Làn sóng đầu cơ tiền tệ đổ vào châu Á đang đẩy giá các đồng nội tệ lên cao và làm gia tăng căng thẳng chính trị-xã hội, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang dựng lên một số rào cản có tính chất bảo hộ mậu dịch.
Luồng vốn nước ngoài đổ vào châu Á phản ánh lòng tin của giới đầu tư vào khu vực, nhưng cũng khiến cho hàng hóa sản xuất ở châu lục này trở nên đắt đỏ hơn và thổi bùng nguy cơ “bong bóng tài sản”.
Hàn Quốc - nơi các bộ trưởng tài chính nhóm G20 gặp nhau trong hai ngày 22 và 23/10 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 trong tháng 11- đã lên tiếng cảnh báo rằng xung đột về tỷ giá tiền tệ đang gia tăng và có thể dẫn tới bảo hộ mậu dịch.
Tranh cãi chính trị đã bắt đầu bùng phát. Nhật Bản viện cớ hành động can thiệp của Hàn Quốc nhằm giảm giá đồng won so với đồng USD để “chất vấn” tư cách chủ tọa các hội nghị G20 của Seoul.
Mỹ, nước đang đối mặt với cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng tới, càng gia tăng sức ép đòi Trung Quốc tăng giá đồng NDT mạnh và nhanh hơn, trong khi Bắc Kinh vẫn quả quyết rằng Washington không được phép sử dụng NDT làm “hình nhân thế mạng” cho những sai lầm kinh tế của Mỹ.
Đồng USD liên tục mất giá do những lời đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ in thêm tiền để bơm vào hệ thống ngân hàng và kích thích tăng trưởng, giảm giá trị của đồng USD. Trong khi Trung Quốc ra sức ghìm giá đồng NDT, nhiều nền kinh tế khác ở châu Á đang bị thua thiệt bởi đồng nội tệ lên giá so với đồng USD. Bất chấp những lo lắng về nợ nần ở châu Âu, đồng euro vẫn trên đà tăng giá so với đồng USD.
Mặc dù đã cắt giảm lãi suất chính thức xuống mức gần như bằng 0% và đã can thiệp vào thị trường ngoại hố, nhưng Nhật Bản cũng không thể ngăn chặn được đồng yên (JPY) tiếp tục tăng giá so với đồng USD.
Thái Lan cũng đã phải kiềm chế dòng vốn nước ngoài đổ vào, sau khi đồng baht đã bị lên giá 10% trong năm ngoái. Nước này đã áp thuế đối với người nước ngoài đầu tư vào trái phiếu, tương tự như Brazil cách đây không lâu.
Những động thái nói trên đang khiến cho bóng ma “cuộc chiến tiền tệ toàn cầu” bao trùm lên các hội nghị của nhóm G20 và các cuộc họp của các nhà lãnh đạo Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương trong những tuần tới.
Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington ước tính luồng vốn ròng tư nhân đổ vào các nền kinh tế đang nổi sẽ lên tới 825 tỷ USD trong năm nay, tăng mạnh so với 581 tỷ USD của năm ngoái. Trong số đó khoảng 343 tỷ USD sẽ được đổ vào châu Á so với 337 tỷ USD của năm 2009 và 122 tỷ USD của năm 2008.
Dòng tiền ồ ạt này đang làm đau đầu các ngân hàng trung ương châu Á vốn muốn nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng lại lo ngại động thái đó sẽ chỉ thu hút thêm sự chú ý của giới đầu cơ tiền tệ nước ngoài.
Do lo ngại chỉ số giá tiêu dùng gia tăng, Singapore đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, khiến giá đồng đô la Singapore (SGD) tăng lên mức cao kỷ lục so với đồng USD.
Không muốn áp đặt các biện pháp hà khắc có thể làm hoảng loạn thị trường, các nhà hoạch định chính sách châu Á xem ra rất kiềm chế trong việc dụng các công cụ chỉ sử dụng một lần nhằm ngăn chặn dòng tiền đổ vào. Tại Thái Lan, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva thừa nhận sự can thiệp tiền tệ mạnh tay sẽ phải trả giá và có thể không mang lại hiệu quả.
Mặc dù cho rằng kiểm soát vốn là "công cụ hợp pháp”, nhưng các chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng kêu gọi các nước cần hợp tác trên cơ sở đa phương để đẩy lui nguy cơ hình thành một "cuộc chiến tiền tệ".
Tuy nhiên, các nhà phân tích của hãng tư vấn Capital Economics vẫn có chung nhận định rằng "sẽ có thêm nhiều hành động can thiệp và tích lũy ngoại tệ ở các nền kinh tế châu Á đang nổi cũng như dùng công cụ mặt pháp lý để hạn chế dòng vốn đổ vào.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com