Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luồng vốn mới cho bất động sản

Trong khi nhà đầu tư trong nước khá im hơi lặng tiếng thì thị trường địa ốc Việt Nam đã chứng kiến sự quay lại của dòng vốn ngoại. Từ đầu quý IV/2010, nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn bất động sản nước ngoài đã công bố thêm nhiều dự án cũng như kế hoạch phát triển các dự án mới tại Việt Nam.

Dòng vốn trở lại

Trong một thông cáo báo chí vào cuối tháng 11 vừa qua, Quỹ Đầu tư Indochina Capital cho biết đã hoàn tất việc huy động quỹ bất động sản thứ 3 với nguồn vốn cam kết 180,3 triệu USD để đầu tư vào thị trường nhà ở tại Việt Nam. Đây là quỹ được huy động đầu năm 2008, nhưng phải tạm ngưng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc huy động đã được khởi động lại trong năm nay và kết thúc vào cuối tháng 10.2010.

Một quỹ khác là VinaCapital cũng có kế hoạch tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2011. Trao đổi với giới báo chí bên lề Hội nghị Các nhà đầu tư VinaCapital 2010 vào ngày 28.10, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư VinaCapital, cho biết, trong 3 năm tới, Quỹ sẽ huy động thêm 600 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, sẽ có một quỹ đầu tư vào bất động sản với trị giá khoảng 300 triệu USD.

Trong khi đó, theo ông Vũ Quang Hiển, Giám đốc Đầu tư Bất động sản của Saigon Asset Management (SAM), Công ty dự định triển khai tiếp quỹ thứ 2 đầu tư vào bất động sản theo hình thức quỹ thành viên.

Không chỉ các quỹ, thời gian gần đây, một số tập đoàn bất động sản nước ngoài cũng đang tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngày 24.11, Công ty Đầu tư Bất động sản CapitaLand Việt Nam cho biết đã thành lập một liên doanh địa ốc với Mitsubishi Estate Asia (MEA) của Nhật và GIC Real Estate (thuộc Quỹ Đầu tư Quốc gia GIC của Singapore) với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD. Trong đó, CapitaLand nắm giữ 50% cổ phần, MEA 25% và GIC Real Estate 25%.

Trước đó, ngày 28.10, CapitaLand đã ký kết thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), nhằm hợp tác phát triển dự án căn hộ tại quận 9, TP.HCM. Tổng vốn đầu tư và phát triển dự án này ước khoảng 40 triệu USD. Trong đó, CapitaLand sở hữu 70% vốn và Novaland đóng góp 30% vốn còn lại bằng quyền sử dụng đất.

Cuối tháng 10.2010, một tập đoàn khác của Singapore là Keppel Land cũng đã ký thỏa thuận liên doanh với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tiến Phước cùng phát triển một dự án tại quận 9, TP.HCM với diện tích 13,5 ha, trị giá 115 triệu USD.

Phân hóa đầu tư


Ông Hiển cho rằng, các quỹ bất động sản tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam vì nhiều lý do. Với tư cách là chủ đầu tư, họ phải cam kết giữ đúng tiến độ triển khai dự án với khách hàng hoặc chính quyền địa phương. Còn với tư cách là nhà đầu tư tài chính, thị trường điều chỉnh giảm chính là cơ hội để đầu tư vào những dự án tiềm năng.

Còn ông Peter Ryder, Giám đốc Điều hành Indochina Land, thì cho rằng, mặc dù vẫn còn những thách thức nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu nội địa và khả năng phục hồi rất thuyết phục. “Bất động sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế như tăng trưởng kinh tế tích cực, cơ cấu dân số hấp dẫn, đô thị hóa nhanh và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu”, ông nói.

Hai năm trước, các dòng vốn ngoại chủ yếu tập trung vào các loại hình bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, hướng đi của các dòng vốn này gần đây đã có sự thay đổi. Dự án dành cho người có thu nhập khá ở quận 9 của CapitaLand với Novaland là một ví dụ.

Theo ông Hiển, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong năm 2011 ở 2 phân khúc chính, đó là nhà ở và thương mại dịch vụ. Ông cũng cho biết, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào mảng nhà ở trung bình, khu phức hợp, trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn 3 sao. Lý do là các phân khúc này đều là nhu cầu thật, phục vụ đối tượng thu nhập trung bình và khá trong nước.

Tuy nhiên, không phải các dòng vốn mới đều rót vào phân khúc trung bình và khá. Keppel Land cho biết sẽ tập trung vào loại hình biệt thự và căn hộ cao cấp. Và theo thông cáo của Indochina Capital, Quỹ sẽ chú trọng mảng nhà ở cao cấp nằm trong những khu trung tâm và ngoại ô tại Hà Nội và TP.HCM.

Đứng ở góc độ kinh doanh, ông Hiển cho rằng, các công ty nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào dòng bất động sản cao cấp là do họ tự tin vào khả năng tạo sự khác biệt trong sản phẩm, thương hiệu và tính chuyên nghiệp của mình. Theo ông Kevin Wong, Tổng Giám đốc Keppel Land, các dự án biệt thự cao cấp vẫn được người mua quan tâm. “Việc Công ty bán hết các căn biệt thự thuộc dự án Villa Riviera (quận 2) là một minh chứng”, ông nói.

Một chuyên gia bất động sản (không muốn nêu tên) cho rằng, sự quay trở lại của các tập đoàn nước ngoài cũng như các quỹ đầu tư sẽ làm gia tăng nguồn vốn và đây là tín hiệu tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ mối lo ngại rằng, nếu các dòng vốn chỉ tập trung vào loại hình bất động sản có nhu cầu thấp như căn hộ cao cấp hay nghỉ dưỡng thì chúng có thể góp phần tạo nên bong bóng bất động sản và làm nền kinh tế mất ổn định

(nhipcaudautu)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!