Khi hoạt động tín dụng được bỏ hạn chế lãi suất "trần" vấn đề kiểm sóat càng phải được NHNN theo sát thực tiễn để hạn chế những tác động triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của sản xuất.
Hoạt động tín dụng không còn vướng "trần"
Thị trường vốn Việt Nam có 5 dòng chảy: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách; kiều hối; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn viện trợ ODA và dòng vốn tín dụng. Riêng dòng vốn tín dụng có thể chia ra hai loại: dòng vốn được lưu chuyển qua các tổ chức tín dụng và dòng vốn lưu chuyển trong xã hội (bao gồm cả nguồn tín dụng "đen", thị trường cho vay nặng lãi).
Một trong những dòng vốn quan trọng nhất, có khả năng chi phối thị trường lớn nhất là dòng vốn tiền gửi và vay của cá nhân và các tổ chức kinh tế, lưu chuyển qua các tổ chức tín dụng hợp pháp do Nhà nước thành lập hoặc công nhận. Dòng vốn này đang được điều hành bằng các chính sách thay đổi liên tục.
Nếu từ trước đến nay, lãi suất của thị trường vốn tín dụng được điều hành bằng các công cụ lãi suất cơ bản và áp dụng Luật dân sự để cấu tạo lãi suất cho vay tối đa và lãi suất huy động vốn. Nhưng hơn một tháng gần đây, công cụ sử dụng trong nhiều năm qua đã bị bãi bỏ. Ban đầu, từ cuối tháng 2/2010, lãi suất cho vay theo phương thức thỏa thuận chỉ được áp dụng đối với các món vay trung và dài hạn thì đến giữa tháng 4/2010 cơ chế lãi suất thỏa thuận áp dụng cho mọi món vay đồng thời lãi suất huy động cũng được "thả nổi".
Tuy rằng, áp dụng cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận đã mở rộng cho các tổ chức tín dụng nhưng, ngay vào thời điểm này, nhiều ngân hàng không có vốn cho vay và thậm chí mặc dù ký khế ước cho vay rồi nhưng quá trình giải ngân lại "nhỏ giọt".
Năm 2009, do nhiều tác động, trong đó có tác động lớn từ bù lãi suất cho vay kích cầu đã tạo ra một quá trình tăng trưởng tín dụng nóng. Mức tăng trưởng tín dụng cho vay lên đến gần 38%, mặc dù mục tiêu của các cơ quan quản lý chính sách chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng 30% để quản lý lạm phát. Tăng trưởng tín dụng cho vay ở mức rất "nóng" thì mức tín dụng huy động chỉ ở mức trung bình: khoảng 27%.
Như vậy, các ngân hàng và tổ chức tín dụng rơi vào tình huống cho vay rất nhiều nhưng thiếu nguồn bù đắp. Ngân hàng không còn khả năng cho vay hoặc giải ngân nhỏ giọt được giải trình bằng các con số trên đây.
Việc áp dụng lãi suất thỏa thuận được nhiều chuyên gia kinh tế cho là sự tiến bộ vì nó giống với thông lệ quốc tế, tương đồng với các nền kinh tế có thị trường vốn lành mạnh...
Dù rằng sự tiến bộ được xét trên nguyên lý thì trong thực tế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang phải vay vốn với lãi suất thỏa thuận từ 15% đến 21%/năm. Và, các ngân hàng đang thi nhau tăng lãi suất huy động vốn bằng các hình thức "phi chính thức" khác nhau.
Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên hạ lãi suất cho vay, nhưng tốc độ thu hút tiền gửi của các tổ chức tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện ngay cả khi giữ ở mức lãi suất huy động cao hơn 11,5%/năm. Sức ép "cầu tiền" của các ngân hàng nhỏ đang đứng trước nguy cơ buộc phải sáp nhập, liên doanh hoặc bị giải thể nếu đến cuối năm không đạt mức vốn chủ điều lệ 3.000 tỷ đồng ...
Để đối phó với bất cập giữa nhu cầu vay và khả năng vốn huy động hạn chế, có những ngân hàng áp dụng một giải pháp rất "kỳ quái" mà không một thông lệ nào trên thế giới có được. Giải pháp này được một nhà đầu tư mô tả như sau: Doanh nghiệp muốn vay một số vốn là A thì trước khi được vay họ phải tìm một nguồn vốn bằng ¼ A để mang gửi vào ngân hàng mà họ sẽ xin vay. Tổ chức tín dụng gọi khoản tiền này bằng ngôn từ rất mỹ miều là "khoản tiền tạo vốn". Đương nhiên là khoản tiền tạo vốn của doanh nghiệp "chạy vạy" gửi vào được hưởng lãi suất huy động, thấp hơn lãi suất mà họ sẽ được vay.
Một vài tháng lại có một chính sách tiền tệ ra đời điều tiết vào vùng nhạy cảm của nền kinh tế, ảnh hưởng đến hầu hết các chủ thể kinh tế...không nên coi là giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãi suất phải tạo sức cạnh tranh cho sản xuất
Năm 2008, các nền kinh tế lớn rơi vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng tài chính. Nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế của các quốc gia này đã được ứng dụng, trong đó các giải pháp hiệu quả nhất là các chính sách thay đổi về tài chính, ngân hàng. Chỉ sau hơn 1 năm, xu hướng phục hồi đã rõ ràng. Các nền kinh tế lớn một mặt áp dụng việc bơm vốn vào nền kinh tế; mặt khác tạo sự dễ dàng cho các nhà sản xuất tiếp cận với vốn và đặc biệt là họ hạ lãi suất ngân hàng bằng không (0) hoặc tiếp cận không phần trăm (0%).
Với giải pháp điều hành lãi suất nói trên đã không chỉ tạo cơ hội cho các thương nhân có vốn sản xuất mà còn hạn chế đến mức tối đa việc công chúng đầu tư vào thị trường các sản phẩm tài chính và khuyến khích chuyển hướng luồng tiền vốn vào các ngành sản xuất kinh doanh; dịch vụ tạo thêm giá trị gia tăng thực cho xã hội.
Trong khi đó, việc điều hành lãi suất của Việt nam thời gian qua đang theo một chu trình ngược lại: đó là tăng lãi suất huy động và đương nhiên, là tạo nền cho lãi suất cho vay tăng.
Nhưng cần phải đặt nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế của các quốc gia khác trong quan hệ so sánh để tạo sức cạnh tranh.
Những yếu tố về công nghệ cao, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam đương nhiên là chưa có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Lâu nay, hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thương trường cả trong và ngoài nước chủ yếu là do giá thấp hơn các "đối thủ".
Hiện nay, khi chi phí vốn đầu vào của mọi quy trình sản xuất chấp nhận giá cao hơn các quốc gia phát triển khoảng từ 10-15 lần thì yếu tố hấp dẫn về giá hàng hóa sẽ dần mất đi
Đến một lúc nào đó, giá vốn vẫn cao, yếu tố cạnh tranh giá của hàng Việt Nam sẽ mất hẳn, chiến lược xuất khẩu của Việt nam sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
So sánh tại thị trường trong nước, các nhà đầu tư luôn có cách lựa chọn khôn ngoan và thực tế. Nếu mỗi chu trình sản xuất hàng hóa hoặc mỗi năm sản xuất hàng hóa lợi nhuận lại rơi, trước hết, vào ngân hàng và tổ chức tín dụng là chủ yếu thì sự lười biếng đầu tư sẽ xuất hiện.
Nhà đầu tư có một nguồn tài chính sẽ tìm kênh đầu tư an toàn nhất, dễ dàng nhất là gửi tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi nếu họ không tìm được các kênh đầu tư mà ở đó có dư địa tạo ra siêu lợi nhuận.
Ngay vào thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang cố gắng tổ chức sản xuất để có một khoản lợi nhuận nho nhỏ thì hàng quý, các ngân hàng đều công bố tổng lợi nhuận hàng nghìn tỷ hay nhiều nghìn tỷ đồng... thì đó là một bức tranh thiếu tích cực của một nền kinh tế.
(Vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com