Ngân hàng Nhà nước đã có phiên giải trình về lãi suất do Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội tổ chức ngày 25-12. Đây cũng là lần đầu tiên có một cuộc chất vấn, đối thoại “sòng phẳng” như thế giữa người đứng đầu ngành ngân hàng với UBKT Quốc hội, có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập.
Cần thiết đồng thuận lãi suất
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, thực trạng thời gian qua, lãi suất tiết kiệm biến động mạnh là do các ngân hàng chạy đua hút vốn để đáp ứng nhu cầu thanh toán, mua sắm cuối năm và đặc biệt là để giữ thanh khoản trước nguy cơ bị giành giật vốn bởi các ngân hàng khác. Có thời điểm lãi suất niêm yết chỉ là 12%, nhưng các ngân hàng đã đẩy lên khoảng 18%. Lãi suất cho vay vì thế cũng tăng cao, đe dọa khả năng tiếp cận vốn của của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Cũng theo đánh giá của NHNN, tháng 11 và 12 cung vốn giảm do tốc độ tăng tín dụng lớn hơn huy động vốn, quan hệ giữa lãi suất VND - tốc độ tăng của tỷ giá - lãi suất USD có chênh lệch âm (- 2,38%), khác với các năm gần đây đều dương là do thanh khoản trên thị trường nội tệ liên ngân hàng không dồi dào, lãi suất vẫn có sức ép tăng; các ngân hàng thương mại có nhu cầu lớn huy động vốn dài hạn nhưng thị trường tiền tệ chưa ổn định, người gửi tiền ít gửi kỳ hạn dài (trên 3 tháng) làm cho các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất huy động ở mức cao để tăng khả năng huy động vốn. Việc huy động và tăng lãi suất đột biến nói trên đã tác động đột ngột làm tăng đột biến lãi suất tổ chức tín dụng.
Nguyên nhân khác là do thị trường tiền tệ có biểu hiện chưa ổn định, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống hạn chế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch khá phổ biến, làm cho khách hàng gửi tiền thiếu niềm tin, mặc cả lãi suất tiền gửi... Tất cả những nguyên nhân mà lãnh đạo NHNN đưa ra dường như đã được giới chuyên gia nhận định và đánh giá, cả giới truyền thông cũng đã đưa ra trong một thời gian dài khi mà thị trường tiền tệ ở thời điểm “náo loạn” nhất. Mà nói như lời của TS Nguyễn Minh Phong – Viện Kinh tế xã hội Hà Nội, hỗn loạn nhất chính là ở cuộc đua lãi suất thời gian qua, cuộc đua này trong thị trường tiền tệ đã gây thiệt hại cho toàn nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Phong cũng nhận định thêm rằng, giải pháp đồng thuận lãi suất giữa các ngân hàng tuy không phải là biện pháp tối ưu nhất nhưng ở thời điểm này lại là giải pháp nên lựa chọn nhất. Bởi theo ông Phong, trong bối cảnh nước ta hiện nay thì điều đó là cần thiết.
Ngay từ đầu năm 2011, kiềm chế lạm phát dưới 3,5%
Giá cả những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng cao bất chấp nỗ lực bình ổn của Chính phủ và các bộ, ngành. Tính chung cả năm, chỉ số giá tiêu dùng không chỉ vượt mục tiêu đề ra mà còn tăng với mức 2 con số. Mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2010 là kiềm chế lạm phát khoảng 8% một năm, tuy nhiên đến cuối tháng 12, con số này đã lên tới 11,75%. Vì vậy, đưa ra những biện pháp kiềm chế cho năm 2011 là điều cần phải làm ngay. Theo Báo cáo của NHNN, để kiềm chế lạm phát trong năm 2011, ngay 6 tháng đầu năm cần kiềm chế lạm phát ở mức dưới 3,5% để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không quá 7% - đó là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục ấn định lãi suất huy động vốn theo mức “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát, điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách của NHNN, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước. Đặc biệt, theo NHNN, sẽ kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ như trong năm 2010, đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.
Bên cạnh đó, làm thế nào để luôn ổn định tâm lý, tránh gây hoang mang trong dân chúng nhất là về chính sách tiền tệ, tài khóa.
(Báo Đại Đoàn Kết)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com