Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm Canh Dần bên cạnh những kết quả đạt được, đôi lúc sự “giật cục” về điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã khiến thị trường nhiều phen điêu đứng. Năm 2011, nếu có sự điều hành chủ động và linh hoạt hơn, khả năng sẽ chấm dứt được các cuộc đua tăng lãi suất cũng như những biến động khác trên thị trường tiền tệ.
Theo nhận định của thạc sĩ kinh tế Lê Văn Hinh, năm 2011 là năm Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực (từ 1/1/2011). Qua đó một loạt chỉ tiêu hoạt động của các NHTM phải tuân thủ theo luật này và chắc chắn định hướng hoạt động của thị trường sẽ ổn định và cẩn trọng hơn.
Về tổng thể, việc cải thiện về vốn cùng những cải thiện quản trị thanh khoản, cải thiện về quản trị rủi ro nói chung (do rút kinh nghiệm từ thời gian qua cũng như bài học của riêng năm 2010 như tình trạng thiếu thanh khoản phải tăng lãi suất đột ngột, tình trạng bị tụt hạng tín nhiệm về khả năng thanh toán và sức mạnh tài chính... ) sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện tín nhiệm trong thời gian tới.
Cùng với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực tiền tệ sẽ ổn định hơn và sẽ không có sốc về lãi suất, sốc tỷ giá... ngoài ra, với sự kiểm soát chặt chẽ về lãi suất của NHNN, năm 2011 sẽ không có ngân hàng nào bị cuốn vào các cuộc đua lãi suất.
Các điều chỉnh trung hạn cho thấy, Việt Nam đang hướng tới sự ổn định, cân đối hơn. Điều này thể hiện trong định hướng kinh tế - xã hội năm 2011-2015, các chỉ tiêu kinh tế thiên về lấy ổn định là chính, một số chỉ tiêu liên quan đã giảm đáng kể: tăng trưởng kinh tế là 7-7.5%, vốn đầu tư toàn xã hội là 40% GDP, lạm phát 7%, thâm hụt ngân sách nhà nước trung bình 5%...
Những chỉ tiêu kế hoạch trên cho thấy, khu vực tiền tệ ngân hàng đã được giảm tải đáng kể vào năm 2011 và những năm tiếp theo. Trong năm năm tới, tổng mức đầu tư toàn xã hội dần được điều chỉnh giảm xuống mức dưới 40% GDP; thâm hụt ngân sách nhà nước được kiềm chế ở mức dưới 5% GDP. Với giải pháp khơi thông các nguồn tiền trong dân (như vàng, ngoại tệ...) sẽ một mặt làm cầu về vốn trên thị trường tăng, mặt khác là cơ sở để cung cầu vốn tín dụng trên thị trường trở nên cân bằng hơn và sẽ có cơ sở kinh tế để ổn định lãi suất.
Hơn thế nữa việc định hướng giảm đầu tư toàn xã hội xuống mức thấp hơn sẽ giảm áp lực nhu cầu tài trợ vốn từ nước ngoài và qua đó giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối và tạo điều kiện ổn định tỷ giá hối đoái...
Cũng theo một số chuyên gia kinh tế khác, những nhận định khá khả quan trên có thể đạt được nếu sự điều hành của NHNN linh hoạt và trơn chu hơn năm cũ.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, định hướng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ trong năm 2011 là phải nhằm vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tạo những yếu tố điều kiện để tăng trưởng hợp lý. Cái đích đã rõ, nhưng cái cần từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá trong năm 2011 là phải quán triệt những yếu tố như, phải hết sức chủ động, linh hoạt... Tức là phải biết đưa vốn vào đâu, vào lúc nào, đưa bao nhiêu, hay đưa vào thì kiểm soát như thế nào để cái vốn đó sử dụng được nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm, tăng được sức mua, tăng được thu nhập, tạo GDP, tạo được ổn định xã hội.
Bên cạnh sự chủ động còn phải hết sức linh hoạt vì tình hình thế giới hết sức phức tạp. Diễn biến kinh tế cuối năm 2010 cho thấy, tình hình kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều bất ổn. Khu vực sử dụng đồng tiền Euro vẫn chưa thoát ra khỏi vấn đề khủng hoảng nợ. Kinh tế Mỹ cũng phục hồi chậm chạp vên chính sách nới lỏng như giữ lãi suất thấp vẫn được duy trì. Không những vậy mỗi địa phương, vùng miền có đặc điểm riêng, chịu tác động khác nhau. Do đó chinh sách cần có sự linh hoạt là phải bám sát thực tiễn, có sự tổng kết thực tiễn và phải đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn.
Thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng lãi suất biến động sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nền kinh tế thêm khó kiểm soát, kìm hãm sự phát triển: “ Để cho doanh nghiệp chốt được thời cơ, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và chính sách khác của nền kinh tế, chứ như năm vừa qua, vẫn có sự vênh, giật cục, có những tuyên bố và sự thực hiện trái ngược nhau …làm cho doanh nghiệp mất lòng tin, gây hoang mang, đôi khi làm cho rối loạn...”.
Ông Cao Sỹ Kiêm nhận định, khả năng sau Tết lãi suất sẽ ổn định trở lại. Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng dự trữ được đẩy mạnh bán ra, tiền thu về giúp khả năng thanh toán sẽ tốt lên. Trên cơ sở chỉ số giá tiêu dung giảm xuống, các ngân hàng sẽ có thể điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất.
(Báo điện tử VnMedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com