Để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các ngân hàng có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng đang phải chạy đua với thời gian. Trong đó, các nhà băng chưa có cổ đông lớn đang phải tăng tốc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược (kể cả trong và ngoài nước), nhằm sớm thực hiện được kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhất là khi giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện.
Trông chờ vào cổ đông lớn
Hiện cả thị trường còn khoảng 8 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng (Navibank, Western Bank, DaiA Bank, MeKong Bank, Ficombank, PG Bank, VietBank, GiaDinh Bank). Đồng thời, có không ít ngân hàng vốn điều lệ còn nằm dưới 3.000 tỷ đồng… phải tăng vốn trong năm nay mới có thể đáp ứng được Nghị định trên.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 3417/NHNN-TTGSNH yêu cầu NHTMCP có vốn điều lệ trong năm 2010 chưa đảm bảo mức vốn pháp định, chậm nhất đến ngày 30/6 phải trình NHNN hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn theo quy định. Sau thời điểm này, ngân hàng nào không tăng vốn điều lệ, NHNN tạm thời không xem xét đề nghị mở rộng mạng lưới.
NHNN cũng cho biết, đối với các ngân hàng không trình NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ hoặc không được chấp thuận tăng vốn để đảm bảo mức vốn pháp định tại Nghị định 141, chậm nhất ngày 30/9, nhà băng phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của ngân hàng theo luật định (bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể…) trình NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố (đối với NHTMCP) hoặc Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (đối với tổ chức tín dụng không phải NHTMCP).
Sức ép tăng vốn càng lớn đối với các NHTMCP khi cổ phiếu ngân hàng trên TTCK hiện đã giảm sâu và được dự báo không thể sớm cải thiện, do đó kế hoạch phát hành cổ phần tăng thêm vốn của các nhà băng theo kênh này không dễ dàng. Cho dù giá cổ phiếu phát hành thêm của các ngân hàng chủ yếu được chào bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dường như các nhà đầu tư vẫn "lãnh cảm" với cổ phiếu ngân hàng. Vì thế, các nhà băng chỉ biết trông chờ vào cổ đông lớn.
HDBank cho biết, với kế hoạch tăng vốn từ 1.550 tỷ đồng hiện nay lên 3.500 tỷ đồng như kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, Ngân hàng không mấy lo ngại vì đã có các cổ đông lớn. Theo đó, trong đợt một, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.550 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu và CBNV, với giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ở giai đoạn hai, Ngân hàng này sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, chào bán cho cổ đông hiện hữu, CBNV và cổ đông chiến lược.
Theo ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank, sau cuộc họp ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Ngân hàng đã có nghị quyết thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định, dự kiến thực hiện trong tháng 9 tới. PG Bank đã lập hồ sơ để xin tăng vốn ngay trong tháng 5 này để trình NHNN. Ông Định cho biết thêm, thực chất vốn hiện giờ của PG Bank là 2.000 tỷ đồng, chứ không phải 1.000 tỷ đồng vì Ngân hàng có 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đã phát hành hồi đầu năm và đến cuối năm 2010 sẽ tự động chuyển thành cổ phiếu. Vì thế, PG Bank chỉ cần tăng thêm 1.000 tỷ đồng là đã đáp ứng được quy định. Theo PG Bank, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu sẽ không có nhiều khó khăn do PG Bank có nhiều cổ đông pháp nhân lớn và ĐHCĐ đều đồng thuận cao với kế hoạch này.
Tương tự, VietBank, một trong những NHTMCP vốn điều lệ còn nằm ở mức 1.000 tỷ đồng cho hay, sẽ đảm bảo vốn theo quy định của NHNN trước khi năm tài chính 2010 kết thúc bởi đã có các cổ đông lớn là Tập đoàn Hoa Lâm, ACB… hậu thuẫn.
DaiA Bank thì có Tập đoàn Tín Nghĩa hiện nắm giữ tỷ lệ vốn trên 50% của Ngân hàng; Navibank, Western Bank, GiaDinh Bank… phía sau cũng có các cổ đông lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI); Vietcombank… Do vậy, dù vốn điều lệ còn nằm ở mức 1.000 tỷ đồng, thuộc nhóm NHTMCP hiện có vốn thấp nhất trên thị trường, các nhà băng này tự tin cho biết, sẽ sớm hoàn thành kế hoạch tăng vốn.
… và tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược
Bên cạnh các cổ đông hiện hữu (trong đó có cả cổ đông lớn), các nhà băng có vốn dưới 3.000 tỷ đồng đang tăng tốc tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược để có thêm điều kiện trong việc thu hút vốn. Trong đó, không ít ngân hàng đang đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài, nhằm gọi thêm vốn ngoại và hợp tác phát triển nâng cao sức cạnh tranh.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch HĐQT MeKong Bank cho biết, Ngân hàng sẽ sớm thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ theo lộ trình lên 3.000 tỷ đồng để có thêm điều kiện mở 20 điểm giao dịch mới trong năm nay. Hiện MeKong Bank có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với 634 cổ đông là các cá nhân và tổ chức tài chính. Trong đó, cổ đông lớn của MeKong Bank là Maritime Bank đang nắm giữ 11% cổ phần. Nếu kể cả nhóm cổ đông lớn là các cá nhân của Maritime Bank thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại MeKong Bank lên đến con số 49%.
Theo bà Thanh, Ngân hàng đã nộp hồ sơ tăng vốn lên NHNN chi nhánh tỉnh An Giang và đang đợi kết quả. Dự kiến, MeKong Bank sẽ phát hành khoảng 20 - 30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Phần còn lại sẽ được bán cho cổ đông hiện hữu, với giá bằng mệnh giá. MeKong Bank cũng đang trong quá trình tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài có tiềm năng, phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng.
Còn theo ông Lê Quang Trí, Tổng giám đốc Navibank, ĐHCĐ Navibank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng sau khi Ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX. Sau đó, Navibank tiếp tục nâng vốn lên 3.000 tỷ đồng trước khi năm tài chính 2010 kết thúc. Navibank đang tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác để có thể lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
VietA Bank cũng cho biết, sẽ gọi thêm vốn từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, vì hiện vốn điều lệ của Ngân hàng này còn nằm dưới ngưỡng 3.000 tỷ đồng. Còn theo Trust Bank, về cơ bản đã tìm được đối tác ngoại, nhưng đợi sau khi Ngân hàng hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay mới tính đến việc "kết duyên" với cổ đông chiến lược nước ngoài. Trust Bank cho rằng, cần phải nâng quy mô vốn trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, do kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng tài chính nên việc lựa chọn được cổ đông chiến lược tốt và tiềm năng thực sự đối với ngân hàng không dễ trong lúc này. Vì thế, đại đa số các nhà băng chưa có cổ đông ngoại hiện đang phải đôn đáo tìm kiếm cơ hội gọi vốn. Còn các nhà băng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài tích cực hơn trong việc gia tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ cho nhà đầu tư ngoại. OCB sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài từ mức 15% hiện tại lên 20% vào cuối năm nay sau khi được Chính phủ cho phép.
Sở dĩ, các ngân hàng tăng tốc trong việc tìm kiếm thêm cổ đông lớn là để tạo tiền đề cho việc tăng vốn đáp ứng theo lộ trình trong tương lai gần. Theo dự kiến của NHNN, các ngân hàng đã được cấp phép thành lập và hoạt động phải có biện pháp bảo đảm số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương 5.000 tỷ đồng chậm nhất vào 31/12/2012 và 10.000 tỷ đồng chậm nhất vào 31/12/2015. Song theo một cán bộ cấp cao của ngành ngân hàng, các nhà băng cũng phải tính toán và cân nhắc kỹ trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược (cả trong và ngoài nước), nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Mặt khác, cổ đông lớn phải có chiến lược phát triển phù hợp với kế hoạch Ngân hàng đưa ra.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com