Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm gì để giảm thâm hụt ngân sách?

Minh họa: Khều

Thâm hụt ngân sách nhiều năm giữ ở mức trên 5% và đang có xu hướng tăng, thậm chí có thể trên 10%. Thực tế này cho thấy khó có thể thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giảm dần bội chi ngân sách.

Thâm hụt thực còn cao hơn nhiều

Hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về con số thâm hụt ngân sách ở Việt Nam. Các chuyên gia tư vấn chính sách quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhiều lần cảnh báo Chính phủ về tỷ lệ thâm hụt ngân sách quá cao và không bền vững.

Con số thâm hụt thực cũng được đánh giá cao hơn nhiều so với con số do Chính phủ công bố. IMF cho rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 lên đến 9%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho là 9,8%, khác với con số 6,9% mà Việt Nam đưa ra.

Về vấn đề này, tuy Chính phủ chưa chính thức công nhận, nhưng các nhà hoạch định chính sách tài khóa của Bộ Tài chính cũng đã cho biết có sự khác biệt trong cách tính bội chi ngân sách của Việt Nam và thế giới.

Nhiều khoản thu, chi để ngoài bảng cân đối ngân sách như: huy động bằng trái phiếu chính phủ lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng chi cho giáo dục, y tế, thủy lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng của các địa phương, hay các khoản vay và cho vay lại rất lớn của Chính phủ.

Mục đích cho vay lại của các khoản này cũng không rõ ràng, phần lớn là cho doanh nghiệp nhà nước vay nên chứa đựng nhiều rủi ro. Nhiều nguồn thu tại địa phương, ngành như xổ số, phí, lệ phí cũng không được đưa vào cân đối ngân sách đầy đủ.

Mặt khác, năm nào Chính phủ cũng tạm ứng ngân sách từ nguồn của Ngân hàng Nhà nước, cho phép không hạn chế chuyển nguồn ngân sách nhà nước từ năm trước sang năm sau làm cho cân đối ngân sách càng không đúng thực chất. Vì vậy, để đánh giá đúng tình trạng thâm hụt ngân sách ở Việt Nam, điều quan trọng hàng đầu là có cách tính đúng, đầy đủ, phản ánh chính xác tình hình tài khóa của Việt Nam. Trên cơ sở đó mới có thể có chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý, mang lại những tác động tích cực và lâu dài, chứ không thể chỉ kiểm soát lạm phát bằng chính sách giá cả, tỷ giá và tiền tệ như hiện nay.

Mối nguy lớn

Để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ phải tăng thuế hoặc phải vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Cả hai hành động này đều tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa năm 2011, cân đối ngân sách sẽ phải tiếp tục chịu sự tác động của gói kích thích phát triển kinh tế đã giải ngân khoảng 15.000 tỉ đồng từ năm 2009, vốn ODA cho Việt Nam cũng có xu hướng giảm vì các nhà tài trợ lo ngại về tình trạng nợ nần của Việt Nam quá lớn sẽ làm mất cân đối vĩ mô.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn, thực hiện nhiều cam kết WTO và cam kết đa phương, song phương về giảm thuế nhập khẩu thì nguồn thu ngân sách chỉ còn trông chờ vào tăng thuế trong nước. Tuy nhiên, nếu tăng thuế doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng chi phí nhiều hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu tăng thuế thu nhập cá nhân thì mức tiêu dùng sẽ giảm, làm giảm một phần tổng cầu, lập tức sẽ tác động tiêu cực đến động lực phát triển của nền kinh tế, tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

Theo IMF, Việt Nam nên thực hiện một kế hoạch củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để tạo không gian tài khóa, đồng thời nên cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 5% GDP trong năm 2011 và khoảng 3% vào năm 2015. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục tăng ngân sách bằng cách vay nợ trong nước và nước ngoài.Điều đáng lo là mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao, vào khoảng 18%. Điều này không những không hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh mà còn khiến họ lao đao. Nhất là trong những tháng cuối năm 2010, nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn, để tồn tại, nhiều doanh nghịêp phải chấp nhận vay vốn với lãi suất cao, vì thế rủi ro sẽ càng lớn.

Việc vay nợ nước ngoài đã diễn ra nhiều năm nay và có xu hướng ngày càng tăng, tuy về ngắn hạn có thể tài trợ cho thâm hụt cán cân thanh toán. Tuy nhiên, việc vay nợ nước ngoài thường xuyên và quy mô ngày càng tăng có thể dẫn tới những rủi ro rất cao như từng thấy ở các nước Mỹ Latinh những năm 1980-1990.

Việt Nam đang trong giai đoạn duy trì tăng trưởng cao nên nhu cầu đầu tư lớn là đương nhiên và đúng quy luật. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển đến mức độ nào là hợp lý cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong tổng thể chính sách vĩ mô. Đến nay Việt Nam vẫn chưa có chiến lược thực hiện giảm thâm hụt ngân sách trung và dài hạn, việc dự toán ngân sách hàng năm vẫn mang tính đối phó cấp thời, không có lộ trình thực hiện giảm thâm hụt ngân sách.

Các mục tiêu chính sách của các bộ ngành, địa phương bị đẩy vào ngân sách một cách ồ ạt, thiếu sự lựa chọn hợp lý. Ngành nào, địa phương nào cũng kêu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu nhưng đầu tư, phát triển thì phân tán, chỗ nào cũng đầu tư nhưng không đủ vốn nên hiệu quả rất thấp, lãng phí diễn ra khắp nơi.

Yêu cầu minh bạch

Vì tiền ngân sách là tiền của dân, nên việc chi tiêu đồng tiền này phải được minh bạch đến từng đồng. Vấn đề này cần được nhận thức sâu sắc hơn. Để giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ cần minh bạch hơn, rạch ròi hơn về chi tiêu cho lĩnh vực công, làm rõ hiệu quả đầu tư, tách bạch hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, ngăn chặn chi tiêu công theo kiểu “tiền chùa”. Việc công khai, minh bạch chi tiêu ngân sách sẽ giúp lập dự toán ngân sách hợp lý, loại bỏ được các khoản không thực sự cần thiết. Quy trình lập ngân sách cần được thay đổi theo hướng dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải dựa vào đầu vào như hiện nay. Đồng thời, việc lập ngân sách cần có định hướng vì lợi ích chung, hạn chế tối đa lợi ích cục bộ để kiểm soát tốc độ tăng chi, nếu không tình trạng thâm hụt ngân sách khó cải thiện.

Ngoài ra cần minh bạch, làm rõ việc sử dụng các tài sản của Chính phủ, các khoản nợ, bảo lãnh của Chính phủ để “làm sạch” tình hình tài chính của quốc gia, từ đó giảm được thâm hụt trên thực tế. Bên cạnh đó, cần phân biệt giữa hỗ trợ và đầu tư, kiên quyết loại bỏ các chính sách hỗ trợ tín dụng qua các kênh ngân hàng chính sách, bởi một khi chính sách còn mập mờ, như các chương trình mục tiêu quốc gia, thì hiệu quả đầu tư sẽ rất thấp, là khoảng trống cho tham nhũng phát triển. Chính phủ cũng nên cảnh giác với các hiện tượng tăng giá cục bộ trên thị trường bất động sản, hạn chế việc các ngân hàng cho vay chứng khoán, tránh để nợ quốc gia vượt ngưỡng an toàn, gián tiếp tác động đến chính sách tài khóa về trung và dài hạn.

Về dài hạn, để giảm thâm hụt ngân sách, cần sửa đổi toàn diện các quy định pháp luật về thẩm quyền lập và thực hiện chính sách tài khóa của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, tập trung quyền quyết định vào một cơ quan (Quốc hội), Chính phủ chỉ thực hiện các quyết định ngân sách đã được Quốc hội thông qua.

Về bộ máy hành chính, cũng nên xem lại sự phân cấp quá mạnh như hiện nay dẫn đến mất kiểm soát. Có quá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình phân cấp này như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương, Bộ Tài chính,... nên vấn đề quy trách nhiệm càng khó khăn. Trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân được giao quyền trong bộ máy hành chính thực hiện nhiệm vụ của chính sách tài khóa cũng phải được siết chặt, để từ đó có thể quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ngân hàng muốn gì ở chính sách?
  • Nợ dưới chuẩn hiện thế nào?
  • Sáu xu thế lớn của tài chính thế giới năm 2011
  • “Liều thuốc” vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất
  • Chính sách tiền tệ: Sự vô lý của tỷ giá
  • Cần có mức trần cho lãi suất ngoại tệ
  • Ba yếu tố "cản" thị trường trái phiếu
  • Doanh nghiệp FDI khai lỗ toàn là “ông lớn”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!