Tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 20/7 ước giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,88% và dư nợ ngoại tệ tiếp tục tăng 1,96%. Tính từ đầu năm, dư nợ cho vay toàn ngành chỉ tăng 7,57%.
Như vậy, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay thì room tăng trưởng dư nợ trong hơn 4 tháng cuối năm khá lớn. Song theo các ngân hàng, với áp lực lãi suất thỏa thuận tiền đồng hiện nay, khách hàng vẫn ngại vay vốn. Lãi vay bắt đầu có dấu hiệu giảm, nhưng chưa đủ để kích thích tín dụng.
So với cuối tháng 6/2011, lãi suất huy động VND giảm khoảng 0,5 - 0,8%/năm, lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh giảm nhẹ 0,1 - 0,3%/năm; lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực phi sản xuất tăng khoảng 0,5%/năm… Theo NHNN, hiện nay, lãi suất cho vay VND bình quân khoảng 18,64%/năm; lãi suất huy động USD bình quân khoảng 1,96%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân khoảng 6,1%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất đầu ra đang có dấu hiệu giảm, dù chưa giảm mạnh như kỳ vọng do chi phí đầu vào còn ở mức cao, nhưng đó cũng là nỗ lực tự cứu mình của các NHTM. Bởi thực tế, tăng trưởng tín dụng trong hơn 2 quý đầu năm còn khá chậm.
Bắt đầu từ tháng 7, HDBank triển khai chương trình "Cho vay ưu đãi DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ", dành cho khách hàng trong ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt may, da giày. Các DN có phương án sản xuất - kinh doanh đủ điều kiện sẽ được HDBank cho vay ưu đãi lãi suất từ 1 - 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường của Ngân hàng. Đặc biệt, chủ đầu tư các dự án công nghiệp phụ trợ là DN vừa và nhỏ sẽ được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định khi vay vốn tại HDBank. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ gia tăng như: tư vấn sử dụng các sản phẩm dịch vụ của HDBank; lập kế hoạch, phương án sản xuất - kinh doanh/dự án đầu tư; tư vấn xúc tiến thương mại; hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn; sử dụng dịch vụ thu hộ, chi hộ…
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng gần đây vẫn chậm và chưa có nhiều tiến triển. Ngoài áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng khó giảm mạnh khi chi phí đầu vào còn tăng cao thì theo ông Đặng, bản thân nhiều khách hàng cũng chưa đáp ứng được các điều kiện tín dụng Ngân hàng đưa ra.
Hiện lãi suất cho vay đối với khách hàng DN trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại HDBank dao động trong khoảng 19 - 21%/năm. Đây được xem là mức lãi suất khá cạnh tranh trên thị trường, song áp lực lãi vay thỏa thuận hiện vẫn là rào cản đối với tăng trưởng dư nợ.
Nhằm hỗ trợ khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh, ACB triển khai chương trình tín dụng đặc biệt, giảm lãi suất vay từ ngày 1/8 - 31/12. Đây là chương trình "Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất" mà ACB dành cho khách hàng trong bối cảnh áp lực lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng chưa giảm. Theo đó, Ngân hàng sẽ giảm 1,2%/năm lãi suất cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TP. HCM và Hà Nội), từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác. Đây là chương trình tín dụng đã được ACB triển khai thành công trong năm 2010. Năm nay, Ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình này với mục đích hỗ trợ một phần chi phí lãi vay cho khách hàng trong tình hình căng thẳng về tài chính cũng như trước áp lực lãi suất cao hiện nay.
Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB cho biết, mức lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng áp dụng đối với khách hàng cá nhân vay vốn tại ACB hiện dao động từ 20 - 22%/năm. Như vậy, sau khi được ưu đãi giảm lãi suất theo chương trình trên, khách hàng vẫn phải trả lãi từ 19 - 21%/năm, nên không phải khách hàng nào cũng mặn mà tiếp cận vốn vay. Theo ông Tài, hiện nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân khá cao, song tăng trưởng dư nợ đối với tín dụng của khối này vẫn thấp. Nguyên nhân chính là do áp lực lãi suất còn cao. Trên thực tế, tăng trưởng dư nợ tín dụng cá nhân của ACB tính đến thời điểm này chỉ mới chiếm khoảng 4 - 5% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.
Mặt khác, theo ông Tài, để đảm bảo tăng trưởng dư nợ phi sản xuất ở mức 16% tổng dư nợ vào cuối năm nay, ACB rất thận trọng trong việc cung ứng vốn vay cho khách hàng cá nhân. "Khả năng từ nay đến cuối năm 2011, tín dụng cá nhân vẫn tăng trưởng chậm", ông Tài nhận định.
Hiện hầu hết ngân hàng nhỏ có tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất cao đều phải khép dần cửa đối với tín dụng phi sản xuất để đảm bảo việc đưa dư nợ về 16% vào cuối năm theo quy định tại Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN.
Đơn cử như tại TiênPhongBank, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng nguồn huy động vốn của Ngân hàng tăng trưởng 14%, khá tốt so với mức bình quân chung của ngành. Nhưng theo ông Vũ Tú, Tổng giám đốc TiênPhongBank, dư nợ tại Ngân hàng được kiềm chế ở mức phù hợp theo định hướng chung về tăng trưởng dư nợ tín dụng do NHNN chỉ đạo. Trong đó, với dư nợ phi sản xuất, hiện TiênPhongBank giảm xuống còn 20% trên tổng dư nợ và kiểm soát chặt mảng tín dụng này từ nay đến cuối năm.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, đối với những đơn vị còn nhiều "room" tín dụng, để có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ trong mùa kinh doanh sắp tới thì cần có chính sách lãi suất hợp lý hơn. Với kỳ vọng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ dần giảm nhiệt trong những tháng còn lại của năm, nhằm giảm áp lực lãi vay cho khách hàng, nhất là với các DN… về khoảng 19%/năm, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải giảm được chi phí đầu vào. Song để làm được điều này trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt và cạnh tranh lãi suất huy động tiền đồng ngày một khó khăn trước sức nóng của vàng hiện nay là rất khó khăn.
Tổng giám đốc HDBank nhận định, bản thân Ngân hàng cũng không muốn duy trì lãi suất cao, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh và khó khơi thông được nguồn vốn. Do đó, theo ông Đặng, HDBank sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tiếp tục có chính sách lãi suất cho vay thỏa thuận phù hợp hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận, để thực hiện được điều đó còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chỉ số lạm phát những tháng cuối năm. Còn ông Vũ Tú cho rằng, thủ phạm chính neo lãi suất ở mức cao là lạm phát, bởi khách hàng bao giờ cũng muốn lãi suất thực dương. Khi mặt bằng lãi suất huy động khó giảm thì lãi suất đầu vẫn cao.
"Hệ thống ngân hàng giờ ở thế phải chấp nhận giá, khách hàng chọn ngân hàng chứ ngân hàng không được chọn khách hàng. Theo tôi, không thể đổ lỗi cho ngân hàng nhỏ hay ngân hàng lớn làm mặt bằng lãi suất tăng, mà khi đã chấp nhận tham gia thị trường thì nhỏ hay lớn đều phải tuân theo quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh. Muốn thu hút người gửi tiền, ngân hàng nào cũng phải chấp nhận chi phí vốn như nhau và tuân thủ luật chơi chung", ông Tú nhận định.
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. StockBiz sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(Báo Đầu tư CK Điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com