Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lo... thu ngân sách tăng?

Nửa đầu năm 2011, thu ngân sách ước đạt 55,1% dự toán. Các lĩnh vực có số thu lớn nhìn chung đạt khá như thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 50,8%; từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 51,8%; từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48%; từ thuế thu nhập cá nhân đạt 63,7% dự toán…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, trong điều kiện kinh tế không thuận lợi (lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng và tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn…) thì kết quả thu đạt được trong 6 tháng đầu năm có thể nói là khá tích cực.

Kết quả trên có được nhờ vào tăng trưởng kinh tế từ năm 2010 kéo sang những tháng đầu năm 2011, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách; một số khoản thu được là do chuyển nguồn từ năm 2010 sang đạt khá. Đơn cử thu từ chênh lệch thu - chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 6.000 tỷ đồng; thu từ chênh lệch quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của Tập đoàn Viễn thông Quân đội đạt trên 1.700 tỷ đồng…

Đóng góp đáng kể vào ngân sách nửa năm qua còn có thu từ hoạt động khai thác dầu thô đạt 47.030 tỷ đồng, tương đương gần 68% dự toán. Lý do là bởi giá dầu trên thị trường thế giới duy trì ở mức cao, nhờ đó giá bán dầu thô bình quân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 103 USD/thùng, cao hơn 26 USD/thùng so với giá dự toán.

Giúp nguồn thu vẫn ổn định còn có nhiều mặt hàng chịu thuế suất cao có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh. Đơn cử như mặt hàng sắt thép có kim ngạch nhập khẩu tăng 31%, giúp tăng thu 1.600 tỷ đồng; linh kiện điện tử tăng 27% kim ngạch nhập khẩu cũng giúp tăng thu 1.080 tỷ đồng; các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng có kim ngạch nhập khẩu tăng 25,4% giúp tăng thu thêm 1.500 tỷ đồng…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền cho rằng, không tính đến những mặt hàng thiết yếu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng khối lượng nhập khẩu giúp ngân sách tăng thu, việc nhóm hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh có khiến ngân sách tăng thu nhưng lại không mừng.

Chỉ trong quý I, đã có 1,36 tỷ USD được chi ra để nhập khẩu cho nhóm hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu, tức là tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2010. Đơn cử như ô tô, trong 5 tháng đầu năm các loại ô tô dưới 9 chỗ ngồi và xe máy nguyên chiếc đã tăng 70% về lượng; các mặt hàng đá quý, phụ tùng xe hơi... cũng tăng 20% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu không được kiểm soát tốt sẽ làm cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt lớn, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu sức ép tăng vào cuối năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển hết sức quan ngại vì “số thu nội địa tuy đạt mức trung bình của mọi năm (thường đạt từ 51-55% dự toán), nhưng nếu loại trừ yếu tố giá cả hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng do lạm phát, kéo theo doanh thu chịu thuế tăng và số thu ngân sách tăng thì số thực thu tăng không nhiều.

Ngoài ra, thu nội địa tại nhiều địa phương kể từ đầu quý II đã có dấu hiệu giảm sút trong khi tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn; giao dịch bất động sản trầm lắng khiến các khoản thu liên quan đến đất đai giảm theo.

Đây được xem là những thách thức không nhỏ để hoàn thành nhiệm vụ thu đạt 100% dự toán.

Điều đáng lo ngại là ngân sách tăng thu còn có do mức thu từ phát hiện ra tình trạng gian lận thuế và từ phần xử phạt hành chính doanh nghiệp vi phạm các chính sách thuế khi 6 tháng đầu năm có thêm 1.230 tỷ đồng từ khoản này.

Chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp được kiểm toán nhưng số thất thu thuế đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nếu phần lớn trong tổng số 500.000 doanh nghiệp được kiểm toán thì không biết con số thất thu thuế nhà nước sẽ là bao nhiêu?

Thuế và phí hiện đang là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng trên 95% tổng nguồn thu. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách nhà nước bình quân trong giai đoạn 2006 - 2010 là 16,5%, trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng 22,6%.

Theo số liệu của Hội Tư vấn thuế Việt Nam , số lượng doanh nghiệp nhà nước không nhiều, chỉ khoảng 7.500/500.000 doanh nghiệp nhưng số thu ngân sách lại cao nhất trong tổng số các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do việc quản lý tài chính chưa tốt và hiệu quả kinh doanh chưa cao nên tình trạng nợ đọng, thất thu thuế của doanh nghiệp nhà nước đã không còn là hiện tượng cá biệt.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dẫn chứng, riêng trong năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiếm toán báo cáo quyết toán 183/242 doanh nghiệp hoạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước. Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước ở khối tổng công ty nhà nước còn nhiều vấn đề cần quan tâm, làm rõ.

Từ số liệu kiểm toán, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp về ngân sách nhà nước, việc hạch toán kế toán tại những doanh nghiệp này còn nhiều thiếu sót. Vì thế, sau kiểm toán đã làm tăng lợi nhuận trước thuế của số doanh nghiệp được kiểm toán lên tới 805,6 tỷ đồng, tăng thuế và các khoản thu phải nộp vào ngân sách nhà nước là 536 tỷ đồng.

“Con số tăng thu qua kiểm toán nhà nước trên đã tương đương với tổng thu ngân sách trên địa bàn của vài tỉnh nhỏ”, bà Cúc so sánh.

Qua những kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lâp, hầu hết các doanh nghiệp dù ít dù nhiều đều phải điều chỉnh kết quả tài chính, xuất toán các khoản chi sai, tăng thêm doanh thu, giảm tiền thuế được khấu trừ.

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, việc phát hiện gian lận trong kiểm toán thuế không dễ dàng vì gian lận này thường là có chủ định rõ rệt và bằng những thủ đoạn nghiệp vụ rất tinh vi như mua bán hóa đơn, hợp thức hóa các khoản chi phí không có thật, thông đồng giấu diếm doanh thu, thu nhập ngay trên hóa đơn chứng từ, hoặc không lập hóa đơn bán hàng hay lập hóa đơn bán hàng khống, cố ý kê khai hàng hóa nhập khẩu không đúng quy cách, xuất xử hoặc chia lẻ các sản phẩm hoàn chỉnh.

Ông Đinh Trọng Hanh, Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) đưa ra từ số liệu thống kê của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian từ 2006 - 2008, số doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán chỉ đạt trung bình 12%, số doanh nghiệp ngoài nhà nước được kiểm toán trung bình khoảng 0,34%, bình quân chung, số doanh nghiệp được kiểm toán chỉ khoảng… 0,6%.

Qui mô doanh nghiệp được kiểm toán có tỷ lệ quá thấp (khoảng 0,6%) nên chưa thể đánh giá một cách trung thực về tổng thể việc tuân thủ chính sách thuế trong tổ chức thu của cơ quan thuế và trong thực hiện nộp của doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm toán thuế đã tăng, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, tổng số doanh nghiệp được kiểm toán thuế cũng chỉ đạt khoảng 10%. Chỉ với số doanh nghiệp nhỏ nhoi trên được kiểm toán mà thuế thất thu đã lớn như vậy, giả sử 50% doanh nghiệp hoặc nhiều hơn thế nữa trong tổng số 500.000 doanh nghiệp được kiểm toán thì không biết số thất thu thuế sẽ là bao nhiêu?

(Tamnhin)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Cẩn trọng với lách trần lãi suất huy động (kỳ 3)
  • Cảnh giác với lừa đảo cho vay vốn BĐS
  • ADB: Khả năng đồng Nhân dân tệ thay thế USD không lớn
  • Hạ lãi suất OMO: Thông điệp chính sách nào?
  • Giải pháp… thế chấp BĐS tại các ngân hàng nước ngoài!
  • Lách trần lãi suất bằng chiêu đầu tư
  • Giảm lãi suất OMO: Nới lỏng chính sách hay chỉ là điều chỉnh nhất thời?
  • Doanh nghiệp xuất khẩu mệt mỏi với lãi suất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!