Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng từ góc nhìn lợi nhuận: Triển vọng không sáng sủa

Lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng trong quí 1-2011 đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy kết quả này không thật sự tích cực như nhiều người nghĩ. Bên cạnh đó, nguồn gốc lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ việc dư nợ tín dụng tăng mạnh, đi kèm theo đó là rủi ro tín dụng.

Doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh nhờ hoạt động tín dụng Thống kê tám ngân hàng đang niêm yết cho thấy, tổng doanh thu tăng hơn 80% và lợi nhuận tăng gần 20%. Trong đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank-EIB) đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất với 196%, về nhì là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 110%. Các ngân hàng khác như Ngoại thương (Vietcombank-VCB) và Công thương (Vietinbank-CTG) cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 72% và 98%. Doanh thu của các ngân hàng tăng chủ yếu đến từ việc tổng dư nợ của các ngân hàng trong quí 1-2011 đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ và lãi suất cho vay cũng ở mức ngất ngưởng.

Trong đó, đặc biệt ngân hàng có mức doanh thu cao nhất là EIB và SHB cũng là hai ngân hàng có tăng trưởng cho vay cao nhất. Trong số tám ngân hàng nói trên, ngoại trừ CTG có lợi nhuận sau thuế giảm 12% so với cùng kỳ, do khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng thì lợi nhuận của các ngân hàng còn lại đều tăng khá mạnh.

Lợi nhuận sau thuế quí 1 của EIB tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 640 tỉ đồng. Lợi nhuận EIB tăng chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng và dịch vụ, còn hoạt động ngoại hối của công ty thì thua lỗ.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có mức lợi nhuận sau thuế tăng tới 45%, nhờ mức dư nợ cho vay tăng 56%. Tương tự như EIB, lợi nhuận của ACB cũng đến từ hoạt động tín dụng và dịch vụ còn kinh doanh ngoại hối của ACB cũng lỗ 94,6 tỉ đồng trong quí 1.

Ngân hàng không lãi lớn như “vẻ bề ngoài”

Với những con số trên ta thấy kết quả kinh doanh của các ngân hàng rất khả quan, nhưng để đánh giá hiệu quả của ngân hàng chúng ta phải xem xét một số các yếu tố khác.

Xét hệ số NIM (tỷ lệ lãi biên) tính theo quí [(tổng doanh thu từ lãi - tổng chi phí trả lãi)/tổng tài sản có sinh lời bình quân], ta thấy hầu hết các ngân hàng đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động từ tín dụng của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Trung bình hệ số NIM của tám ngân hàng đang niêm yết trong quí 1 là 0,94%, cao hơn mức 0,74% của cùng kỳ năm trước. Việc hệ số NIM tăng là do khoảng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đã được nới rộng để bù đắp rủi ro của nền kinh tế.

Trong khi đó, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) của tám ngân hàng trong quí vừa qua là 0,33%, giảm so với mức 0,38% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) cũng chỉ đạt 4,58% (quí 1 năm ngoái là 4,81%). Chỉ có hai ngân hàng là ACB và EIB có ROE tăng so với cùng kỳ năm trước do dư nợ cho vay tăng mạnh.

Tóm lại, nguồn gốc lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh phần lớn nhờ hoạt động tín dụng được mở rộng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng sụt giảm. ROE của các ngân hàng trong quí 1-2011 thấp hơn trung bình của cả năm 2010 và chỉ tương đương suất sinh lời bình quân của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. ROE của ngân hàng còn thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay trên thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Khó khăn đang chờ phía trước

Như đã phân tích ở trên, hiệu quả kinh doanh trong quí 1 của các ngân hàng không phải là quá cao. Không những vậy, các kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian tới khó có thể duy trì do một số nguyên nhân sau:

Tăng trưởng tín dụng bị giới hạn

Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần tăng trưởng tín dụng đối với tất cả các ngân hàng là 20%. Thống kê của chúng tôi đối với các ngân hàng niêm yết cho thấy dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,57% trong quí 1. Như vậy, với với mức trần tín dụng 20% trong năm này thì dư nợ mà các ngân hàng có thể cho vay trong thời gian tới không nhiều. Điều này, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của ngân hàng không lớn. Ngoài ra, việc NHNN mới tăng lãi suất chiết khấu lên khá cao cũng khiến cho “cửa” kiếm lợi nhuận từ việc mua trái phiếu chính phủ sau đó chiết khấu lại cho NHNN cũng giảm.

Áp lực từ việc tái cấu trúc nợ

Theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại bị khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất ở mức tối đa là 22% vào cuối tháng 6 và tiếp tục giảm xuống tối đa là 16% vào cuối năm 2011. Tính đến đầu tháng 5, còn khoảng 24 ngân hàng có tỷ lệ cho vay khu vực phi sản xuất lớn hơn 22%, trong đó có một số ngân hàng có tỷ lệ này lên tới 40%. Do vậy, việc tái cơ cấu này cũng sẽ ảnh hưởng khá mạnh đến hoạt động của một số ngân hàng. Ngoài ra, việc NHNN buộc các ngân hàng thương mại dừng hoạt động huy động và cho vay vàng từ ngày 1-5-2011 sẽ ảnh hưởng mạnh đến một số ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bằng vàng chiếm tỷ lệ cao.

Nguy cơ nợ xấu của các ngân hàng tăng cao

Dư nợ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quí 1 của tám ngân hàng đang niêm yết tăng 17,57%, cao hơn nhiều so với tăng dư nợ cho vay. Trong đó, đáng chú ý là khoản trích lập dự phòng của CTG tăng tới hơn 50%, còn hai ngân hàng lớn khác là ACB và STB cũng tăng hơn 9%.

Theo Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2008 của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên tới 13%. Con số ngày khá cao so với con số công bố chính thức của Việt Nam do chuẩn phân loại nợ xấu khác nhau. Mới đây Economic Intelligence Unit (EIU) xếp rủi ro hệ thống ngân hàng Việt Nam hạng CCC và đánh giá “ổn định”. Tuy nhiên, số điểm đo lường rủi ro lại tăng liên tục, từ mức 66 vào tháng 9-2010 lên mức 69 điểm vào tháng 3-2011, tương đương với con số đầu năm 2009.

Kinh tế vĩ mô hiện nay có nhiều nét tương đồng so với năm 2008. Lãi suất quá cao và kinh tế tăng trưởng chậm đẩy nhiều doanh nghiệp đến nguy cơ vỡ nợ. Ngoài ra, với sự sụt giảm mạnh của thị trường bất động sản và chứng khoán cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng của khu vực này. Thêm vào đó, với tình trạng thiếu minh bạch trong báo cáo về nợ xấu của các tổ chức tín dụng đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước thì nguy cơ về nợ xấu càng trở nên khó lường.

Trước thực trạng đó, nợ xấu của các ngân hàng có thể tăng cao trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng bị ảnh hưởng mạnh. Việc giá cổ phiếu ngân hàng không tạo được sóng trong thời gian qua có lẽ đã ngầm chứa sự rủi ro này.

(Thời báo KTSG)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giải mã kế sách 'bỏ tiền đồng mua USD'
  • Đề phòng lạm phát và suy thoái
  • Đừng coi thường lạm phát do tâm lý
  • Chứng khoán, vàng, Euro có thể đồng loạt giảm khi QE2 kết thúc
  • Biến tướng lãi suất lan rộng
  • Tìm phương án giảm lãi suất
  • Biện pháp giúp ngăn dòng tài chính bất hợp pháp
  • Chặn đà lạm phát: Mong sao cho đến tháng 7?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!