Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mời đầu tư kiểu “sống chết mặc bay”

Các tỉnh mới chú trọng mời gọi và tháo gỡ khó khăn trong khâu cấp phép cho dự án rồi sau đó lại quên luôn nhà đầu tư.

Việt Nam muốn thu hút đầu tư tốt hơn thì cần phải thay đổi cách chăm sóc nhà đầu tư. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia tại buổi thảo luận về việc tăng cường kỹ năng xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng tổ chức ngày 19-8 tại TP.HCM.

Mời gọi thụ động

Ông Hiroo Yamagata, chuyên gia của JICA, nhận xét về công tác xúc tiến đầu tư tại Việt Nam: Một số tỉnh có tích cực nhưng có tỉnh rất thụ động trong việc thu hút vốn đầu tư. Do thụ động nên nhà đầu tư đến ít nhưng địa phương không được góp ý, chỉnh sửa. Điều này dẫn đến không thu hút thêm dự án nào và việc thu hút đầu tư của tỉnh cứ rơi vào vòng luẩn quẩn.

Không chỉ thụ động, công tác xúc tiến đầu tư còn chưa hiệu quả bởi mối quan hệ giữa các ngành trong cùng một tỉnh chưa mạnh. Ông Yamagata cho rằng nếu như Sở Kế hoạch và Đầu tư có mối liên kết chặt chẽ với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thì hồ sơ của một dự án mà có vướng chỗ nào thì cả ba cơ quan này dễ nhìn ra và tháo gỡ được ngay. Còn nếu sở này chỉ biết hồ sơ đang nằm ở sở kia mà không biết tại sao nằm ở đó lâu vậy thì không thể thúc đẩy tiến độ cho dự án.

Ông Yamagata cho hay hai năm trước, JICA có cử chuyên gia đến Hải Phòng và Cần Thơ để tập huấn cho cán bộ xúc tiến đầu tư. Các chuyên gia đóng vai nhà đầu tư và “vặn vẹo” đủ điều để xem các cán bộ xúc tiến có đáp ứng nổi yêu cầu của nhà đầu tư hay không. Sau những lần tiếp cận thực tế, JICA đã soạn ra một cẩm nang cho công tác xúc tiến này, trong đó yêu cầu những cách làm mới, khác xa so với cách làm hiện nay.

Theo sát nhà đầu tư

Ông Yamagata nêu dẫn chứng một nhà đầu tư từng muốn vào Việt Nam nhưng sau đó đã chọn đầu tư sang Campuchia vì lý do đơn giản là giá lao động bên đấy chỉ bằng một nửa. Một thời gian sau, ông Yamagata gặp lại nhà đầu tư này thì họ than phiền rằng tuy giá thấp nhưng năng suất lao động chỉ bằng 60%, tính ra thì chi phí nhân công cũng thế. Điều này cho thấy người làm xúc tiến đầu tư ở Việt Nam không biết cách tiếp thị lợi thế khi bị so sánh về giá nhân công, nếu không đã tìm được thêm một dự án rồi.

Một điều cần nhớ là nhân viên phụ trách xúc tiến đầu tư phải thường xuyên theo dõi, tiếp cận nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động của dự án. Hiện nay, nhiều địa phương chỉ mới chú trọng mời nhà đầu tư đến, tháo gỡ khó khăn trong khâu cấp phép cho dự án nhưng sau đó thì bỏ lửng nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng các địa phương chưa theo sát từng dự án, cũng không có những cuộc gặp gỡ thường xuyên, định kỳ với nhà đầu tư, nhất là những địa phương có số dự án lớn. Do đó, sắp tới sẽ thay đổi cách làm, nhân viên xúc tiến đầu tư phải quan tâm hơn, theo sát để hiểu tâm trạng và khó khăn của nhà đầu tư.

Một cán bộ xúc tiến đầu tư cho biết ở Malaysia, lịch làm việc của nhân viên xúc tiến đầu tư dày đặc bởi các chuyến đi thăm nhà đầu tư. Qua những cuộc thăm viếng này, người xúc tiến có thể biết nhà đầu tư hoạt động thế nào, có gì vướng mắc, để từ đó tư vấn cơ hội mở rộng đầu tư. Quan trọng hơn, việc chăm sóc chu đáo sẽ giúp nhà đầu tư cảm thấy gắn bó hơn với địa phương và mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư khác đến.

Rút giấy phép dự án ì ạch

Bà Vân cho biết ở một số địa phương có hiện tượng cứ thu hút dự án trước đã, sau đó mới điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Sắp tới sẽ đổi cách làm sang hướng chủ động quy hoạch dự án của địa phương phù hợp quy hoạch chung của cả nước.

Ngoài ra, cũng cần cương quyết rút giấy phép đối với các dự án không triển khai. Các địa phương phải rất thận trọng và tinh ý trong việc đánh giá dự án. Nếu thấy dự án chậm đến mức độ không có một chuyển động nào, nhà đầu tư không có khả năng về vốn như đã đăng ký, không có chuyên môn thích hợp, không muốn triển khai dự án... thì phải dứt khoát rút giấy phép dự án đó để dành cơ hội cho những nhà đầu tư tâm huyết hơn.

( Pháp Luật TPHCM)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tại sao thế giới đổ xô mua đồng yên?
  • Ai trục lợi từ khủng hoảng nợ châu Âu?
  • Thị trường chứng khoán: Tại sao phải “tháo chạy”?
  • Phòng thủ chồng chéo
  • Doanh nghiệp bảo hiểm: Vi phạm Luật cạnh tranh, vẫn lỗ
  • Tăng tỷ giá – chuyện đương nhiên và có đáng để lo lắng?
  • Nâng tỷ giá là bước đi đúng
  • Nhà đầu tư thế giới đổ xô mua đồng yên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!