Mặc dù đã có thông điệp từ trước về thực hiện chính sách tiền tệ thắt chắt chặt, song, đến khi Ngân hàng Nhà nước chính thức bắt tay triển khai thì các tổ chức tín dụng vẫn có những phản ứng tiêu cực.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 3/3 đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây có thể xem là thời điểm các ngân hàng chính thức vào cuộc "thắt chặt".
Ngay trước cuộc họp này, nhiều ngân hàng đã chính thức khởi động kế hoạch riêng của mình. Chẳng hạn, BIDV lên hẳn một chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và yêu cầu các đơn vị thành viên có kế hoạch thực hiện chi tiết trước ngày 10/3.
Chính vì thế, tại hội nghị sáng 3/3, các mục tiêu và yêu cầu chính không còn được các ngân hàng nhắc đến, thay vào đó là đề xuất về những khó khăn cần tháo gỡ trong việc thực hiện.
Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, với hai mục tiêu mà Chính phủ giao cho NHNN là bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16% tuy khó trong quá trình triển khai nhưng đây là lúc các tổ chức tín dụng (TCTD) cần thể hiện rõ thái độ chính, nghiêm thúc thực hiện các quy định, hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn để đạt được quyền lợi trong dài hạn.
Lãi suất theo đà lên
Đại diện BIDV cho biết, năm nay, ngân hàng này đề ra mức tăng trưởng tín dụng không quá 19%. BIDV chỉ tăng trưởng tín dụng khi huy động được nguồn vốn và đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Kèm theo đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Các nguồn vốn sẽ được điều chỉnh để tập trung ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... Kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất (khống chế mức tăng trưởng cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ; tỷ trọng cho vay chứng khoán dưới 0,5% tổng dư nợ.
Trong khi đó, dù chưa công bố chính thức nhưng đại diện Ngân hàng ACB cũng cho biết, ngay từ đầu năm, ACB đã đề ra mức tăng trưởng tín dụng thấp dưới 20% và với công bố mới của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh là không đáng kể. Năm nay, ACB chủ trương thận trọng.
Với yêu cầu hạ thấp tăng trưởng tín dụng, điều dễ nhận thấy nhất là lãi suất buộc phải điều chỉnh lên cao hơn. Vì thế, dù Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo rồi cử đoàn thanh tra về lãi suất, mới đây nhất là thông tư về trần lãi suất (bao gồm cả khuyến mãi) không vượt quá 14%/năm, song, xu hướng tăng lãi suất dường như khó tránh khỏi. Dưới cách này hay cách khác đã có những tổ chức vượt rào.
Hiện nay, đã có những ngân hàng cổ phần bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn một tháng lên 17%/năm trong những ngày cuối tháng 2, thông qua việc tặng thưởng lãi suất lên đến 3%.
Trong khi đó, một số ngân hàng cổ phần ở phía Bắc cũng gửi tới khách hàng thông báo huy động vốn với lãi suất 14% + + bằng tiền hay lãi suất thỏa thuận. Các ngân hàng cho biết, dù hạn chế tăng tín dụng nhưng họ vẫn phải đối phó với tình hình thanh khoản, giữ chân khách nên tăng lãi suất là việc buộc phải làm - điều này đang gây ra sức ép lớn cho toàn hệ thống.
Trong khi đó, lãi suất USD lại được đẩy lên cao một cách công khai. Ngày 2/3, ACB công bố biểu lãi suất huy động USD tăng khoảng 0,5%. Mức cao nhất lên 5,58%/năm. Trước đó, Vietcombank đã nâng lãi suất tiền gửi USD lên 5,5%/năm. Vietinbank cao hơn là 5,6%/năm. Tại Agribank là 5,55%/năm. Và lần điều chỉnh ngày 23/2 vừa qua, mức cao nhất tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã 5,6%/năm. Chính việc đua lãi suất USD đã khiến cho lãi suất VND thêm căng thẳng.
Vì thế, trong nhận định của mình, BIDV cho rằng, dù lãi suất 14% hiện nay là cao nhưng đây là mức hỗ trợ tốt cho chính sách thắt chặt. Việc giảm lãi suất huy động là không khả thi trong hoàn cảnh hiện nay. Với độ trễ chính sách tiền tệ thường là 6 tháng thì lãi suất hạ sớm nhất cũng phải vào đầu quý III năm nay.
Chứng khoán xuống đáy
Với thông điệp rõ ràng về hạn chế cho vay chứng khoán và bất động sản đã đẩy chứng khoán vào thế đã khó (do tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn), nay càng khó thêm. Một biểu hiện dễ nhận thấy là những phiên gần đây, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm với mức rất mạnh. Đã có những dấu hiệu cho thấy tâm lý tìm cách tháo chạy khi có nhiều cổ phiếu giảm sàn liên tục trong những phiên gần đây.
Ngay lập tức, các công ty chứng khoán đã có phản ứng mạnh mẽ tức thì khi đưa lãi suất cho vay chứng khoán lên cao trên 20%, thậm chí mức cao nhất lên đến 23%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chứng khoán chưa có vẻ dừng lại. Lãi suất cho vay cao nhưng các công ty chứng khoán cũng không mặn mà vì số lượng vốn hỗ trợ từ các ngân hàng siết lại. Với lãi vay chứng khoán tăng cao, những nhà đầu tư sẽ giảm tần suất mua bán bởi chi phí cao.
Nhận định về tình hình hiện nay, Công ty Chứng khoán ACB - ACBS cho rằng, nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu trước các thông tin siết chặt khoản vay đối với lĩnh vực này. Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01 nêu rõ, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ phải ở mức tối đa 22% vào ngày 30/6/ và ở mức tối đa 16% vào ngày 31/12. So với các biện pháp trước đây của Ngân hàng Nhà nước, chỉ thị vừa qua có tác động trực tiếp lên nguồn tiền vào thị trường từ các khoản vay ngân hàng của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Do các chính sách kiềm chế lạm phát sẽ làm giảm nguồn tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, sự phục hồi của thị trường trong ngắn hạn là không thể bởi giá cổ phiếu vẫn đang phản ứng tiêu cực với chính sách trên.
Vì thế, Chứng khoán Bảo Việt - BVSC khẳng định, dòng tiền chảy vào TTCK trong năm 2011 nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn hơn. Việc thắt nguồn vốn tài trợ cho hoạt động cho vay đòn bẩy có thể sẽ phần nảo ảnh hưởng tới lực cầu vào thị trường.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank cho rằng, với bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán còn tiếp tục gặp khó khăn trong các phiên giao dịch sắp tới và ưu thế thuộc về xu hướng giảm điểm. Thậm chí, việc ảnh hưởng của việc giảm dòng tiền vào khu vực chứng khoán không được thể hiện trong một thời gian ngắn mà có thể gây các tác động mang tính quá trình. Và nguy cơ thị trường giảm tiếp do dòng tiền yếu luôn đe dọa.
Không những chịu tác động trực tiếp, khi Chính phủ đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn lạm phát, như điều chỉnh tăng trưởng tín dụng xuống mức thấp và giảm đầu tư công, không những ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK mà còn ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền đầu tư vào các kênh khác như bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất, xây lắp...
DN khó khăn, hiệu quả sản xuất giảm thì khiến cho cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn và TTCK còn chịu tác động lâu dài và khó lường hơn từ tác động gián tiếp này.
Tuy nói là gián tiếp nhưng sức khỏe và lợi nhuận của DN chính là yếu tố tiên quyết đối với sự tăng trưởng của chứng khoán. Vì thế, những nhận định phổ biến đối với chứng khoán hiện nay vẫn là vẫn là suy giảm. Tín hiệu lạc quan nhất chỉ có thể đến vào quý III, khi thị trường đã rơi xuống đáy thấp.
(vef)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com