một ounce do giới đầu tư mạnh tay mua vào khi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính ngày một nặng nề hơn. Tuy nhiên, ông Khánh cũng khuyến cáo nhà đầu tư cẩn thận trước động thái tất toán hợp đồng của các quỹ đầu tư thế giới vào cuối tháng 12 mỗi năm. Ở VN, giá đã sụt xuống ngưỡng 17 triệu đồng mỗi lượng, sức mua chững lại do những lo ngại suy thoái kinh tế trên thế giới sẽ làm giảm sức cầu hàng hoá trong đó có vàng.
Trong khi đó, thị trường bất động sản đã qua 3 cơn sốt giá, lần gần đây nhất vào năm 2007, và đầu năm 2008 rơi vào chu kỳ lạnh. Giá giảm tới 30-40% và chưa có dấu hiệu tan băng. Những người đầu tư vào đây chưa biết rút ra bằng cách nào, còn người mua lại chờ giá xuống thấp nữa. Giới phân tích cho rằng, phải đến cuối năm 2009 thị trường này mới ấm lên về giao dịch, và phải một thời gian dài mới giá mới tăng trở lại.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu giá vàng tiếp tục sụt giảm, thị trường chứng khoán và bất động sản không hồi phục, sức cầu hàng hoá cuối năm vẫn giậm chân tại chỗ, dòng vốn, gồm cả nội và ngoại tệ sẽ lại tiếp tục tìm đường vào ngân hàng cho dù lãi suất tiếp tục hạ. Đây không còn là những dòng tiền “nóng” (như hồi tháng 6/2008) mà sẽ nằm im chờ đợi dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế, các kênh đầu tư khởi sắc lại.
Trong bối cảnh hiện nay, kênh tiết kiệm vẫn được nhiều người coi là an toàn nhất, vừa có lãi, vừa “không đau đầu”. Kênh này không những không huy động được số tiền “giắt lưng” đề phòng rủi ro đúng theo nghĩa tiết kiệm, mà còn thu hút được một lượng vốn lớn của những người không biết đầu tư, và những nhà đầu tư hiện chưa biết rót tiền vào đâu, hoặc sợ rủi ro. Tuy nhiên, hạn chế rõ thấy khi dòng tiền nhàn rỗi này không được đưa vào sản xuất, đầu tư sẽ khiến nền kinh tế trì trệ. Lãi suất tiền gửi liên tục hạ nhiệt cũng khiến nhiều người không nguôi tiếc nuối những mức cao chất ngất trước đó.
Với nhiều nhà đầu tư cá nhân, vấn đề hiện nay còn là giữ tiền mặt nội tệ hay ngoại tệ. Thực tế, lãi suất huy động tiền đồng giảm liên tục sẽ khó khăn trong cân đối vốn nội, ngoại tệ. Lãi suất giảm nhanh cũng đang đặt ra một số vấn đề về tỷ giá và sự biến động trong cân đối vốn của các ngân hàng. Hiện chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD không lớn nữa, chỉ còn ở mức khoảng 4-6% mỗi năm, trong khi đó tỷ giá lại đang có xu hướng tăng.
Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng: "Nếu mức chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền tiếp tục thu hẹp lại cộng với sự biến động bất thường của giá USD, có khả năng nhiều người gửi tiền sẽ chuyển từ VND sang USD, gây áp lực cho tỷ giá và khó khăn cho ngân hàng trong việc quản lý cân đối vốn”.
Vị lãnh đạo này nhận định, trong điều kiện lãi suất cơ bản của USD còn có khả năng xuống thấp trong khi ở Việt Nam, lãi suất VND vẫn cao hơn nhiều so với USD, nên giá USD ở VN cũng khó tăng cao và nhìn chung việc giữ USD sẽ không có lợi bằng việc gửi VND. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh và hiện đạt mức khá thì đầu tư vào ngoại tệ sẽ không có lợi nhuận cao.
(Theo HNMO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com