Việc điều chỉnh LSCB không đơn giản phụ thuộc vào CPI như nhiều NĐT đang suy nghĩ |
Thông tin thường được lấy làm căn cứ để dự đoán động thái tăng LSCB của NHNN là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng.
Đã có không ít đợt bán tháo trên TTCK mỗi khi CPI được đánh giá là ở mức cao. Nhưng thực tế đã chứng minh, phản ứng tâm lý tiêu cực đó không hoàn toàn hợp lý.
Cuối tháng 11/2009, NHNN quyết định tăng LSCB, cho dù CPI của tháng đó vẫn ở mức hợp lý, nhưng lại giữ nguyên LSCB trong các tháng 12/2009, tháng 1 và 2/2010, cho dù CPI của các tháng này được nhận xét là cao.
Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào CPI để dự báo động thái của NHNN có thể sẽ dẫn đến những sai lầm như trong thời gian qua. Cần phải tìm ra những nhân tố mới để dự báo khả năng tăng LSCB của NHNN trong thời gian tới.
Một chỉ số ít được quan tâm, nhưng tác động khá mạnh đến việc điều hành chính sách tiền tệ là chỉ số CPI lõi (core CPI), có nghĩa là CPI sau khi đã loại trừ tác động của giá lương thực, thực phẩm và năng lượng (vì nó biến động quá nhanh).
Điều này là hợp lý, bởi vì đây là những loại hàng hoá thiết yếu, việc nới lỏng tiền tệ không phải nguyên nhân chính gây ra sự tăng giá các loại hàng hoá đó và ngược lại, việc thắt chặt tiền tệ không làm giảm nhu cầu, qua đó làm giảm giá các hàng hoá đó.
Ở Việt Nam, mặc dù CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2010 tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 8,34%. Nếu lấy quyền số của nhóm hàng này là 39% thì CPI lõi của 2 tháng đầu năm 2010 chỉ tăng 4,79%. Điều này có thể giải thích một phần cho lý do giữ nguyên LSCB của NHNN trong các tháng đầu năm 2010.
Một nhóm chỉ số khác cũng rất quan trọng đối với việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ đó là tăng trưởng tín dụng và mức tăng tổng phương tiện thanh toán.
Đây là hai nhân tố rất nhạy cảm với LSCB, thường được dùng làm căn cứ cho việc điều chỉnh LSCB ở Việt Nam. Việc tăng LSCB vào tháng 11/2009 có liên quan chặt chẽ đến hai chỉ số này.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 11/2009 là 35,41%, quá cao so với mục tiêu 25 - 27% đề ra từ đầu năm. Thêm vào đó, mức tăng tổng phương tiện thanh toán bắt đầu vượt qua con số mục tiêu 25%. Do vậy, việc tăng LSCB vào thời điểm đó là hợp lý để phòng ngừa lạm phát cao quay trở lại.
Sang năm 2010, mặc dù tăng trưởng tín dụng tháng 2 là 1,14%, khá cao so với mức 0,26% của tháng 1, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân 2%/tháng cho mục tiêu cả năm là khoảng 25%.
Tương tự như vậy, mức tăng tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 2 là 1,39%. Những con số nêu trên có thể giải thích cho việc giữ nguyên LSCB của NHNN.
Như vậy, việc điều chỉnh LSCB không đơn giản phụ thuộc vào CPI như nhiều NĐT đang suy nghĩ, mà nó phụ thuộc vào CPI lõi, tăng trưởng tín dụng và mức tăng tổng phương tiện thanh toán.
Khả năng tăng LSCB cuối tháng 3 này cũng cần phải được xem xét trên cơ sở dự báo những chỉ số trên. Theo những dự báo ban đầu, CPI tháng 3 tăng khoảng 1%, CPI lõi sẽ vẫn thấp do dư âm của Tết Nguyên đán làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Nếu tăng trưởng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cao đột biến, từ 6% trở lên cho 3 tháng đầu năm, thì khả năng tăng lãi suất cơ bản là rất cao và ngược lại.
(Theo ĐTCK)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com