Vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) ở mọi quốc gia luôn là vấn đề nan giải. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2007 đến nay, chính quyền ở nhiều quốc gia đã phải hình thành một cơ quan để kiểm soát và giám sát hoạt động của thị trường, không để giá chạy theo "bong bóng", vượt quá giá trị thực của nhà đất. Điều này lại càng gây khó khăn lớn hơn cho thị trường BĐS.
Nhiều phương thức huy động vốn
Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Phát triển nhà ở và thị trường BĐS - kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam" diễn ra ở Hà Nội mới đây, các đại biểu đã đặc biệt chú ý đến tham luận của Nhật Bản.
Với thị trường nhà đất Nhật Bản, chính phủ nước này khuyến khích các nguồn vốn tư nhân vào phát triển đô thị và hỗ trợ bằng các khoản vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp cho các công ty tư nhân bằng cách trực tiếp tham gia vào dự án của họ, đồng thời tăng cho vay nguồn vốn dài hạn, lãi suất thấp thông qua Ngân hàng Phát triển Nhật Bản.
Còn ở Việt Nam, đa phần nguồn vốn cho thị phần BĐS nhà ở vẫn là từ hệ thống tín dụng ngân hàng và vốn huy động trực tiếp từ người mua nhà.
Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành Mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam khu vực phía Bắc, kiêm Tổng giám đốc CTCP Quỹ đầu tư BĐS VPReit cho biết, hiện có khá nhiều quỹ đầu tư BĐS đang hoạt động, trong đó đa phần là của nước ngoài (chứng chỉ hoạt động quỹ từ nước ngoài, chỉ huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài).
Theo ông Mai, trong 5 năm vừa qua, hoạt động quỹ đầu tư BĐS đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, khối lượng vốn đổ vào thị trường BĐS qua kênh này không lớn, lợi ích chủ yếu mà các quỹ này đem đến cho thị trường BĐS trong nước là thúc đẩy công tác quản lý tài chính đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam.
TTCK là kênh huy động vốn hiệu quả
Nhiều phương thức huy động vốn cho thị trường BĐS đã và sẽ được triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng được các phương thức một cách hiệu quả. Với mặt bằng lãi suất cao hiện nay, việc huy động vốn vào lĩnh vực BĐS rất khó khăn, bởi đặc tính của vốn đầu tư bất động sản là cần thời gian để hoàn vốn, trong khi các ngân hàng đang hạn chế cho vay kỳ hạn dài. Trong điều kiện thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay, khó khăn này càng lớn hơn.
Với nhiều doanh nghiệp, TTCK vẫn được xem là kênh huy động vốn thuận lợi nhất cho thị trường BĐS hiện nay, đây cũng là kinh nghiệm được chia sẻ từ Nhật Bản.
Đã có rất nhiều dự án BĐS gọi vốn trên TTCK và thành công. Nhiều cổ phiếu BĐS đã trở thành các blue-chip của TTCK như HAG, SJS, NTL, TDH... Việc gọi vốn trên TTCK liên quan đến những dự án BĐS cụ thể có nhiều thuận lợi, bởi nhà đầu tư có thể nhận thấy rõ mục đích và quá trình vận động của đồng tiền mà mình đầu tư.
Nhiều dự án BĐS đang có kế hoạch triển khai, chuẩn bị triển khai tiếp tục được chủ đầu tư gọi thêm vốn trên TTCK.
Có thể kể ra đây một số trường hợp: Dự án phát triển đô thị và tái định cư 5A có quy mô lên tới 112,87 héc-ta tại thành phố Sóc Trăng do CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Dầu khí Cửu Long làm chủ đầu tư, cùng nhiều dự án BĐS khác của cùng chủ đầu tư này đang được huy động thêm vốn trên TTCK. Ông Nguyễn Triệu Dỏng, Giám đốc Công ty cho biết, đầu tháng 11/2010, Công ty đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM và sẽ chính thức niêm yết trong thời gian tới".
Ông Huỳnh Cao Nhã, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc 11 cho hay, hiện Công ty đang triển khai một số dự án BĐS tại khu vực TP. HCM như Dự án City Horse quận 2, Dự án Phú Mỹ quận 7, Dự án 7a Thoại Ngọc Hầu, Dự án 49/72 Âu Cơ… "Địa ốc 11 cũng đã nộp hồ sơ và được chấp thuận niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội. Hy vọng, sau khi được niêm yết, Công ty sẽ thu hút được vốn đầu tư để triển khai những dự án triển vọng trên", ông Nhã nói.
TTCK đang khởi sắc trở lại và được nhận định là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS lên sàn gọi vốn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com