Một trong những thách thức kinh tế trong thời gian gần đây đã gây lúng túng cho các nhà kinh tế và hoạch định chính sách quốc tế đó là sự mất cân bằng giữa các nền kinh tế lớn của thế giới.
Vậy ai đang là “nạn nhân thực sự” của sự mất cân bằng này? Dưới đây là nhận định của giáo sư Xiuping Hua thuộc Đại học Nottingham Ningbo Trung Quốc (UNNC).
Sự mất cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là một vấn đề đặc biệt, có tác động rộng khắp. Ví dụ, thâm hụt tài khoản vãng lai hiện tại của Mỹ ở mức quá lớn trong một thời gian dài khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành quốc gia nợ lớn nhất thế giới. Ngược lại, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại có thặng dư tài khoản vãng lai lớn trong một thời gian dài. Trong khi các nhà chính trị và các doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng đổ lỗi cho Trung Quốc về chính sách tiền tệ và thương mại không công bằng khiến Mỹ bị thâm hụt thì Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ đang chịu thâm hụt với tất cả các đối tác thương mại chứ không riêng gì Trung Quốc.
Liệu thâm hụt của Mỹ có phải là dấu hiệu của một nền kinh tế yếu kém mà người dân Mỹ phải chịu đựng? Và liệu thặng dư của Trung Quốc có phải là dấu hiệu của nền kinh tế khỏa mạnh và giàu có? Câu trả lời là không. Hầu như tất cả các tài liệu về tài chính quốc tế đều viết rằng, thâm hụt tài khoản vãng lai không phải luôn luôn là dấu hiệu của một nền kinh tế yếu kém và thặng dư không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh.
Theo quan điểm của Mỹ, thâm hụt là kết quả của các yếu tố bao gồm yếu tố dư thừa tiết kiệm trên toàn cầu và vị thế của đồng đô la trong vai trò của tiền tệ dự trữ thế giới. Cả hai yếu tố trên đã dẫn tới sự gia tăng các dòng vốn trong những năm gần đây, dẫn tới sự gia tăng nợ công và nợ tư nhân. Gần đây, nhà kinh tế Martin S. Feldstein đã lưu ý rằng, tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thâm hụt của Mỹ trên thực tế là món quà lớn cho nền kinh tế và người dân nước này, cho phép họ tiêu thụ 24% số năng lượng trên thế giới, mặc dù dân số Mỹ chỉ chiếm 5% dân số toàn cầu.
Theo quan điểm của Trung Quốc, để duy trì nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cần phải hạn chế tiêu dùng trong nước. Theo các mô hình tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà sản xuất và xuất khẩu như tỷ lệ lãi suất thấp, tỷ giá hối đoái thuận lợi, tiền lương thấp, chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, giảm thuế xuất khẩu và đầu tư tối thiểu vào an sinh xã hội như chăm sóc y tế và giáo dục.
Điều quan trọng là hiểu rõ bản chất của sự mất cân bằng, ai đang đứng trước nguy cơ và ai là người chịu tổn thất? Theo quan điểm của Mỹ, những tổn thất và rủi ro phát sinh từ những người thất nghiệp và các nhà máy bị đóng cửa ở Mỹ. Còn theo quan điểm của Trung Quốc, mối lo ngại lớn nhất nằm một phần ở chính phủ nước này. Chính phủ Trung Quốc hiện đang nắm giữ một tỷ lệ đáng kể các khoản nợ của Mỹ và đang lo ngại về khả năng trả nợ của chính phủ nước này.
Vì vậy, không quá khó khăn để thấy rằng, cả người dân Trung Quốc và Mỹ đang là những “nạn nhân thực sự” của sự mất cân bằng toàn cầu. Điều quan trọng hơn là cuộc tranh chấp lớn về sự lựa chọn chính sách điều chỉnh mất cân bằng toàn cầu đang là câu hỏi cho các nước cần phải điều chỉnh. Một cách tiếp cận đối xứng là cần thiết. Các nước bị thâm hụt cần tăng tỷ lệ tiết kiệm và củng cố ngân sách chính phủ, trong khi các nước có thăng dư phải tăng lương và nhu cầu trong nước.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com