Cuối năm 2009, Quốc hội biểu quyết chỉ tiêu lạm phát trong năm 2010 phải dưới 7%. Đến tháng 5-2010, Chính phủ xin điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không quá 8%. Chắc chắn cuối năm nay các chỉ tiêu này không thể đạt được.
Lạm phát luôn khiến người dân lo lắng. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Giải trình trước Quốc hội ngày 24-11-2010, đích thân Thủ tướng Chính phủ thông báo CPI tháng 11 năm nay đã là 9,58% so với tháng 12-2009.
Mức tăng CPI của ba tháng qua (từ tháng 9 đến tháng 11) lần lượt là 1,31%, 1,05% và 1,86%. Đấy là các mức tăng hằng tháng cao nhất trong vòng hơn chục năm qua.
Các số liệu thống kê của nhiều năm về CPI hằng tháng cho thấy CPI luôn cao trong vài tháng đầu năm rồi giảm dần cho đến quý III và tiếp tục tăng trong mấy tháng cuối năm. Đấy là một hiện tượng mùa vụ thường xảy ra và đã được kinh tế học nghiên cứu từ rất lâu.
Ở Việt Nam hiện tượng này nảy sinh là do cuối năm cầu tăng, sức mua sắm tăng, có tiền thưởng cuối năm, có các đợt tổng kết lấy thành tích năm, lan sang thưởng Tết Nguyên đán, mua sắm Tết vào vài tháng đầu năm sau ...
Như thế, rất có khả năng, CPI của các tháng tới cũng ở mức cao (khoảng 1%). Ngay cả nếu CPI tháng 12 chỉ tăng 0,5% (một con số trong mơ cũng khó xảy ra) thì mức lạm phát của cả năm 2010 thế nào cũng sẽ là hai con số.
Lạm phát trên 10% của năm nay là rất cao suốt chục năm qua, và chỉ thấp hơn lạm phát của năm khủng hoảng 2008.
Lạm phát là một loại thuế trá hình đánh vào tất cả mọi người, nhất là người nghèo.
Có ý kiến giải thích lý do tăng lạm phát: Việc giá cả tăng cao những tháng gần đây trước hết do tác động giá thế giới, do kinh tế trong nước bước đầu phục hồi và tăng trưởng khá. Mặt khác, việc tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế thị trường một số mặt hàng, trước đây, do Nhà nước quản lý giá, cộng thêm với thiên tai, lũ lụt…, khiến giá cả leo thang.
Cách giải thích đó không sai, nhưng thiếu một nguyên nhân chủ quan: Đấy là chính sách nới lỏng tiền tệ, chạy theo chỉ tiêu về tăng trưởng.
Nguyên nhân này không được nhắc đến hoặc không được nhấn mạnh. Vì sao vậy? Phải nhìn đúng sự thực thì mới có thể tìm ra cách giải quyết đúng.
Thiên tai lũ lụt chắc chắn có ảnh hưởng đến giá cả nhưng khó có thể là nguyên nhân chủ yếu. Lại nữa, nếu lạm phát tăng chủ yếu do giá thế giới tăng, tại sao ở các nước trong khu vực lạm phát lại thấp hơn ở Việt Nam nhiều?
Chính sách nới lỏng tiền tệ một phần chính phải chăng là để đạt được tăng trưởng. Nghị quyết số 23 NQ-CP ngày 7-5-2010 yêu cầu: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp phù hợp để khẩn trương hạ lãi suất huy động xuống khoảng 10%, lãi suất cho vay khoảng 12% và điều hành tỷ giá ở mức hợp lý. Trên cơ sở nghị quyết này là bao nhiêu lời hô hào hạ lãi suất. Lãi suất cho vay hạ thì lượng tín dụng tăng, tổng lượng tiền trong lưu thông tăng và đó là một trong những nguyên nhân chính của lạm phát.
Lạm phát tăng làm niềm tin vào tiền đồng bị giảm sút và đó cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều người tìm các kênh khác để đầu tư, để giữ giá trị, như mua vàng, đô la, bất động sản. Trào lưu ấy càng làm cho thị trường thêm méo mó và các chính sách của Nhà nước ít tác dụng.
Cần có những nghiên cứu chi tiết để thấy rõ các nguyên nhân chính. Không khó để định lượng các nguyên nhân chính đóng góp bao nhiêu vào gia tăng lạm phát. Định lượng các nguyên nhân, chí ít cũng có thể dẫn đến sự xếp thứ tự chính xác mức độ tác động của các nguyên nhân để, trên cơ sở đó, có các lựa chọn chính sách thỏa đáng.
Chính sách thắt chặt tiền tệ mới đây, mà việc tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% là một trong các biện pháp đúng hướng. Việc tăng lãi suất, khiến lãi suất huy động và cho vay tăng, sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com