So với cùng kỳ năm trước, trong mùa kinh doanh cao điểm năm nay, nhu cầu vốn của doanh nghiệp không tăng như kỳ vọng của các nhà băng, bởi áp lực lãi suất thỏa thuận tăng dần theo chi phí đầu vào. Mặt khác, các ngân hàng cũng cho hay, nguồn vốn huy động về ngày một hạn chế. Đồng thời, với mức lãi suất hiện nay, trao vốn cho khách hàng cũng rủi ro.
Khó cắt giảm chi phí đầu vào
Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đã được thiết lập lại, với mức trần cao nhất chỉ còn 14%/năm, sau khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 15/12 vừa qua, song trên thực tế, không ít ngân hàng phải tăng thêm tính hấp dẫn cho lãi suất mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi. Đáng chú là ngân hàng đang đứng trước áp lực lạm phát những tháng cận Tết Nguyên đán và nhu cầu chi nhiều hơn thu của người tiêu dùng dịp cuối năm.
Trong khi đó, những tháng cận Tết Nguyên đán là cơ hội để nhà băng tăng trưởng dư nợ tín dụng. Muốn đẩy mạnh tín dụng, các nhà băng buộc phải tăng cường huy động vốn, vì theo quy định mới tại Thông tư 19/2010/TT-NHNN, các nhà băng chỉ được sử dụng 80% vốn huy động để cấp tín dụng. Như vậy, nếu không huy động được tiền nhàn rỗi, ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng như kỳ vọng và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Cạnh tranh huy động vốn từ đó trở nên gay gắt, nên nhà băng khó cắt giảm chi phí.
Mặt khác, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm đã đẩy kỳ vọng lãi suất của người tiêu dùng tăng, nên họ đã "mặc cả" ở mức cao với ngân hàng khi gửi tiết kiệm. Thực tế, lãi suất tiết kiệm đã không kìm được mức đồng thuận 11%/năm và sau đó là 12%/năm. Lãi suất huy động vốn đã có thời điểm bung mạnh, đạt đến mức 16 - 17%/năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, động thái nâng lãi suất cơ bản của NHNN lên 9% là để thu hút bớt nguồn tiền trong lưu thông, kiểm soát lạm phát. Song cũng chính điều này đã tạo ra kỳ vọng đối với người gửi tiền, khiến lãi suất huy động tăng cao.
Tuy nhiên, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank nhận định, khả năng mặt bằng lãi suất huy động vốn sẽ ổn định ở mức hiện nay và có thể giảm nhẹ sau Tết Nguyên đán.
Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, nếu lạm phát năm 2010 là 11% thì mức tiền gửi tiết kiệm bình quân 13 - 14%/năm hiện nay là thực dương. Vì thế, không lý do gì một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động cao, gây xáo trộn thị trường thời gian qua. Bởi thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn đảm bảo ở mức tốt, nên tăng cao lãi suất của một số nhà băng vừa rồi chủ yếu để giành giật khách hàng.
Theo đánh giá của một cán bộ ngành ngân hàng, lãi suất trong năm tới sẽ do các ngân hàng thương mại quyết định. Nếu ngân hàng nào có nguồn vốn khả dụng dồi dào sẽ không mặn mà với việc áp dụng lãi suất huy động cao. Từ đó, các nhà băng này có thể dễ dàng phát triển tín dụng, bởi chi phí đầu vào thấp chắc chắn lãi suất cho vay thỏa thuận "mềm" hơn so với các ngân hàng không có nguồn vốn khả dụng dôi dư. Nhưng bên cạnh đó, không ít ngân hàng vốn điều lệ vẫn còn thấp, quy mô nhỏ và uy tín trên thị trường chưa cao, nên vẫn phải áp dụng lãi suất đầu vào hấp dẫn mới có thể cạnh tranh và thu hút được tiền nhàn rỗi.
Lãi suất cao vẫn không dám mở rộng hầu bao
Mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm tăng, không còn cách nào khác các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay thỏa thuận. Lãi suất tăng khiến các doanh nghiệp "kêu" khó. Theo ông Bình, các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự để sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm rất cần đến vốn, chắc chắn phải vay, dù áp lực lãi suất gia tăng. Với các doanh nghiệp có ý định đầu tư, họ sẽ xem xét lại để chờ lãi suất giảm mới tiếp cận ngân hàng mượn vốn kinh doanh.
Ông Bình cho biết, trong lúc này, khi mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận còn đè nặng khách hàng, phía ngân hàng cũng không muốn đẩy mạnh vốn cho vay. Bởi với các khách hàng chấp nhận vay lãi suất ở mức cao (17 - 18%/năm), thậm chí với các khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay còn cao hơn, thì rủi ro về nợ xấu sẽ rình rập ngân hàng.
Vì thế, với động thái tăng mạnh lãi suất tiết kiệm lên mức 17%/năm của Techcombank vừa qua, tuy đã thu hút được một lượng vốn lớn về tiền gửi, nhưng theo một chuyên gia ngành ngân hàng, nếu không tính toán kỹ trong sử dụng vốn thì đó cũng không thực sự là tin vui. Bởi thực tế, trong hoạt động tín dụng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra phải đạt 3 - 5%/năm thì các ngân hàng mới có thể bù đắp được chi phí và thu được lợi nhuận từ cho vay. Do đó, nếu huy động về 17%/năm, Techcombank phải cho vay ra với lãi suất 18 - 20%/năm mới đù bù chi phí. Với áp lực lãi suất này, ngân hàng sẽ khó thu hút được khách hàng cần vốn.
Để có thể kích thích được dư nợ trong bối cảnh áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận cao, gần đây không ít nhà băng triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Cụ thể, DaiA Bank vừa có chủ trương dành 190 tỷ đồng cho vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn vay để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển quy mô của doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay từ nguồn vốn SMEFP tại DaiA Bank chỉ là 13%/năm (thả nổi 3 tháng/lần). Đối với lãi suất cho vay từ nguồn vốn Tài chính nông thôn II và III, DaiA Bank áp dụng mức 15%/năm (ngắn hạn) và lãi suất trung - dài hạn được ngân hàng này áp dụng là 16%/năm.
Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi trên, DaiABank mở rộng cho vay tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực như: vay mua xe, mua nhà… Tuy nhiên, ông Lê Huy Dũng, Tổng giám đốc DaiA Bank thừa nhận, lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng đối với khách hàng cá nhân tại Ngân hàng cũng không thể thấp hơn mặt bằng chung của thị trường hiện nay là 16 - 18%/năm, do chi phí huy động vốn đầu vào tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Phó tổng giám đốc OCB, ông Trương Đình Long cũng cho hay, một khi lãi suất đầu vào tăng thì OCB nói riêng và các nhà băng khác nói chung khó giữ được lãi suất cho vay thỏa thuận ở mức hiện nay. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay đầu ra tương ứng với chi phí huy động vốn đầu vào. Do đó, lợi nhuận thu về trong hoạt động tín dụng năm nay cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Mặt khác, theo ông Long, khi mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận tăng, các khách hàng, nhất là doanh nghiệp sẽ tính toán kỹ hơn trong việc sử dụng vốn vay. Vì thế, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng không dễ dàng, dù thời điểm các tháng trước Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn khách hàng thường tăng cao nhất trong năm.
Tuy nhiên, với các ngân hàng có vốn khả dụng dồi dào, tận dụng cơ hội giải ngân dịp cuối năm sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, thông thường lãi suất cho vay tăng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Nhưng trong quý IV năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp của ACB vẫn tốt và đảm bảo được mục tiêu tín dụng đưa ra. Lãi suất cho vay ngắn hạn của ACB hiện nay là 15,5%/năm; trung và dài hạn, ACB áp dụng mức lãi suất cho vay thỏa thuận từ 16 - 16,5%/năm. Song, ACB chọn lọc khách hàng khá kỹ.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com