Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mở “van” vốn để cải thiện công nghệ

Luật tiết kiệm năng lượng sẽ có hiệu lực ngày 1-1-2011, nhiều ngân hàng bắt đầu giải ngân vốn cho doanh nghiệp cải thiện công nghệ.

Hàng loạt nguồn vốn được khai thông giúp các doanh nghiệp thay đổi trang thiết bị, nâng cấp công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, mở rộng công suất, giảm lượng khí thải và chi phí sản xuất.

Ngân hàng mở van

Đi tiên phong việc phát triển nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện công nghệ là Ngân hàng Techcombank. Theo đó, giữa năm 2010, Techcombank và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã ký một hợp đồng hợp tác về tín dụng cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Với tổng cam kết tài chính của toàn bộ chương trình lên đến 50 triệu USD, dự kiến Techcombank sẽ cung cấp các khoản vay tối đa lên tới bảy năm và thời gian ân hạn là hai năm.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng công bố cho vay đến 70% tổng mức vốn đầu tư tài sản cố định của dự án định vay. Các dự án được ưu đãi cho vay gồm: cấp nước sinh hoạt, xử lý nước thải, chất thải, mở rộng nâng cấp thiết bị trong sản xuất... lãi suất cho vay cố định 9,6%/năm. Thời hạn cho vay được xác định tùy theo thời gian thu hồi vốn và khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng tối đa là 12 năm. Vietinbank cũng xây dựng chương trình cho vay và bảo lãnh vốn vay cho các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng khả thi thuộc năm ngành: gạch, gốm sứ, dệt may, giấy-bột giấy và chế biến thực phẩm. Ngân hàng này dành 14,1 triệu USD cho các dự án vay vốn trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại thông thường tối thiểu 4%.

Để cải thiện công nghệ trong thời điểm đầu năm 2011, theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, ngoài các ngân hàng còn có khá nhiều nguồn vốn khác có thể giúp các doanh nghiệp thực hiện dự án của mình. Đơn cử như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TP.HCM có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi, tối đa bằng 50% lãi suất cho vay của ngân hàng và không cần tài sản thế chấp. Quỹ này còn tài trợ không thu hồi cho các dự án với mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện dự án. Điều kiện cho vay khá thoáng: Không cần thế chấp mà chỉ căn cứ vào năng lực công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và hợp đồng sản phẩm sẵn có. Mức cho vay tối đa là 70% giá trị dự toán.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đang có số vốn khoảng 500 tỉ đồng, sẵn sàng cho doanh nghiệp vay để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Doanh nghiệp thiếu thông tin về vốn

Phát biểu trên báo chí, ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Techcombank, cho biết các nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đã thông thoáng hơn, doanh nghiệp có thể đến bất kỳ chi nhánh nào của Techcombank để được tư vấn và hướng dẫn một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất. Sau đó, chuyên gia kỹ thuật của IFC sẽ tư vấn cho doanh nghiệp các phương án áp dụng máy móc thiết bị, hay thiết kế kỹ thuật để đạt hiệu quả tiết kiệm tối đa.

Tại hội thảo giới thiệu giải pháp tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng tổ chức mới đây, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, phân tích rằng hiện nay có nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ và cải tiến kỹ thuật. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp muốn vay vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng chính là thiếu kênh thông tin, không nắm bắt được các chính sách cho vay từ ngân hàng đối với dự án tiết kiệm năng lượng. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch kiểm toán, hoặc xây dựng các dự án không rõ ràng.

Cũng theo ông Tước, ngoài sự thiếu thông tin trong doanh nghiệp, các ngân hàng cũng chưa nắm rõ thông tin về doanh nghiệp có nhu cầu, nguyên nhân vẫn là do thiếu đội ngũ kỹ thuật tư vấn có chuyên môn trong lĩnh vực cải thiện kỹ thuật trong sản xuất, tiết kiệm năng lượng.

* 1.500 tỉ đồng là số vốn đầu tư cho hàng trăm dự án tiết kiệm năng lượng mà Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đã tư vấn trong ba tháng gần đây. Quy mô vốn khoảng 5 tỉ đồng/dự án quy mô nhỏ và khoảng 800 tỉ đồng/dự án quy mô lớn.

* 2.000 tỉ đồng là số vốn đầu tư cho hàng trăm dự án tiết kiệm năng lượng năm 2010 trong cả nước.

(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!