Dù Dragon Capital tuyên bố không rời Việt Nam, nhưng khả năng quỹ VEIL của họ bị thanh lý có thể nằm ngoài tầm tay của các nhà quản lý quỹ. Liệu Dragon Capital có theo vết xe đổ phải thanh lý quỹ như từng diễn ra với Indochina Capital, và việc này có lan rộng?
![]() Nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo lắng trước thông tin quỹ VEIL có thể bị thanh lý. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Sức ép thoái vốn quỹ đầu tư VEIL của Dragon Capital được nhiều nhà đầu tư cho là một nguyên nhân làm chứng khoán cuối tuần giảm ngay từ đầu phiên. Để trấn an thị trường, ông Dominic Scriven, tổng giám đốc Dragon, cho biết Dragon không có ý định rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc Dragon không rút lui khỏi thị trường là một chuyện, còn sự tồn tại của các quỹ do Dragon quản lý là do ý chí của các cổ đông, không phụ thuộc vào Dragon.
Ép thanh lý quỹ
Quỹ đầu cơ VR Capital, hiện giữ một lượng nhỏ chứng chỉ quỹ VEIL, đang vận động các cổ đông VEIL thoái vốn quỹ này. Lý do họ đưa ra là tăng trưởng của quỹ thấp hơn so với tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
VEIL, quỹ đầu tư nước ngoài đầu tiên hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam, do Dragon Capital quản lý, đang nắm giữ số vốn 418 triệu USD. Tính đến cuối tháng 4, trong danh mục đầu tư của VEIL, cổ phiếu niêm yết chiếm 85%, tương đương 377,26 triệu USD; tiền mặt chiếm 3%, góp vốn cổ phần chiếm 10%. Trong khi các nhà quản lý quỹ có thể nghĩ tới tương lai xa, thì một số cổ đông chỉ quan tâm món lợi trước mắt. Thường dạng cổ đông này mới mua chứng chỉ quỹ, khi thị giá xuống thấp dưới giá trị tài sản ròng (NAV).
Trong trường hợp của quỹ VEIL, thị giá đầu tháng sáu là 1,84 USD, thấp hơn 23,6% so với giá trị tài sản ròng. Nếu thanh lý quỹ trước thời hạn, đồng nghĩa với quỹ sẽ bán toàn bộ tài sản, nghĩa là số tiền thu về, trên lý thuyết, bằng giá trị tài sản ròng của quỹ. Mức chênh lệch hơn 20% như hiện nay sẽ giúp các cổ đông mua ở thời điểm giá thấp hưởng lợi.
Theo ông Phạm Nguyên Vinh, giám đốc phát triển kinh doanh của Dragon, Dragon đã đoán trước việc một số nhà đầu tư yêu cầu giải thể quỹ trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng Dragon kinh doanh hiệu quả, khi VEIL mang lại cho cổ đông tỷ suất lợi nhuận hàng năm cao hơn chỉ số VN Index, ngoại trừ hai năm 2004, 2009. Năm 2009 tỷ suất lợi nhuận của VEIL là 19,27%. Dragon Capital dự kiến mua lại chứng chỉ quỹ VEIL nhằm đỡ giá của VEIl gần hơn với giá trị tài sản ròng.
Nguy cơ thôn tính quỹ
Một lý do mà VR Capital đưa ra để thuyết phục các cổ đông VEIL đóng quỹ này, là “VEIL chẳng kiếm được tiền cho nhà đầu tư nào ngoại trừ cho những người quản lý”.
Các quỹ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và các quỹ công chúng trong nước, trong giai đoạn chứng khoán suy giảm mạnh trong hai năm qua, giá giao dịch luôn ở dưới giá trị tài sản ròng, khiến cổ đông chịu thiệt thòi và thua lỗ. Trong khi đó, các công ty quản lý quỹ lại luôn hưởng được phí quản lý, dù quỹ có thua hay thắng thị trường.
Phí quản lý quỹ thường là 2% trên giá trị tài sản ròng hàng năm. Đơn cử ở quỹ VF1, do VFM quản lý. Mỗi năm VFM hưởng phí quản lý VF1 tương đương 48 tỉ đồng, chưa kể các khoản phí môi giới, thưởng hoạt động.
Một tổ chức tài chính trong nước đã từng tính đến việc bỏ ra 650 tỉ đồng để sở hữu 50% cổ phần VF1, gây sức ép thanh lý quỹ. Do thị giá chứng chỉ quỹ VF1 đang giao dịch thấp hơn 51% so với giá trị tài sản ròng, nên việc thanh lý quỹ, khiến tổ chức này thu về được 1.000 tỉ đồng. Hoặc với sở hữu áp đảo, tổ chức này yêu cầu họp đại hội nhà đầu tư bất thường, tuyên bố VFM quản lý không hiệu quả, để chuyển giao quản lý cho công ty con của mình, nhằm hưởng các phí quản lý và đỡ công thành lập quỹ mới. “Khung pháp luật Việt Nam không cấm việc này”, ThS Lê Đạt Chí, trưởng bộ môn đầu tư tài chính trường đại học Kinh tế TP.HCM nói.
Theo ThS Lê Đạt Chí, các cổ đông của quỹ nào chỉ nhận được báo cáo của quỹ ấy, khó kiểm soát được toàn bộ hoạt động đầu tư của đơn vị quản lý. Những người quản lý quỹ, có thể mua bán cổ phiếu chéo từ các quỹ của mình, nhằm kiếm lợi cho quỹ này và gây bất lợi cho quỹ kia. Nhất là trong thị trường mà khung pháp luật chưa đầy đủ như Việt Nam.
Việc thoái vốn VEIL sẽ được quyết định vào cuộc họp thường niên ngày 12.7 tới. Để đóng cửa được VEIL, tỷ lệ biểu quyết cần đạt trên 75%.
(Theo Hồng Sương // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com