Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của lãi suất huy động lên 19 - 20% bắt nguồn từ việc các ngân hàng nhỏ “đói” thanh khoản và đẩy mạnh hoạt động để đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ vào cuối năm nay. Sáp nhập ngân hàng nhỏ có phải là phương thuốc hữu hiệu để hệ thống ngân hàng bớt rủi ro?
Sau khi một số ngân hàng nhỏ ở Mỹ tuyên bố phá sản, và nhất là lạm phát trong nước chưa giảm, lãi suất (huy động, cho vay) leo thang những ý kiến về sáp nhập các ngân hàng nhỏ trong nước càng được dịp bùng lên.
Lớn, nhỏ đều “mệt”
Hiện nay, cả nước có gần 80 ngân hàng, trong đó có khoảng 50 ngân hàng thương mại cổ phần nhưng rất nhiều trong số đó có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng. Thời điểm này, khi cung tiền đồng bị hạn chế, các ngân hàng thương mại nhỏ và trung càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn. Với các ngân hàng mới tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng như Western Bank (Ngân hàng Miền Tây), thì việc tăng lãi suất huy động và tăng cho vay cũng là điều cần làm. Nhưng điều này không dễ chút nào. “Chúng tôi cũng mong giữ được trần lãi suất huy động nhưng không dễ vay các “ông lớn”, mà các “ông lớn” hiện nay cũng đưa lãi suất lên mức cao chót vót, nên chúng tôi cũng phải chạy theo. Người được lợi từ lãi suất huy động tăng cao không phải là chúng tôi”, đại diện một ngân hàng nhỏ nêu ý kiến.
Ở một số ngân hàng hạng trung như SeABank (Ngân hàng Đông Nam Á), Maritime Bank (Ngân hàng Hàng hải), lãi suất thanh toán được đẩy lên từ 9 đến 12,5% một năm; một số ngân hàng hạng trung khác cũng nâng lãi suất huy động lên mức 18%. “Lãi suất liên ngân hàng có lúc lên đến 22 - 23%, chúng tôi phải tính toán lãi suất nào lợi hơn để vay. Vì thế, ngân hàng có huy động lãi suất trong dân đến mức 19% cũng là điều dễ hiểu”, đại diện một ngân hàng có vốn khá lớn phân trần.
Trong khi đó, các “đại gia” trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam từ giữa tháng 4 đã chính thức “chạy trước” lãi suất huy động, họ trả lãi khi khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên ở mức 17% và nay là 19% một năm. Theo ông Trần Hoàng Ngân, ĐH Kinh tế TP HCM, việc các ngân hàng thương mại từ nhỏ đến lớn, dưới 3.000 tỷ đồng và trên 8.000 tỷ đều tham gia cuộc đua lãi suất huy động chứng tỏ một điều hệ thống ngân hàng đang quá “đói” tiền đồng. Ngân hàng nhỏ thì lấy ngắn nuôi dài, còn ngân hàng lớn thì… nhân cơ hội kiếm lợi nhuận.
Lỗi ở cách quản trị
Những ý kiến ủng hộ việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ còn vì lý do “để hệ thống ngân hàng bớt rủi ro”, do các ngân hàng nhỏ đang trong thời kỳ huy động vốn đáp ứng việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 theo lộ trình của Ngân hàng Nhà Nước và phải đặt mục tiêu lợi nhuận cao để huy động vốn. Mặt khác, đây cũng là cách để tăng hệ thống an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ hiện nay cũng là việc không chỉ của các ngân hàng nhỏ. Một số ngân hàng vừa tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, như HDBank, OceanBank hay TrustBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2011. Các ngân hàng lớn như ACB, Sacombank, MBbank cũng tăng vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên. Thực tế cũng cho thấy, nhiều ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Chẳng hạn như VCB sẽ tăng vốn điều lệ từ trên 17.000 tỷ đồng lên trên 24.000 tỷ đồng, Eximbank tăng vốn điều lệ từ 10.560 tỷ đồng lên hơn 12.355 tỷ đồng…
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, việc sáp nhập cũng không phải để giúp hệ thống ngân hàng đỡ rủi ro, khi hoạt động của các ngân hàng vẫn thế. “Vấn đề là cách quản lý hoạt động của ngân hàng, chứ không phải ở việc ngân hàng to hay bé. Nếu là ông lớn nhưng cách quản lý kém thì vẫn không ổn”, ông Nghĩa nói.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com