Công khai, minh bạch, xoá bỏ tình trạng “hai giá”, cân nhắc độ trễ của chính sách là những vấn đề mà thành viên thị trường đang mong đợi.
Công khai, minh bạch thông tin
Công khai, minh bạch thông tin về chính sách tiền tệ đang là yêu cầu của thị trường đối với các cơ quan quản lý. Trong những văn bản hướng dẫn luật Ngân hàng Nhà nước 2010, vấn đề công bố thông tin cũng đang được các đơn vị chức năng của ngân hàng Nhà nước dự thảo.
Một số ngân hàng thương mại lớn đề nghị ngân hàng Nhà nước thông báo xếp hạng tài chính đối với các ngân hàng thương mại để người gửi tiền nhận thức được rủi ro khi gửi tiền vào các ngân hàng có những mức lãi suất cao bất thường.
Minh họa (IE) |
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại đề nghị các đơn vị chức năng của ngân hàng Nhà nước cần có sự tham khảo rộng rãi từ phía các đối tượng thi hành (TCTD, tổ chức có hoạt động ngân hàng) khi dự thảo các văn bản quản lý. Cơ chế, chính sách phải tiếp cập với thông lệ quốc tế.
Dư luận nói chung và các thành viên của thị trường cũng đề nghị phát ngôn về chính sách tiền tệ thì chỉ nên được thực hiện bởi ngân hàng Nhà nước – cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng – đồng thời là thành viên của Chính phủ. Tránh việc các cơ quan khác phát ngôn thay ngân hàng Nhà nước, gây ra những thông tin trái chiều, làm nhiễu thị trường.
Về vai trò của hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhiều ý kiến cho rằng năm 2011 khi hai luật ngân hàng đã có hiệu lực, đã có những điều khoản để ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp khi thị trường có dấu hiệu bất thường thì VNBA không nên đưa ra các mức lãi suất đồng thuận nữa mà chỉ tập trung vào vai trò phản biện, góp ý chính sách.
Cân nhắc độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ
Thông điệp mà Chính phủ đưa ra cho năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát (CPI tăng không quá 7%). Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước năm 2011 cũng được xác định: tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 21 – 24%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 23% (chỉ tiêu tương ứng năm 2010 là 29,8% và 25,3%). Như vậy, có thể thấy tín hiệu thắt chặt tiền tệ đã được đưa ra rõ ràng ngay từ đầu năm.
Theo thông điệp từ ngân hàng Nhà nước thì về chủ trương, năm 2011 vốn ngân hàng chủ yếu vẫn tập trung vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh, hạn chế cho vay các lĩnh vực phi sản xuất. Có thông tin cho biết ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo rủi ro trong cho vay bất động sản và không khuyến khích tăng trưởng tín dụng ở khu vực này.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng độ trễ chính sách bao giờ cũng từ sáu đến chín tháng. Vì vậy, thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát (đồng nghĩa thắt chặt tiền tệ) ở mức độ nào cũng phải cân nhắc những ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.
Xoá bỏ tình trạng “hai giá”
Tình trạng “hai giá” trong lãi suất và tỷ giá đã khiến các tổ chức tín dụng và khách hàng mệt mỏi, thị trường tiền tệ không minh bạch. Các ngân hàng thương mại đều mong muốn đưa lãi suất và tỷ giá về một giá trong thời gian sớm nhất có thể. Ngay trong những ngày này, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư đang trông chờ thông báo chính thức của ngân hàng Nhà nước về hai vấn đề.
Một là cơ chế điều hành lãi suất có cho thả nổi lãi suất trong điều kiện bình thường hay không; nếu chưa thì việc giữ mặt bằng lãi suất ở một mức trần định hướng bằng cách nào; ngân hàng Nhà nước ra mệnh lệnh hành chính hay vẫn đồng thuận giữa các thành viên hiệp hội Ngân hàng.
Hai là việc công bố về định hướng tỷ giá. Tâm lý thị trường vẫn kỳ vọng sự thay đổi về biên độ tỷ giá theo hướng thu hẹp hơn nữa chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường.
Đã có những ý kiến cho rằng, giải pháp lãi suất nên được đưa ra là từng thời kỳ (có thể từng tháng hoặc quý), các thành viên hiệp hội Ngân hàng bàn bạc (thương lượng) để đồng thuận một mức lãi suất trần huy động VND phù hợp với cung – cầu vốn và chỉ số lạm phát, rồi VNBA đề nghị ngân hàng Nhà nước hỗ trợ giám sát thực hiện đồng thuận.
Hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất trong quý 1/2011 vẫn ở mức cao và Thống đốc ngân hàng Nhà nước khẳng định khi nào có dấu hiệu CPI giảm, ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái mạnh (ấn định lãi suất?) để giảm lãi suất.
Về tỷ giá, ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường, chính sách tỷ giá gắn với diễn biến lãi suất VND và lãi suất ngoại tệ. Ý tứ cho thấy có thể trong năm 2011 ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh (về biên độ?) để kéo gần hơn sự chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường chính thức và phi chính thức.
Dứt khoát khi dùng biện pháp hành chính
Luật Ngân hàng 2010 đã cho ngân hàng Nhà nước nhiều quyền hạn hơn trong việc ra các quyết định hành chính.
Ví dụ, Điều 12 cho phép trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng về dài hạn phải dùng biện pháp thị trường để điều chỉnh thị trường nhưng trong ngắn hạn (cụ thể năm 2011), các biện pháp hành chính vẫn rất cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, nếu đã dùng biện pháp hành chính thì phải dứt khoát, không nửa vời.
(Nguồn SGTT)// BeeNet
------------------------------------------------
Dự trữ ngoại hối Việt Nam giảm còn 13,6 tỷ USD
Citigroup dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên 11% trong nửa đầu năm 2011 để gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối.
Citigroup cho biết dự trữ ngoại hối tính đến cuối năm 2010 của Việt Nam giảm xuống còn 13,6 tỷ USD từ mức 14,1 tỷ USD trong tháng 9 và 23,9 tỷ USD trong năm 2008. Được biết, dự trữ ngoại hối là nguyên nhân gây nên mối quan ngại về sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Hai nhà nghiên cứu Johanna Chua và Ben Wei của Citigroup tại Hồng Kông nhận định trong báo cáo được công bố trong ngày 21/01 rằng: “Chúng tôi dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục trì trệ trong một thời gian nữa”.
Theo hai nhà nghiên cứu trên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam “chỉ phục hồi khiêm tốn trong năm 2011”. Cụ thể, dự trữ ngoại hối có thể tăng lên 13.8 tỷ USD vào cuối năm nay và 17,1 tỷ USD vào cuối năm 2012.
Theo Citigroup, nguồn dự trữ của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các chính sách ứng phó chậm chạp trước một số vấn đề như thâm hụt thương mại, thiếu hụt thanh khoản trên thị trường tiền tệ và dòng vốn ngoại “đáng thất vọng”.
Ông Johanna Chua và ông Ben Wei cho rằng: “Việc ngăn chặn sự suy giảm của nguồn dự trữ ngoại hối là một quá trình từ từ và áp lực sẽ còn kéo dài”.
Hai nhà nghiên cứu trên dự báo tỷ giá VND chính thức có thể giảm tiếp 3% trong quý đầu năm nay.
Theo hai ông: “Với sự thiếu hụt USD, sự thu hút của kênh đầu tư vàng và sự bất ổn vĩ mô; VND sẽ còn chịu nhiều sức ép. Niềm tin vào VND vẫn còn rất thấp”.
Được biết, vào tháng 12/2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 9 của Việt Nam vẫn còn thấp khi chỉ bằng 1.8 tháng nhập khẩu.
Theo Moody’s, nguồn dự trữ ngoại hối ngày càng suy giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến tổ chức này hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tháng 12 vừa qua.
Trong báo cáo tháng trước, Moody’s nhận định nguyên nhân khiến nguồn dự trữ giảm sút là do thị trường dự báo rằng VND sẽ tiếp tục mất giá và lạm phát sẽ leo thang ngày càng mạnh. Cơ quan này cho biết nguồn dự trữ sẽ tiếp tục suy giảm hơn nữa “do các chính sách đang được áp dụng hiện nay”.
(Theo Bloomberg)//BeeNet
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com