Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần có mức trần cho lãi suất ngoại tệ

Cuộc đua lãi suất ngoại tệ lại nóng lên khi SCB nâng lãi suất USD cao nhất lên 6,3%/năm. Điều này cho thấy, nhiều ngân hàng đã "lách" sang huy động ngoại tệ khi vốn tiền đồng trở nên hạn hẹp.

Đồng thời, nhu cầu vốn ngoại tệ có dấu hiệu tăng dịp cận Tết và các nhà xuất, nhập khẩu vẫn muốn chọn vay vốn bằng USD để tránh áp lực lãi suất thỏa thuận tiền đồng đang "neo" ở mức cao.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng DN vẫn có xu hướng tăng trong tháng cận Tết Nguyên đán. Trong đó, vốn ngoại tệ cũng được nhiều DN, nhất là các nhà xuất, nhập khẩu chọn vay. ACB hỗ trợ lãi suất cho khách hàng DN vay vốn bằng USD ở mức 6,8%/năm. Theo ông Toàn, trong tuần này, ACB sẽ đưa ra chương trình hỗ trợ vốn vay bằng ngoại tệ cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu với lãi suất ưu đãi còn 6%/năm.

Tuy nhiên, ACB cũng có sự chọn lọc khách hàng trong quá trình cung ứng vốn bằng ngoại tệ và ông Toàn cho biết, chỉ tập trung hỗ trợ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Để thu hút được nguồn vốn ngoại tệ, hiện ACB áp dụng mức lãi suất tiết kiệm USD tương đối cạnh tranh so với mặt bằng chung. Mức lãi suất huy động cao nhất được ACB áp dụng cho tiết kiệm USD là 5,1%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.

VietBank chỉ trong một tuần qua đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ, với mức cao nhất đang duy trì là 6,2%/năm cho kỳ hạn 1 - 3 tháng. Việc tăng mạnh lãi suất huy động ngoại tệ được ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng lý giải, trong thời gian cuối năm 2010 và đầu năm 2011, nhiều khách hàng của VietBank có nhu cầu vay USD. Do đó, Ngân hàng tăng lãi suất huy động để tìm nguồn USD đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông Hưng còn cho biết, mục đích vay ngoại tệ của khách hàng chủ yếu tập trung vào nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Vì thế, theo ông Hưng, khi đưa ra mức lãi suất 6,2%/năm, VietBank đã tính toán kỹ số ngoại tệ cần huy động. Đồng thời, mức lãi suất này có thể thay đổi theo hướng giảm trong thời gian tới. "Theo tôi, mỗi ngân hàng có chính sách huy động khác nhau, phù hợp với tình hình hoạt động của mình để đảm bảo hiệu quả kinh doanh", ông nói.

Tuy nhiên, diễn biến của lãi suất huy động ngoại tệ hiện nay khiến không ít người liên tưởng đến khả năng các nhà băng khó thu hút được vốn tiền đồng do bị khống chế ở mức trần 14%/năm, nên phải nâng lãi suất USD để thu hút vốn, sau đó bán lấy tiền đồng cho vay ra. Trên thực tế, nhu cầu vốn của khách hàng dịp cận Tết Nguyên đán luôn cao hơn so với các tháng trong năm và đây chính là cơ hội để các nhà băng tăng trưởng dư nợ. Song trước áp lực lạm phát đang ở mức cao, lãi suất tiền đồng không thể điều chỉnh giảm. Cạnh tranh về huy động vốn cũng ngày một gay gắt hơn khi các ngân hàng phải thực hiện nghiêm những quy định của Thông tư 19/2010/TT - NHNN về việc chỉ được sử dụng 80% vốn huy động cấp tín dụng. Vì thế, bằng mọi cách, các nhà băng đang tăng cường huy động vốn. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng ngoài việc phải khống chế trần 14%/năm thì nguồn nội tệ nhàn rỗi cũng cạn dần ở tháng cận Tết, nên ngân hàng phải chuyển sang huy động USD. Do đó, theo các chuyên gia tài chính, cần có mức trần cho lãi suất ngoại tệ.

Lãnh đạo một ngân hàng quy mô tương đối lớn và có thế mạnh trong lĩnh vực tài trợ vốn cho DN xuất, nhập khẩu cho hay, nhu cầu vốn ngoại tệ của khách hàng hiện không quá đột biến. Việc tăng lãi suất huy động USD hiện nay có thể là động thái nhằm gia tăng tính hấp dẫn để thu hút nguồn kiều hối ở lại ngân hàng để mở rộng cho vay sau Tết.

Một cán bộ cấp cao của ngành ngân hàng cho rằng, so với năm 2010, nhiều chỉ tiêu được các ngân hàng đưa ra cho năm nay cao hơn. Trong đó, phải kể đến chỉ tiêu lợi nhuận, nhất là với các ngân hàng vừa tăng mạnh vốn điều lệ trong năm qua. Để đạt được điều này, nhiều ngân hàng đã giao chỉ tiêu xuống từng chi nhánh. Vì thế, ngay từ đầu năm Dương lịch, các ngân hàng, thậm chí giữa các chi nhánh trong cùng một ngân hàng đã cạnh tranh khốc liệt, với kỳ vọng huy động được tiền nhàn rỗi đẩy mạnh hoạt động cho vay để đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Mặt khác, theo vị cán bộ trên, việc các NHTM tăng tốc huy động USD là do trong năm qua đã đẩy mạnh dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ nên huy động vốn một phần cũng để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng thanh toán các hợp đồng tín dụng ngoại tệ cũ chuẩn bị đến hạn. Tuy nhiên, nếu khách hàng không thận trọng khi sử dụng vốn vay ngoại tệ thì rủi ro sẽ rất khó lường.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ba yếu tố "cản" thị trường trái phiếu
  • Doanh nghiệp FDI khai lỗ toàn là “ông lớn”
  • Nợ công nhìn từ nguồn vốn ODA
  • Nhân dân tệ tăng giá: Lo dần không quá muộn
  • Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”?
  • Sở hữu chung cư có thời hạn - hết cơ hội “ôm” chung cư
  • Giảm bội chi ngân sách xuống 5%
  • TTCK mới nổi đã hết thời?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!