Việt Nam xuất khẩu trên 10 tấn vàng trong tháng 6-2011 trong khi giá vàng tăng kỷ lục và các nước đặc biệt là các ngân hàng TW đang ồ ạt thu gom kim loại quý…
Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2011 ước đạt 7,8 tỷ USD tăng khoảng 7,8% so với tháng trước và trở thành tháng có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong cùng thời kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm nhẹ 5,2% so với tháng trước. Như vậy, nhập siêu tháng này ước khoảng 400 triệu USD, thấp nhất kể từ tháng 9-2010 trở lại đây.
Đây được coi là diễn biến tích cực đối với nỗ lực ổn định vĩ mô trong nước. Sau 4 tháng liên tiếp nhập siêu đều vượt 1 tỷ USD, nhập siêu giảm nhanh trong tháng này khiến những lo ngại liên quan có dịp giải tỏa.
Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Hải Quan lại cho thấy, kể từ khoảng nửa cuối tháng 5 kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm đột ngột tăng mạnh. Tính cho đến thời điểm này, ước tính đã có khoảng 1 tỷ USD kim ngạch xuất hiện trong thống kê của cơ quan này.
Nguồn tin từ Vụ thống kê Thương mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cũng khẳng định, tái xuất vàng tạo mức tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu nhóm này, khoảng 630 triệu USD tính riêng trong tháng 6. Quy đổi tương đương, đã có trên 10 tấn vàng được xuất khẩu trong tháng 6-2011. Như vậy, gần như toàn bộ phần kim ngạch tăng thêm trong tháng này, trong so sánh với tháng trước, có được do hoạt động tái xuất vàng.
Động thái tăng cường xuất khẩu kim loại quý của Việt Nam dường như … “rất hợp thời” vì các nước đặc biệt là các ngân hàng TW đang ồ ạt thu gom vàng làm nơi trú ẩn chống lạm phát…
Sau khi mua vào 20 tấn vàng hôm 12/7, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust lại mua vào 10,97 tấn vàng, nâng lượng nắm giữ của quỹ lên 1.236,01 tấn – cao nhất kể cuối tháng 4 tới nay.
Như vậy trong tuần qua, SPDR đã mua vào tổng cộng 30,93 tấn vàng, sau khi bán ra vẻn vẹn có 2,86 tấn trong tuần trước.
Hai phiên mua vào của tuần này cũng là 2 phiên giao dịch mạnh nhất của quỹ trong năm 2011.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới gom mua nửa đầu năm nay đã vượt khối lượng mà nhóm này mua vào trong cả năm 2010
Sự quan tâm trở lại của các ngân hàng trung ương đối với vàng là một lý do quan trọng dẫn đến sự leo thang ồ ạt của giá kim loại quý này.
WGC không đưa ra một con số cụ thể nào, nhưng công bố này không hề gây ngạc nhiên, vì từ năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã lần đầu tiên mua ròng vàng sau hai thập kỷ bán ròng.
“Đây không phải là sự chuyển biến bất ngờ, mà là một xu hướng đang tăng tốc khi mà các ngân hàng trung ương ở châu Âu bắt đầu bán ít vàng đi, và các ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi bắt đầu mua nhiều vàng hơn”, nhà nghiên cứu Juan Carlos Artigas thuộc WGC phát biểu.
Từ đầu năm đến nay, Mexico là quốc gia đi đầu trong cuộc đua tăng dự trữ vàng. Hồi đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương nước này đã chi hơn 4 tỷ USD mua vàng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết thúc những nỗ lực bán vàng vào cuối năm ngoái.
Theo hãng nghiên cứu thị trường vàng GFMS của Anh, các ngân hàng trung ương mua ròng 73 tấn vàng trong năm 2010. Nhóm này bán ròng 34 tấn vàng trong năm 2009 và 235 tấn trong năm 2008.
Ông John Embry, chiến lược gia đầu tư của quỹ Sprott cho rằng, các vấn đề địa chính trị rắc rối và kinh tế vĩ mô u ám sẽ hỗ trợ cho vàng. Ông dự báo giá sẽ lên 1.650 USD/ounce trong mùa hè này, trước khi lên 1.800 USD/ounce trong 3 tháng sau đó.
Embry đưa ra các nguyên nhân làm tăng giá vàng bao gồm:
Một là nhu cầu đầu tư. Phần lớn yếu tố mùa vụ đến từ châu Á, liên quan đến truyền thống ở những nơi mua vàng chuẩn bị cho mùa cưới, riêng ở Ấn Độ có nhu cầu cao từ vùng nông thôn sau thu hoạch vụ mùa. Mùa hè không phải là thời điểm tốt đối với vàng bởi Ấn Độ mới gieo trồng vụ mới và châu Á chưa vào mùa cưới. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu kim loại quý có thể loại trừ yếu tố mùa vụ. “Người ta quên rằng thị trường vàng đang thay đổi đáng kể từ nhu cầu truyền thống sang nhu cầu đầu tư như một loại tiền tệ chống lại sự mất giá của các tài sản khác”, Embry nói.
Hai là, nỗi sợ hãi đối với nền kinh tế, đặc biệt là các sự kiện quan trọng đến trong mùa hè. Tháng này, Mỹ sẽ kết thúc chương trình nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) và không có ý định tung ra gói QE3, trong bối cảnh lo lắng về nợ trần đến sớm hơn dự kiến.
Embry cho rằng, hai sự kiện trên có thể tác động đáng kể lên vàng, đặc biệt đúng lúc các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.
Ba là, động lực tăng cho giá vàng đến từ châu Âu. Theo Embry, nợ công ở khu vực đồng Euro ngày càng lan rộng và nghiêm trọng, cũng xuất hiện ở cả Mỹ, cho thấy các loại tiền tệ đang kém hấp dẫn và đó là yếu tố cơ bản để lạc quan đối với vàng.
Xét trên khía cạnh khác, theo Embry, khả năng Hy Lạp đựơc giải cứu sẽ làm tăng sức mạnh của Euro so với USD và điều này cũng làm tăng giá vàng.
Chiến lược gia của Spott còn lạc quan hơn nữa với giá vàng khi mùa hè qua đi bởi tháng 9 là thời điểm sôi động nhất của vàng theo lịch sử hơn 20 năm trở lại đây.
Từ năm 1988 đến nay, giá vàng tăng trung bình 3,4% bắt đầu từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9. Thời điểm này là lúc người dân Ấn Độ đã thu hoạch xong phần lớn vụ mùa, tiền thu được từ việc bán hàng hoá thường dành cho mua vàng vì họ không có thói quen dùng ngân hàng. Người dân nơi đây cũng bắt đầu dự trữ vàng cho lễ hội Diwali vào tháng 10, một trong những lễ hội tôn giáo quan trọng bậc nhất của quốc gia này.
Tháng 9 còn là tháng bắt đầu cho mùa cưới của Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác. Lễ hội Ramadan ở các nước theo đạo Hồi cũng diễn ra trong giai đoạn này.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com