Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà đầu tư Anh kỳ vọng vào thị trường tài chính Việt Nam

Trái phiếu, bảo hiểm, quỹ hưu trí… là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của Anh đang nhắm tới.

Thời cơ vàng để bùng nổ thị trường trái phiếuHSBC, Standard Chartered, Deloitte, Dragon Capital, Prudential… là những doanh nghiệp Anh hoạt động khá hiệu quả ở Việt Nam. Tại buổi tọa đàm Anh – Việt về hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đầu tuần này nhân chuyến thăm của ông David Wootton, Thị trưởng Trung tâm Tài chính London tới Việt Nam, các doanh nghiệp này bày tỏ sự kỳ vọng tiếp tục đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, kinh doanh vốn và ngoại hối, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam cần nguồn vốn rất lớn để phát triển kinh tế, song hiện đang lệ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng. Do vậy, nếu phát triển được thị trường trái phiếu, Việt Nam không những sẽ thu hút được nguồn vốn tiết kiệm lớn ở trong dân, mà còn giúp thị trường vốn phát triển.

Báo cáo Theo dõi trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố mới đây cho thấy, Việt Nam là thị trường trái phiếu có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực trong quý II/2012. Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng giá trị trái phiếu phải thu tính bằng tiền đồng đạt 455.900 tỷ đồng, tương đương 21,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng 28,5% so với thời điểm cuối tháng 6/2011.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cũng chia sẻ, tham gia thị trường trái phiếu là mục tiêu của Standard Chartered. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển thị trường trái phiếu dài hạn là phải có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Được biết, giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu Việt Nam mới đạt 18% GDP trong năm 2011, trong đó, 90% là trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, cơ chế hoán đổi hoặc mua lại trái phiếu chính phủ ở Việt Nam chưa được sử dụng. Các loại trái phiếu chính phủ chưa đa dạng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển. Hiện nay, 96% trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chỉ 5 năm.

Ngoài trái phiếu, bảo hiểm, quỹ hưu trí cũng là những lĩnh vực được các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Anh rất quan tâm. Ông Jack Howell, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng, dù có sự cạnh tranh khốc liệt, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang đầy hứa hẹn, bởi mới chỉ có 5% dân số có hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng rất có tiềm năng để phát triển các quỹ hưu trí và các chương trình thu hút vốn dài hạn khác.

Tương tự, ông Phạm Hoàng Hải cho rằng, Việt Nam đang ở độ tuổi dân số vàng, song sau 30 năm nữa, khi lớp lao động này về hưu, hệ thống bảo hiểm xã hội hiện tại có nguy cơ bị vỡ. Vì vậy, việc cần thiết phải làm ngay là phải phát triển các quỹ tương hỗ, quỹ phúc lợi, quỹ hưu trí. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp để hình thành các loại quỹ này, trong đó, vướng mắc lớn nhất là cơ chế hoạt động.

Ông Louis Taylor cho rằng, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào các quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, cần có cơ chế minh bạch để các quỹ này có thể huy động được vốn trên thị trường và có thể đầu tư sinh lãi an toàn. Ngoài ra, các quỹ này cũng không nên bị đánh thuế, nếu không có các hoạt động sinh lời.

Theo Hà Tâm
Báo Đầu tư

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com