Không phải đến kỳ họp của HĐND một số thành phố vừa diễn ra mới “nóng” về vấn đề giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, mà trước đó, các HĐND TP này đã đề cập đến khá nhiều.
Đó là điều rất đáng quan ngại. Không chỉ ở những thành phố đất chật người đông, mà ngay cả những thành phố được coi là “trẻ” cũng bị “bệnh” này. Vậy đâu là lý do và giải pháp cho loại nhà “siêu” không mong muốn này? Và liệu sau quyết tâm được thể hiện qua nghị quyết của các HĐND TP, vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo có được giải quyết triệt để, hay lại là “đánh trống bỏ dùi” rồi đâu lại hoàn đấy?
Bài 1: Phương án xử lý của Hà Nội: Không mới
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2001 đến tháng 5.2010, trên địa bàn các quận, huyện: Tây Hồ, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng có tới 172 trường hợp nhà, đất có kích thước hình học không phù hợp. Nhưng phương án đưa ra nhằm xử lý thì không có gì mới.
Thêm đường, thêm nhà mỏng, nhà méo
Vẫn theo báo cáo của Sở XD Hà Nội gửi UBND TP, riêng quận Thanh Xuân có tới 82 trường hợp và riêng phường Thanh Xuân Bắc có tới 30 trường hợp. Tiếp đến là quận Cầu Giấy (19), Đống Đa (12) và Hai Bà Trưng là 11 trường hợp.
Về nguyên nhân phát sinh loại nhà này, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - đánh giá, việc tổ chức mở đường qua các khu cũ chưa có phương án cụ thể, đồng bộ, khả thi để hình thành mặt phố theo quy hoạch. Sau khi mở đường, do việc đền bù, GPMB thực hiện theo chỉ giới đường đỏ đã để lại các công trình bị cắt xén, các lô đất có kích thước hình học không hợp lý, để lộ ra công trình phụ, tạm..., tạo cơ sở cho việc hình thành các khối nhà siêu mỏng, méo. Tiếp đến, việc tổ chức đền bù chưa thực hiện nghiêm các quy định của TP. Ngoài ra, việc theo dõi quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm khắc các công trình không phép, sai phép không đủ mạnh.
Phương án xử lý... không mới
Về phương án xử lý, Sở Xây dựng cho biết, các trường hợp xây dựng từ năm 2005 đến nay thì đây là các công trình vi phạm TTXD cần được xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, chính quyền các cấp lập phương án xử lý và kế hoạch, thời gian tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, đồng thời thực hiện đền bù thu hồi như quy định. Còn đối với các trường hợp hiện tại là đất trống hoặc nhà tạm, nhà 1 tầng cũ tuyệt đối không cấp phép xây dựng mới, kể cả cấp phép xây dựng tạm.
Ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng đã lên 3 phương án. Phương án 1, TP cần yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị GPMB, UBND các quận, huyện phải thực hiện thu hồi những diện tích nhà, đất có kích thước bất hợp lý hoặc nhỏ hơn quy định ngay trong quá trình GPMB để hợp khối với các công trình liền kề theo quy định. Phương án 2 là khi lập dự án mở đường, giao chủ đầu tư GPMB mở rộng 2 bên đường so với chỉ giới đường đỏ khoảng 50 - 100m để xây dựng các công trình hỗn hợp, văn phòng kết hợp nhà cao tầng. Phương án 3 là tổ chức quản lý xây dựng đồng bộ hai bên tuyến đường theo nguyên tắc: Đền bù GPMB các dự án mở đường không để tồn tại các công trình bị cắt xén, các lô đất không đảm bảo quy cách, kích thước; tổ chức xây dựng theo quy hoạch hoặc văn bản hướng dẫn xây dựng theo quy hoạch kiến trúc; phải trả tiền chênh lệch về đất khi mở cửa ra mặt phố...
Theo chúng tôi, không ít trong những nội dung đề xuất này đã có từ cách đây cả chục năm. Vấn đề là thực hiện nó như thế nào và cốt tử là cần có sự quyết tâm của các cấp chính quyền và của các cơ quan chức năng.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com