Sau hơn 10 ngày Ngân hàng (NH) Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất tiết kiệm đã có dấu hiệu bình ổn.
Đầu vào giảm, đầu ra vẫn cao
Khảo sát nhiều NH tại TPHCM, chúng tôi nhận thấy lãi suất tiền gửi VNĐ và USD có kỳ hạn bắt đầu đi xuống. Lãi suất VNĐ của khá nhiều NH dưới mức trần 14%/năm. Đặc biệt từ ngày 1-4, NH Kiên Long (Kienlong Bank) phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động 500 tỉ đồng nhưng lãi suất chỉ 13,5%/năm (dưới mức cho phép 0,5%/năm).
Sau các biện pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi VNĐ có kỳ hạn bắt đầu giảm.
Ảnh: HỒNG THÚY
Trước đó, Kienlong Bank cũng giảm lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 2 và 3 tháng xuống còn 5,3% và 5,5%/năm. Tương tự, lãi suất huy động USD của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam cũng giảm từ 0,1% - 0,25%/năm ở tất cả các kỳ hạn, mức lãi suất cao nhất dao động từ 5% - 5,35%/năm...
Một lãnh đạo của NH Đại Tín thông tin: Hiện nay, phần lớn các NH đều hạn chế cho vay mới, mà chủ yếu tập trung thu hồi nợ, thậm chí thương lượng với khách hàng thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm dần dư nợ cho vay phi sản xuất. Lãnh đạo nhiều NH khác cũng cho biết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang giảm mạnh.
Lãi suất sẽ giảm nhanh Theo một quan chức NH Nhà nước, việc hạn chếtăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH không quá 20% cho thấy đầu ra của các NH còn rất hẹp. Trong khi đó, các NH hạn chế cho vay để giảm dần tỉ trọng cho vay phi sản xuất về 22% (tháng 6-2010) và cuối năm 2011 xuống còn 16% nên các NH không còn mặn mà huy động vốn với lãi suất trần cho phép. Mặt khác, Nhà nước chuẩn bị ban hành chính sách hạn chế đối tượng vay vốn bằng USD; siết chặt hoạt động thị trường vàng, ngoại tệ nên người dân hạn chế giao dịch USD, vàng. Số lượng tiền gửi VNĐ, USD ngày càng chảy vào NH nhiều hơn, trong khi đầu ra của NH ngày càng hẹp. Vì thế, lãi suất VNĐ, USD trong thời gian tới sẽ giảm nhanh. |
Một số NH muốn chọn lọc khách hàng để tăng dư nợ cho vay sản xuất (vẫn bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng như đã đăng ký với NH Nhà nước) nhằm hạ tỉ trọng cho vay phi sản xuất cũng không dễ, bởi điều kiện vay được siết chặt, lãi suất cho vay lên tới 16% - 18%/năm, còn lãi suất vay vốn bằng USD cũng ở mức 6% - 8,5%/năm nên doanh nghiệp không vay. Vì thế, nếu các NH không hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra sẽ dẫn đến tình trạng ôm vốn.
Chặn rút tiền trước hạn
Tuy lãi suất tiền gửi có kỳ hạn VNĐ đang giảm nhẹ nhưng những ngày gần đây, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lại biến động mạnh. Trước đây, lãi suất không kỳ hạn phổ biến ở mức 3%/năm (mức lãi suất thấp nhất), NH chỉ được phép sử dụng 30% số vốn huy động không kỳ hạn để cho vay. Mặt khác, một số NH vận động khách hàng gửi tiền có kỳ hạn nhưng khi rút trước hạn lại được NH chi trả lãi suất 12% - 13%/năm. Điều này thường làm NH thiếu hụt vốn tạm thời khiến thị trường liên tục diễn ra các cuộc đua về lãi suất có thể dẫn đến rủi ro cho NH.
Vì thế, mới đây, NH Nhà nước quy định khách hàng rút tiền trước hạn, các NH chỉ được chi trả với mức lãi suất thấp (lãi suất không kỳ hạn), lập tức, một số NH tăng mạnh lãi suất không kỳ hạn bằng nhiều hình thức. NH Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) triển khai sản phẩm VP Super dành cho khách hàng luân chuyển tiền qua tài khoản thanh toán với lãi suất lên đến 9%/năm. Từ nay đến ngày 5-4, NH Hàng hải (Maritime Bank) tung ra thị trường sản phẩm M - Business dành cho tài khoản tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp được cộng thưởng 2% cho tất cả các bậc lãi suất của tài khoản M - Business, đưa lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 10%/năm. Kienlong Bank cũng nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 6%/năm. Còn NH Việt Á không chỉ nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn mà còn áp dụng lãi suất tăng theo mức tiền gửi: Người gửi 1 tỉ đồng trở lên được hưởng lãi suất không kỳ hạn 8%/năm, từ 400 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng lãi suất là 7,5%/năm; từ 20 triệu đồng - dưới 400 triệu đồng lãi suất 6%/năm trở lên...
Theo các NH, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tăng đột biến không đồng nghĩa với việc NH huy động vốn không kỳ hạn để cho vay. Việc tăng lãi suất không kỳ hạn chủ yếu là để giữ chân khách hàng, bởi không một NH nào muốn khách hàng rút tiền trước hạn làm xáo trộn nguồn vốn.