Ngày 11-4-2005, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ-UB phê duyệt Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp (CN) chủ lực thành phố Đà Nẵng đến năm 2010, gồm các sản phẩm: lốp ô-tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi-măng của 9 đơn vị là các DN của Trung ương và địa phương đóng tại Đà Nẵng.
Alphanam - một doanh nghiệp SXKD hiệu quả tại KCN Hòa Khánh. |
Qua 3 năm triển khai, có 7 DN được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, đào tạo lao động, chi phí tư vấn, với số tiền hơn 589,4 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ lãi suất đầu tư 308 triệu đồng, hỗ trợ đào tạo cho 263 lượt người 51 triệu đồng, hỗ trợ tư vấn 229,3 triệu đồng (tư vấn thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu…). Các nội dung trong quy chế hỗ trợ tương đối sát với nhu cầu các DN. Quy định về lập hồ sơ trình thẩm định chặt chẽ, nhưng không gây khó khăn cho DN.
Việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng trong quá trình tham mưu UBND thành phố thực hiện chương trình khá phù hợp, nên công tác phối hợp kiểm tra, thẩm định thuận lợi, không chồng chéo. Chương trình thực sự là “liều thuốc tinh thần” động viên DN vượt qua khó khăn thử thách, phát triển đi lên.
Chương trình đã giúp DN mở rộng thị trường sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhờ được cấp mới, cấp thêm một số giấy chứng nhận (như Vinatex được cấp Giấy chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn Quốc tế), nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho 263 lượt người (trong đó Công ty CP Cao su Đà Nẵng 100 lượt người, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ 153 lượt người, Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung 10 người), hỗ trợ tư vấn khoa học kỹ thuật để có kết cấu, đơn pha chế và công nghệ tối ưu trong SX lốp bố chéo không săm 29,5-25 cho Công ty CP Cao su Đà Nẵng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng hệ thống quản lý kỹ thuật công nghệ GGD cho Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, hỗ trợ tư vấn áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng HACCP & BRC 2005 cho Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước…
Từ đó, giúp cho các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và có thêm cơ hội để đưa sản phẩm vào các thị trường mới và các thị trường “khó tính” khác. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của chương trình đã góp phần định hướng, động viên DN thực hiện các biện pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD một cách chuyên nghiệp và bền vững. Công ty CP Cao su Đà Nẵng đang triển khai đăng ký và bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “DRC, HÌNH” trên lãnh thổ Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore cho các dịch vụ thuộc nhóm 12 săm, lốp các loại dùng cho xe cộ, bộ phận phụ tùng bằng cao su; Công ty CP Dệt may 29-3 đang triển khai việc nhận chuyển giao công nghệ và ứng dụng Hệ thống quản lý kỹ thuật công nghệ GGD…
Hầu hết các DN đều có những bước đầu tư mạnh mẽ và hệ quả là sự gia tăng đáng kể về quy mô và sản lượng. Công ty CP Cao su Đà Nẵng giá trị SXCN năm 2008 đạt 747 tỷ đồng, tăng 4,5% và doanh thu đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2007; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm 2006-2008 tăng 12% về giá trị SXCN và tăng 19% về doanh thu.
Một phân xưởng của Công ty Vinatex. |
Giá trị SXCN năm 2008 của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đạt 753 tỷ đồng, tăng 14% và doanh thu đạt 930 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2007; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm 2006-2008 là 22% về giá trị SXCN và doanh thu. Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước năm 2008 đạt 445 tỷ đồng giá trị SXCN, tăng 30% và doanh thu đạt 521 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2007; tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm 2006-2008 tăng 37% về giá trị SXCN và 32% về doanh thu. Công ty CP SX và XNK Dệt may Đà Nẵng năm 2008 đạt 463 tỷ đồng giá trị SXCN, tăng 9% so với năm 2007. Công ty CP XNK Thủy sản miền Trung năm 2008 đạt 300 tỷ đồng giá trị SXCN, tăng 51% so với năm 2007…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, số lượng DN được chọn hạn chế, mức độ tác động của Chương trình chưa cao, chưa tạo ra được không khí thực sự sôi động trong DN toàn thành phố. Một số nội dung ràng buộc hết sức chặt chẽ, nên mặc dù chi phí thực tế của DN rất lớn, nhưng những khoản đủ điều kiện để được hỗ trợ (quyết toán) thì rất hạn chế. Ví dụ, DN rất cần đầu tư kinh phí cho đào tạo cán bộ kỹ thuật cả trong và ngoài nước về nghiên cứu thiết kế sản phẩm, thiết kế mẫu thời trang, đào tạo công nhân ngắn hạn, thợ bậc 1-3… nhưng theo quy chế thì chỉ được hỗ trợ chi phí cho đào tạo công nhân từ bậc 4 trở lên.
Dự kiến đến năm 2010, thành phố sẽ tiếp tục chọn thêm một số sản phẩm chủ lực và một số sản phẩm tiềm năng phát triển thành sản phẩm chủ lực như đồ chơi trẻ em, vải, sợi, động cơ điện siêu nhỏ, bia, thép xây dựng, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí phục vụ ngành điện và thủy điện, thuốc tây và một số dụng cụ y tế. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Công thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong chương trình, quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của DN nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra.
Cụ thể về tiêu thức xác định sản phẩm CN chủ lực. Về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình bao gồm cả hỗ trợ đăng ký sở hữu CN, mở rộng nội dung hỗ trợ đào tạo theo hướng hỗ trợ một phần chi phí đào tạo cán bộ kỹ thuật về thiết kế sản phẩm, thiết kế mẫu thời trang, hỗ trợ đào tạo công nhân từ bậc 3 trở lên, hỗ trợ quảng bá tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...
(Bài và ảnh: Đức Thịnh - Báo Đà Nẵng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com