“Em mang tiền xu về bỏ ống mà làm kỷ niệm, chị không nhận đâu. Em đi hàng nào trong chợ cũng thế, trả tiền xu người ta còn mắng cho đấy”… chị bán hàng trong chợ Đồng Tâm (Hà Nội) nói khi tôi chìa tiền xu ra mua hành lá.
“Siêu thị trả tiền xu tôi thường cho lại”
Ngày 17/12/2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức phát hành tiền xu có mệnh giá 5.000 đồng, 1.000 đồng và 200 đồng. Gần 4 tháng sau, ngày 1/4/2004, NHNN phát hành tiếp tiền xu loại 2.000 đồng và 500 đồng.
Theo khẳng định của người đứng đầu NHNN bấy giờ, việc phát hành tiền kim loại mệnh giá 500 đồng và 2.000 đồng nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại trong lưu thông phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 9 năm trôi qua, số lượng tiền xu có mặt trên thị trường, tại các điểm giao dịch mua bán gần như vắng bóng. Chị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: Đã từ rất lâu rồi, trong ví đi chợ hàng ngày của chị không còn tiền xu, bởi đồng tiền này không còn được ưa chuộng.
“Đến cả mua hành họ còn không lấy, tiền xu bị chê lắm. Có hôm hết tiền lẻ tôi lấy tiền xu ra trả còn được chị bán hàng cho nợ, chứ nhất định không nhận tiền xu”, chị Thanh nói.
Thử mang đồng tiền xu mệnh giá 1.000 đồng đi mua hành lá, một chị bán hàng trong chợ Đồng Tâm (Hà Nội) nói với tôi: “Em mang tiền xu về bỏ ống mà làm kỷ niệm, chị không nhận đâu. Em đi hàng nào trong chợ cũng thế, trả tiền xu người ta còn mắng cho đấy”.
Còn theo chị Hải Hà, nhân viên văn phòng cho một công ty tại Đê La Thành (Hà Nội): “Hàng tháng tôi thường vào siêu thị để mua văn phòng phẩm cho công ty, thi thoảng được nhân viên siêu thị trả tiền thừa bằng tiền xu tôi thường cho lại hoặc đổi thành kẹo. Giờ chả ai dùng tiền xu nữa, vừa bất tiện, mà đồng tiền xu để lâu còn bị xỉn màu rất xấu”…
Vì sao?
Còn nhớ, những đồng tiền xu ngay sau khi phát hành khá được các tầng lớp nhân dân đón nhận. Những chiếc túi xinh xắn cũng được bày bán nhiều trên các con phố để người tiêu dùng mua về bỏ tiền xu. Và có một vài cái tết, tiền xu còn được ông bà, cha mẹ dùng để làm tiền lì xì cho con trẻ…
Theo một tính toán, đến tháng 5/2005, lượng tiền xu đưa vào lưu thông đã chiếm 1/4 tổng giá trị tiền lẻ đang lưu hành và để tiền xu được sử dụng rộng rãi hơn, cũng trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Chính phủ giảm bớt in tiền giấy mệnh giá nhỏ. Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Bưu điện Sài Gòn và 3 doanh nghiệp nước ngoài bước đầu đã lắp đặt điện thoại sử dụng tiền xu, máy bán hàng tự động.
Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, chiếc máy bán nước ngọt dùng tiền xu đặt trước ga Hà Nội chỉ thu về doanh số khoảng 100.000 đồng/ngày. Và cũng dần dần, tiền xu bị “chối bỏ” trong lưu thông. Em Tùng Anh, học sinh lớp 7 tại Hà Nội cho biết: “Thi thoảng em được bố mẹ cho tiền xu để bỏ lợn, nhưng khi đập lợn ra, tiền xu bị xỉn màu rất xấu. Từ đó bố mẹ không thưởng hoặc mừng tuổi em bằng tiền xu nữa…”.
Lý giải nguyên nhân vì sao người dân không mặn mà với tiền xu, một số chuyên gia cho hay: Thói quen chi tiêu của người dân vẫn là những đồng tiền giấy gọn nhẹ, dễ đút túi, còn tiền xu rất dễ rơi vì kích thước khá nhỏ. Ví dụ, nếu mang ra ngân hàng nộp 5 triệu đồng tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, người dân phải mang 7,7 kg (1 đồng nặng 7,7 gam), còn 5 triệu tiền giấy thì rất nhẹ…
Thừa nhận việc phát hành tiền xu không hiệu quả, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu bày tỏ: Đề án sản xuất tiền kim loại, tôi cũng cho rằng không đạt hiệu quả, việc phát hành tiền kim loại là theo phương án mà vị thống đốc tiền nhiệm trình và được Chính phủ phê duyệt trước đó.
Ông Giàu cho biết thêm, ngay khi về điều hành Ngân hàng Nhà nước, đã nghiên cứu kỹ và yêu cầu ngừng phát hành mới tiền xu, thu hồi những đồng tiền không đảm bảo lưu hành. Tuy nhiên, theo khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, tất cả tiền xu đã phát hành trước đây hiện vẫn còn giá trị sử dụng bình thường.
(Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com