Mới đây, Ngân hàng Nhà nước gửi dự thảo đến các giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần về việc phát triển mạng lưới hoạt động trong nước của các ngân hàng những tháng cuối năm 2009.
Theo nội dung dự thảo, về số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch được phép mở mới của các ngân hàng thương mại cổ phần phải dựa trên cơ sở phân loại địa bàn tỉnh, thành phố.
Theo dự thảo này, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ được chia làm 3 khu vực địa bàn từ nhóm 1 đến nhóm 3 (xem box).
Sẽ có những hạn chế nhất định đối với việc mở chi nhánh tại các nhóm địa bàn này, chẳng hạn chỉ cho phép mở tối đa 2 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn nhóm 2 và 3, trong đó ưu tiên trước đối với địa bàn nhóm 3; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận mở 15 – 30 chi nhánh và đã có chi nhánh tại địa thành tỉnh, thành phố thuộc nhóm 1, trước mắt cũng sẽ tạm dừng việc cho phép mở chi nhánh…
Về số lượng phòng giao dịch cũng có những hạn chế tương tự, theo nội dung dự thảo sẽ tạm dừng việc xem xét mở phòng giao dịch trực thuộc các chi nhánh, sở giao dịch của ngân hàng thương mại cổ phần hiện có trụ sở tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn nhóm 1 và chỉ cho phép một ngân hàng được mở tối đa 5 phòng giao dịch tại các địa bàn nhóm 2 và 3…
Đối với các ngân hàng, ý định về việc “quy hoạch lại” việc mở chi nhánh, phòng giao dịch của NHNN cũng là dễ hiểu. Trong 2 năm vừa qua, việc mở rộng mạng lưới giao dịch của các ngân hàng có thể coi là “bùng nổ”, ngoài ý nghĩa tích cực thì cũng có vấn đề nảy sinh, đặc biệt là tình trạng một số khu vực mật độ các ngân hàng quá dầy dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần bằng cách nâng cao lãi suất.
Mặc dù những quy định trên mới nằm trong dự thảo để xin ý kiến, nhưng theo phản ánh của các ngân hàng, việc hạn chế mở rộng mạng lưới một cách quá nhanh của các ngân hàng đã được NHNN thực thi ngay trong năm nay qua hình thức xem xét kỹ hơn trong cấp phép thành lập chi nhánh mới.
Vietcombank là một trong những bằng chứng cụ thể, với kế hoạch đưa ra trong năm nay là xin phép mở thêm 10 chi nhánh mới trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng chỉ mới được cấp phép thực hiện mở 5 chi nhánh, 5 hồ sơ còn lại vẫn đang chờ sự phê duyệt của NHNN, nhưng khả năng sẽ phải dời sang năm 2010.
Trong cuộc gặp gỡ với NHNN vào cuối tháng 10/2009, đại diện VietNam Tin Nghia Bank đã có kiến nghị lên NHNN về việc xin được cấp giấy phép mở thêm chi nhánh cho những bộ hồ sơ Ngân hàng đã gửi lên trước đó. Hiện VietNam Tin Nghia chuẩn bị tăng vốn từ trên 1.133 tỷ đồng lên hơn 3.399 tỷ đồng.
Trước những động thái mới về việc quản lý chặt hơn việc mở rộng mạng lưới, hầu hết ngân hàng đều cho rằng, đó là việc cần thiết nhằm bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, đây sẽ là những khó khăn để tăng tốc, những kế hoạch mở rộng mạng lưới với tốc độ 50 - 70 điểm giao dịch mới/năm chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại rất nhiều.
Địa bàn nhóm 1 gồm 15 tỉnh, thành phố gồm: TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Long An, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Phước, Nghệ An, Kiên Giang.
Địa bàn nhóm 2 có 21 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Đắck Lắck, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Quảng Trị, Huế, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Nam.
Địa bàn nhóm 3 gồm 27 tỉnh, thành phố: Cà Mau, Hưng Yên, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Trà Vinh, Nam Định, Quảng Bình, Tây Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Hòa Bình, Phú Yên, Sơn La, Bắc Kạn, ĐắkNông, Hà Nam, Kon Tum, Yên Bái, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang.
(Theo Báo Đầu Tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com