Với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp hiện đang không thể tiếp cận với vốn ngân hàng. Ảnh: Lê Toàn |
Nhiều doanh nghiệp đang lắc đầu trước các mức lãi suất cho vay quá cao mà ngân hàng đưa ra, khiến tín dụng của nhiều ngân hàng trong quý 1 gần như không tăng nổi.
Doanh nghiệp quay lưng Hiện nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất cho vay trung dài hạn lên đến mức 18-19%/năm, mức mà khó có doanh nghiệp nào chấp nhận được. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết nhiều doanh nghiệp đang phản ứng rằng lãi suất cho vay của ngân hàng quá cao khiến doanh nghiệp không muốn vay. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, than thở: “Với mức lãi suất hiện nay các nhà sản xuất không thể chịu nổi. Mức lãi suất cao này chỉ có doanh nghiệp thương mại quay vòng vốn nhanh mới chịu vay thôi. Từ lúc ngân hàng nâng lãi suất lên 15%/năm, tôi đã trả hết nợ và không vay nữa”. Ông Thanh cho hay thông thường mức lãi suất mà các doanh nghiệp như ông có thể làm ăn được là dưới 10%/năm, mức dưới 12% là có thể chấp nhận được nhưng hạn chế vay chừng nào tốt chừng ấy. “Kinh tế thế giới chỉ mới có dấu hiệu hồi phục, còn bấp bênh lắm, nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngày xưa mỗi lần ký hợp đồng là ký luôn một năm, giờ tôi chỉ dám ký mỗi sáu tháng, không dám liều nữa”, ông nói. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn, cho biết hiện nay các ngân hàng đang cho vay với lãi suất 17-18%/năm cho các khoản vay trung dài hạn thì doanh nghiệp không chịu nổi, trong khi cho vay ngắn hạn với lãi suất 12% thì rất nhỏ giọt. “Với cơ chế lãi suất như thế, hiện đang có một lực cản nguồn vốn ngân hàng đến được với doanh nghiệp”, ông nói. Ông Mạnh cho biết các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng rất khó khăn, phải huy động hết nguồn vốn bên ngoài như người thân, bạn bè… để chống đỡ, nhưng nếu Chính phủ không làm gì để cải thiện tình trạng lãi suất hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ trở nên điêu đứng. “Xăng, điện, sắt thép, nguyện liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng đều tăng, trong khi giá thành sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài không thể điều chỉnh tăng mạnh một lần. Trong khi đó, lãi suất vay quá cao khiến nhiều dự án sản xuất của doanh nghiệp không thể thực hiện được, doanh nghiệp không thể đầu tư hiện đại hóa sản xuất, sẽ dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới”, ông Mạnh nói thêm. Ngân hàng cũng gặp khó Tăng trưởng tín dụng của toàn địa bàn TPHCM, nơi chiếm thị phần cho vay khoảng 1/3 cả nước, trong ba tháng đầu năm chỉ là 0,37% với lý do được khá nhiều ngân hàng đồng tình là doanh nghiệp đang e ngại vay vốn với lãi suất như hiện nay. Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM, cho biết trong quý 1 năm nay, mức tăng tín dụng của ngân hàng ông không được khả quan, lý do là các doanh nghiệp cảm thấy không đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh với mức lãi suất hiện nay. Lý giải việc tăng trưởng tín dụng chậm, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết trong các tháng đầu năm, lãi suất ngân hàng không được ổn định do Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn nên các doanh nghiệp cũng tỏ ra khá chần chừ và có tâm lý chờ xem tình hình thế nào rồi mới vay. Bà Vân cũng thừa nhận rằng năm nay là năm rất khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. “Năm 2009, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4%. Năm nay, vừa không được hỗ trợ lãi suất, lại còn phải gánh thêm phần lãi suất cho vay tăng cao nên nhiều doanh nghiệp rất cẩn trọng khi vay vốn ngân hàng”, bà Vân nói. Để hỗ trợ khách hàng, một số ngân hàng đã hướng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang vay đô la Mỹ, lãi suất hiện chỉ khoảng 6-7%/năm. Vì thế, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng trong quý 1 tăng mạnh đến 7,2% so với cuối năm 2009, trong khi cho vay bằng đồng Việt Nam lại giảm 1,81%. Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho biết thực tế trong hai tháng đầu năm nay dư nợ của ngân hàng ông có giảm chút ít và chỉ vừa tăng khá trở lại vào hai tuần cuối tháng 3. Ông Toàn giải thích nguyên nhân là do năm nay, kỳ nghỉ Tết khá dài nên các ngân hàng không cho vay được nhiều cũng như thông tin kinh tế vĩ mô các tháng đầu năm không mấy thuận lợi khiến các doanh nghiệp e ngại khi triển khai các hoạt động kinh doanh. “Tuy nhiên, hiện nay thị trường đã ổn định phần nào, và trong các tháng tới ACB sẽ đẩy mạnh nhiều chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp. Tháng 4 và 5, tăng trưởng tín dụng của ACB dự báo sẽ khá hơn nhiều so với tháng 3”, ông Toàn nói. Ông Toàn cũng dự báo lãi suất ngân hàng thời gian tới có thể sẽ hạ nhiệt. “Lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây đã có tín hiệu giảm xuống phần nào cho thấy xu hướng ổn định của mặt bằng lãi suất thời gian tới. Nếu Ngân hàng Nhà nước có cơ chế quản lý tốt, lãi suất ngân hàng sẽ giảm dần”, ông nói. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cũng cho rằng theo cơ chế thị trường, nếu các doanh nghiệp không chấp nhận vay với mức lãi suất như hiện nay, chắc chắn ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất trong thời gian tới.
(Theo Thủy Triều // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com