Có ý kiến cho rằng, sau cuộc khủng hoảng này, các ngân hàng Mỹ sẽ vươn lên lớn mạnh hơn và củng cố vị trí thống lĩnh trên phạm vi toàn cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các ngân hàng Trung Quốc cũng là rất đáng nể.
Đây là nội dung bài viết “Which banks will rule?” (tạm dịch: “Những ngân hàng nào sẽ thống lĩnh?”) của tác giả Rana Forooha mới đây đăng trên tạp chí Newsweek của Mỹ. Trong một cuộc trò chuyện giữa tác giả với Ann Lee - một người từng làm ở lĩnh vực ngân hàng đầu tư Phố Wall và một nhà giao dịch nghiệp vụ phái sinh trước đây, hiện đang giảng dạy bộ môn kinh tế tại Đại học New York - chuyên gia này đã có những nhận định khả quan về triển vọng của ngành ngân hàng Mỹ, bất chấp những khó khăn ở thời điểm hiện nay.
Theo tác giả, ý kiến của chuyên gia Lee không hẳn cho rằng, sau khủng hoảng, các ngân hàng Mỹ sẽ xây dựng lại bảng cân đối kế toán của họ hợp lý và bền vững hơn do họ đã học được những bài học quan trọng từ hoạt động vay nợ thái quá. Thay vào đó, Lee nhận thấy, các ngân hàng của Mỹ đang tận dụng thông minh kế hoạch mua nợ xấu mà Chính phủ Mỹ ban bố cách đây chưa lâu.
Chẳng hạn, Citibank đã trở thành một trong những nhà đầu tư tích cực nhất trong hoạt động mua vào các tài sản độc hại của ngành ngân hàng, trong đó có các loại chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn.
Theo chuyên gia Lee, các tài sản này có thể được vào sổ sách kế toán của Citibank với mức giá trị 80% so với mệnh giá, mặc dù ngân hàng này chỉ mua vào với giá bằng 40% mệnh giá trên thị trường thứ cấp. Sau này, Citibank có thể bán lại tài sản đó với giá bằng 60% mệnh giá và kiếm được một khoản lợi nhuận tương đối, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là bị lỗ 20% giá trị.
Khoản lỗ này đương nhiên do người nộp thuế ở Mỹ phải gánh chịu vì Citibank là đối tượng được Chính phủ Mỹ bơm vốn giải cứu. Đây chính là những gì mà nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz gọi là “chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ”, trong đó các khoản thiệt hại được xã hội hóa, còn lợi nhuận thì rơi vào túi tư nhân.
Nhưng mấu chốt trong sự mạnh lên của các ngân hàng Mỹ sau khủng hoảng chính là thực tế khủng hoảng tài chính đã “nuốt chửng” những nhà băng ốm yếu nhất của nước này như Bear Stearns hay Lehman Brothers, giúp các ngân hàng còn đứng vững gia tăng sự hiện diện trên thị trường thế giới.
Điều này có vẻ trái ngược với hình dung của nhiều người cho rằng, các ngân hàng Mỹ đã thống trị thị trường toàn cầu rồi. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành tài chính thế giới đã tồn tại một trật tự mới.
Theo tờ Financial Times, vào năm 1999, trong số 10 định chế tài chính hàng đầu thế giới xét về giá trị vốn hóa thị trường, có 6 ngân hàng của Mỹ. Trong đó, vị trí số 1 và số 2 thuộc về hai ngân hàng Mỹ là Citigroup và Bank of America. Tuy nhiên, hiện nay, các ngân hàng Mỹ chỉ còn nắm giữ 3 vị trí trong top 10 này, đồng thời, ba vị trí cao nhất thuộc về các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.
Từ năm 1999 tới nay, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các ngân hàng Mỹ có mặt trong top 10 sụt giảm từ mức 1.000 tỷ USD về mức 387 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của các ngân hàng Trung Quốc trong top 10 từ chỗ không có gì đã tăng lên mức 509 tỷ USD.
Nhưng sẽ không thể có được những đánh giá chính xác nếu chỉ căn cứ vào những con số này. Mặc dù có giá trị vốn hóa thị trường khổng lồ, các ngân hàng lớn của Trung Quốc vẫn chủ yếu là những ngân hàng bán lẻ và thương mại ở cấp độ trong nước và chưa tham gia vào mảng hoạt động ngân hàng đầu tư xuyên biên giới mà các định chế tài chính Mỹ đi tiên phong. Và chắc chắn, không một ngân hàng nào của Trung Quốc được xếp vào hàng những “người khổng lồ tài chính” có mọi dịch vụ như Citigroup. Do đó, giá trị vốn hóa thị trường của các ngân hàng Trung Quốc không thực sự phản ánh vị trí của họ trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế này cũng có thể thay đổi. Một quan chức cao cấp của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất của nước này, cho biết, họ có kế hoạch mở rộng lĩnh vực ngân hàng đầu tư và có tham vọng đưa ICBC trở thành một “Citibank” của Trung Quốc. Nhưng dù sao, các định chế tài chính còn non trẻ của Trung Quốc trong tương quan so sánh với các đối thủ phương Tây có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể có được nguồn nhân lực tài năng và các kỹ năng như Goldman Sachs hay Morgan Stanley.
Mặc dù vậy, đến một lúc nào đó, ngành ngân hàng của Trung Quốc cũng bật lên mạnh mẽ trong thế giới tài chính. Một báo cáo tháng trước của Deutsche Bank dự báo, Trung Quốc sẽ kiểm soát 13% thị trường ngân hàng thế giới, 16% thị trường cổ phiếu và 5% thị trường trái phiếu toàn cầu trong 10 năm tới.
Nhưng dù kịch bản đó có xảy ra, Mỹ vẫn sẽ là quốc gia đi đầu trong ngành tài chính. Hiện các định chế tài chính Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất là 31% trong tổng số 196.000 tỷ USD tài sản tài chính của thế giới.
Sắp tới, do sự thắt chặt của các quy chế giám sát, các ngân hàng đầu tư của Mỹ sẽ không được dùng công cụ đòn bẩy nợ (leverage) quá 32 lần so với vốn tự có trong các vụ đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để tin rằng, việc các định chế tài chính hàng đầu của Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế số 1 thế giới, ít nhất trong thời gian trước mắt, là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
( Theo vneconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com